Kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam:

Bản hùng ca 7 cô gái Quang Trung

(Dân trí) - Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng câu chuyện về 7 cô gái Quang Trung (Phủ Lý, Hà Nam) anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn được nhiều người dân truyền tai nhau qua nhiều thế hệ.

Họ đều là những cô gái chưa đến tuổi 20 nhưng ý chí quyết chiến quyết thắng luôn cháy bỏng, từng ngày từng giờ mong muốn đánh đuổi quân xâm lược. Câu chuyện về họ xứng đáng là những bản hùng ca về tuổi trẻ của thị xã Phủ Lý thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Bảo vệ Tổ quốc, tiếc gì tuổi xanh

 

Vào những năm 1960, địa bàn Phủ Lý được xác định là điểm huyết mạch trên bản đồ quân sự vì có đường sắt, Quốc lộ 1A chạy qua, lại là ngã ba để đi tới vùng tản cư Bút Sơn và kho vũ khí Ba Sao của quân đội ta. Do đó, máy bay Mỹ ngày đêm đánh phá thị xã Phủ Lý rất ác liệt. Khi đó, hầu hết thanh niên trai tráng của thị xã đều đi theo tiếng gọi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ở nhà toàn phụ nữ và trẻ em.

 

Trong tình thế cấp bách đó, tháng 5/1964 phố Quang Trung (Phủ Lý) đã thành lập đội tự vệ tình nguyện gồm 7 chị em. Người cao tuổi nhất là Tiểu đội trưởng Bùi Thị Hường mới 19 tuổi, nhỏ nhất là chị Bùi Thị Cường 16 tuổi, còn lại các chị Hời, Chính, Oánh, Hồng, Định đều độ tuổi 17, 18. Đội lấy tên “7 cô gái Quang Trung” với nhiệm vụ chính là cộng tác với đội pháo 37 ly trực tiếp tham gia chiến đấu và cứu tải thương.

 

Bà Đặng Thị Hồng, hiện trú tại xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, một thành viên trong đội bồi hồi kể về trận đánh ác liệt nhất vào sáng ngày 1/10/1966. Mặc dù đã xác định trước máy bay Mỹ sẽ bắn phá ác liệt nhưng các chị vẫn bị ngợp bởi sự khủng khiếp của nó. “Vào lúc 5 giờ 30 phút, các vị trí chiến đấu đã sẵn sàng, chị em chúng tôi được giao nhiệm vụ cố thủ 1 ụ pháo 37 ly trên đê sông Đáy. Khoảng một tiếng sau, bầu trời chợt tối sầm lại, gần 20 máy bay Mỹ ập đến gầm rú trên bầu trời trút xuống hàng tấn bom. Bên dưới, pháo phòng không kiên cường bắt trả. Tiếng máy bay địch gầm rú, tiếng bom nổ, tiếng pháo phòng không nhả đạn hoà lẫn vào tiếng người kêu rú, tiếng rên của người bị thương tạo nên một thứ âm thanh hỗn độn rất khó tả, vẫn còn ám ảnh đến tôi cho đến tận bây giờ”.

 

Không cầm được nước mắt, bà Hồng nói trong sự nghẹn ngào: “Lúc đó, hai ụ pháo 37 ly gần đó đã bị hạ. Quay sang nhìn, chỉ thấy xác của hai đồng chí bộ đội đã bị phạt mất đầu vẫn trong tự thế tay ôm ghì ụ pháo. Còn ụ bên kia đã bị nổ tung. Nòng pháo, thây người, chân tay đứt lìa và máu hoà lẫn vào nhau thật hãi hùng. Tiểu đội phó Đặng Thị Oánh chỉ kịp trấn tĩnh chị em: Một sống hai chết các cậu. Chiến đấu! Và chúng tôi ôm ghì ụ pháo nhằm máy bay địch mà nã”.

 

Đâu cần chị em có, đâu khó có chị em

 

Sự tàn khốc của chiến tranh vẫn còn được ghi rõ trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam: Quý III năm 1965, Mỹ cho 1662 tốp máy bay thâm nhập, đánh phá vào các trọng điểm kinh tế, quốc phòng, trong đó có 16 lần đánh vào các tuyến giao thông vận tải, tháng 11/1965, Mỹ cho 303 tốp máy bay đánh phá Quốc lộ 1A và đường 21, rồi đến ngày 01/8/1966, không quân Mỹ thả trên 1.000 quả bom xuống thị xã Hà Nam.

