1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

A Lưit - Người "hát rong" sử thi Tây Nguyên

(Dân trí) - Trong ngôi nhà sàn tưởng chừng như không thể nhỏ hơn được nữa, một người đàn ông Ba Na nhỏ thó, đen đúa đang ngâm nga câu chuyện bi hùng về huyền thoại Chàng Giông - một trong những sử thi vào loại cổ nhất ở Tây Nguyên...

Câu chuyện dài hơn con dốc

 

Từ thị xã Kon Tum, chúng tôi phải chạy xe trên 20km theo quốc lộ 24, qua cầu Kon Salam để được gặp người "hát rong" sử thi A Lưit. Nửa giờ sau khi chúng tôi đến, anh mới từ rẫy trở về.

 

Trước mặt chúng tôi là một ông già đã ngoài 65 tuổi nhưng trông nhỏ thó, đen đúa. Vì ngôi nhà "cực nhỏ", nên A Lưit tiếp khách ngay trước sân nhà mình. A Lưit nhớ lại, ngày trước ông cũng khoẻ mạnh như những chàng trai khác trong làng. Năm lên 9 tuổi, vì ham chơi nên ông đã để thuyền trôi mất. Quá giận người bố của A Lưit đã đánh con "quá tay" và vết thương ở sống lưng đã khiến A Lưit tàn tật, lưng gù, tay chân teo lại và nhỏ dần...     

 

Cái may mắn là A Lưit được ông nội và bố "truyền lửa" sử thi và những câu chuyện cổ tích cho ngay từ tấm bé. Giấc ngủ tuổi thơ của A Lưit chìm trong lời ru ấm nồng của người ông, người bố về những câu chuyện thần thoại Ba Na, về chuyện Chàng Giông, về sức mạnh của thần sét, về ông già Prôn hay đi đánh nhau để bảo vệ lẽ phải...

 

Ngoài 20 tuổi, A Lưit đã có thể kể sử thi cho dân làng nghe. Một người già ở làng Kon H'drầm cho biết, sau một ngày làm rẫy mệt nhọc, tối đến mọi người thường tụ tập ở nhà sàn uống rượu và nghe A Lưit kể chuyện. Những câu chuyện A Lưit kể đã làm tan đi mệt nhọc trong người dân làng Kon H'drầm.

 

Chuyện của A Lưit kể dài lắm, dài hơn cả con dốc cao ngất bên kia con suối T'Re.

 

Ngủ đi dân làng ơi

 

A Lưit cho biết, ngày trước khi còn khoẻ, nhà nào có chuyện buồn ông đều đến kể chuyện, xa mấy cũng đi. "Nhà người ta buồn thì mình làm cho người ta vui chớ!", A Lưit cười nói. Mỗi khi thấy A Lưit xuất hiện ở đâu, y như rằng mọi người lớn bé già trẻ ở đó đều tự động tụ tập xung quanh thành một vòng tròn. A Lưit trải tấm bạt xuống, nằm ngửa mặt lên trời và bắt đầu kể. A Lưit vừa kể vừa hát khiến dân làng ngồi nghe quên cả thời gian. Có hôm con gà đã gáy lần thứ hai mà bà con vẫn còn ngồi. Còn A Lưit thì thi thoảng hé mắt, nếu thấy bà con còn thức thì kể tiếp, khi dân làng đã ngủ thì ông lặng lẽ ra về.

 

Chuyện của A Lưit kể dài lắm. Bình quân một câu chuyện phải kể một ngày, có bài dài phải đến ngày rưỡi, hai ngày. A Lưit kể 6 - 7 bài trong 10 ngày liền. Dân làng thích nhất câu chuyện vui về Chàng Giông đi tán gái, Chàng Giông đi săn chó. Mỗi lần kể hết một câu chuyện, A Lưit lại dừng để uống rượu và hút thuốc lấy giọng.

 

Vì bố mẹ đã mất, vợ con thì không có, nên A Lưit sống một cuộc đời vất vả cả về vật chất và tinh thần. Ngôi nhà của ông đang ở chưa đến 9m2, nhỏ thó như chính con người của ông vậy. Toàn bộ gia sản của A Lưit chỉ một tấm vải bạt, để đi đến đâu thì trải ra, nằm và kể chuyện!

 

Điều A Lưit tự hào là dù nhà chỉ bằng cái chuồng gà của bà con thôi, nhưng vẫn là nhà sàn đàng hoàng. Cha ông mình trước sống sao, giờ mình phải theo chớ! Cuộc sống hàng ngày của A Lưit chủ yếu dựa vào một sào đất mướn để trồng mỳ (sắn), tiền công đi làm thuê và tất cả những thứ gì bà con cho sau một lần kể chuyện. A Lưit cho biết: "Bà con" đã cho mình thuốc hút, rượu, bánh kẹo, gạo ăn, áo quần, có nhà mời mình ăn xong rồi còn cho mình cả thịt mang về nhà ăn cơm nữa".

 

Theo thời gian, sức khoẻ của A Lưit ngày càng yếu. Được biết, để lưu giữ "báu vật" sử thi Tây Nguyên, các cán bộ văn hoá ở Kon Tum thường đến với A Lưit để nghe kể chuyện, ghi chép và thu âm. Còn già A Lưit, chia tay với chúng tôi chỉ nói mỗi một câu: Chúng mày nhớ về chơi với ông già nhiều vào nhé!

 

Đại Hoà