 

Nguy hiểm luôn rình rập như thế vẫn không ngăn nổi ý chí của những cô gái chưa đến tuổi 20. Những chiến công mà các chị lập nên thật đáng nể, nơi địch bắn phá ác liệt nhất, nơi nguy hiểm nhất là các chị có mặt. Các đoạn đường, cầu vừa bị máy bay địch bắn phá, liền được sửa chữa ngay. Địch cứ bắn phá, các chị cứ sửa chữa. Bao nhiêu đoạn đường đã được nối lại, bao nhiêu chiếc cầu được vá lại các chị cũng không nhớ rõ. Những nơi chiến sự xảy ra ác liệt nhất, 7 chị em lại lao đến cứu tải thương. Đêm đến, các chị làm “cọc tiêu sống” chỉ dẫn cho từng chiếc xe men qua miệng hố bom, bờ sông để nối nhau vào tiền tuyến.

 

Mỗi lần cứu tải thương là mỗi lần cái chết rình rập mà bà Bùi Thị Cường cùng các đồng đội không thể nào quên, bà kể: “Sau trận đánh rạng sáng 1/10/1966, chúng tôi được lệnh rút lui về để cứu tải thương. Sáng 2/10/1966, khi máy bay Mỹ ném bom ác liệt, nhận được tin báo có một đồng chí bộ đội thông tin liên lạc bị trọng thương cần đưa về hậu phương để chữa trị khẩn cấp, 7 chị em cùng nhau cáng đồng chí bộ đội thông tin ra bờ sông để lên thuyền sang sông. Lúc này máy bay Mỹ đang thả bom rất dày, đặc biệt cầu Hồng Phú và lòng sông Đáy đang là mục tiêu bắn phá của địch.

 

Khi ra đến bờ sông, rất nhiều chiếc thuyền ba lá đã bị bom dội nổ tung, giữa lòng sông bom giặc thả dày đặc, từng cột nước tung lên trắng xoá, khiến đứng ở bờ bên này không thể nhìn rõ sang bờ bên kia. Trong tình thế nguy kịch nhưng không thể chần chừ, các chị đã quyết định đưa người bị thương lên thuyền sang sông về hậu phương. Tính mạng của người chiến sĩ đang “ngàn cân treo sợi tóc”, 7 chị em người trèo, người bơi đẩy đưa chiếc thuyền băng qua từng cột nước”.

 

Nhớ lại tình cảnh đó bà Hồng vẫn chưa hết bàng hoàng: “Lúc thuyền đi đến giữa sông cũng là lúc nguy hiểm nhất, các chị em không dám ngẩng đầu nhìn lên trời mà chỉ biết nhìn thẳng bờ bên kia mà lái thuyền. Nếu nhìn lên trời có cảm tưởng mưa bom đang trút thẳng xuống đầu mình. Có những đoạn bom dội cách thuyền mấy chục mét, nuớc bắn rát cả mặt. Sang đến bên kia, vừa đưa chiến sĩ bị thương lên bờ đi được 1 đoạn thì chiếc thuyền ba lá bị trúng bom nổ tan tành”. Cũng nhờ sự mưu trí, dũng cảm của các chị mà không ít đồng chí bộ đội được chữa trị kịp thời. Sau này, khi ra mặt trận không ít chiến sĩ viết thư về cảm ơn mà các chị còn không nhớ là ai.

 

Thành tích của các chị đã được thiếu tướng Hồng Thanh tặng bằng khen năm 1966. Sau này, các chị được sáp nhập vào đơn vị Quyết Tiến vừa tham gia chiến đầu vừa tham gia sản xuất. Ông Trần Hồng Quân, nguyên là trưởng đài phòng không, thị đội Hà Nam, mỗi khi nhắc đến 7 cô gái Quang Trung vẫn không giấu được vẻ thán phục: “Thật là một điều kỳ diệu. Trải qua bao mưa bom bão đạn khốc liệt của chiến tranh, các chị vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà không ai bị thương, hình ảnh của các chị mãi là niềm tự hào của người dân Hà Nam”.

 

Giờ đây, đội tự vệ 7 cô gái Quang Trung người còn, người mất, nhưng tình đồng chí vẫn vẹn nguyên. Cuộc sống thời bình nhiều lúc bon chen khiến mỗi người đi theo mỗi ngả, nhưng mỗi khi bùi ngùi nhớ lại những ngày cùng nhau sát cánh mỗi chị đều không giấu được niềm xúc động trào dâng. Các chị dân quân tự vệ năm nào nay đều đã lên ông lên bà, vẫn luôn có một ước nguyện được cùng nhau sum họp một lần để cùng cười, cùng khóc ôn lại những kỷ niệm một thời.

 

Đức Phương - Đặng Hưng

TTXVN