1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỷ niệm 65 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012)

40 năm và hành trình liệt sĩ trở về

Sau 40 năm gửi thân xác trong vòng tay yêu thương của người dân đất cảng, hài cốt liệt sĩ Dương Văn Hiến – binh nhất của tàu T603 (Đoàn tàu không số) trở về với quê hương Quảng Ninh.

 
Bà Nguyễn Thị Minh bên ngôi mộ “anh bộ đội hải quân quê Củ Chi”.
Bà Nguyễn Thị Minh bên ngôi mộ “anh bộ đội hải quân quê Củ Chi”.

 

Ngỡ em quê ở Củ Chi!


Nghĩa trang nhân dân Cam Lộ, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) có một ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên. Lụi cụi bên ngôi mộ, một bà lão hơn 70 tuổi đang tâm sự với người dưới mộ: “Em ơi, chỉ mấy ngày nữa là em được về với gia đình rồi. Khổ thân em tôi, 40 năm qua chị cứ ngỡ em quê mãi Củ Chi, chứ có ngờ đâu quê em lại ở gần đến vậy. Bây giờ chị mới biết quê em ở ngay Quảng Ninh, cách đây chỉ có một con sông”.

 

Đó là bà Nguyễn Thị Minh, hiện sống tại số nhà 507 đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng - người đã chôn cất rồi chăm sóc ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên tròn 40 năm qua.

 

Thắp nén hương lên phần mộ, nhìn vào tấm bia, tôi đọc được dòng chữ “Anh bộ đội hải quân quê Củ Chi - thuyền viên tàu chở nguyên liệu cho miền Nam, bị trúng bom tại Sở Dầu đêm 16/4/1972”. Ngỡ ngàng trước dòng chữ này bởi trước đó làm việc với UBND phường Hùng Vương, tôi được ông chủ tịch phường cho biết liệt sĩ hải quân mà phường sắp tiến hành bàn giao hài cốt là người quê Quảng Ninh. Đọc được sự ngỡ ngàng của người đối diện, bà Minh giải thích “đó là sự nhầm lẫn của tôi”. Và câu chuyện 40 năm về trước được bà Minh hồi tưởng lại rành mạch như mới hôm qua.

 

“...Năm 1972, khi đó tôi đang là cán bộ văn phòng Bộ Nội vụ, trong một lần về thăm nhà ra bờ sông Cấm bắt cá, tôi phát hiện một xác chết nằm cách bờ sông vài bước chân. Xác chết dẫu đã qua mấy ngày, nhưng tôi vẫn nhận ra đó là một thanh niên còn rất trẻ. Người này mặc chiếc áo yếm kẻ sọc và bộ quân phục đại cán mùa đông màu xám tro đặc trưng của bộ đội hải quân. Không một thứ giấy tờ nào xác định về nhân thân của tử thi, chi tiết duy nhất mà tôi đọc được là trên chiếc áo đại cán có chữ “Củ Chi” in bằng sơn trắng. Và đó là xuất xứ của dòng chữ “Anh bộ đội hải quân quê Củ Chi” được viết lên phần mộ suốt mấy chục năm qua”.

 

Dường như có một sợi dây vô hình gắn kết gia đình bà Minh với người liệt sĩ chưa biết tên đó. Suốt 40 năm, phần mộ của “người em quê Củ Chi” được bà chăm sóc chu đáo, dù phải trải qua nhiều lần di chuyển. Nấm mộ ban đầu ở bãi sông, khi bãi này được bàn giao cho một số doanh nghiệp, bà cải táng mộ đưa về bãi đất trống bên cạnh phần mộ của gia đình. Tới năm 2005, khi khu đất này được giải phóng mặt bằng để xây dựng một khách sạn, phần mộ liệt sĩ lại được cất bốc, đưa về an táng tại nghĩa trang Cam Lộ, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng.

 

Di ảnh liệt sĩ Dương Văn Hiến.
Di ảnh liệt sĩ Dương Văn Hiến.

 

Hành trình trở về của liệt sĩ tàu không số

 

Tại sao hài cốt của một liệt sĩ hải quân, được người dân chôn cất ngay tại khu vực nội thành Hải Phòng mà phải mất đến 40 năm mới tìm ra danh tính chính xác? Bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ: “Ngày đó (năm 1972), sau khi cùng dân quân tự vệ xã Hùng Vương chôn cất người chiến sĩ hải quân, ngày hôm sau tôi phải lên Hà Nội công tác. Tôi cũng có đề nghị chính quyền địa phương tìm tung tích của chiến sĩ này. Tuy nhiên, thời đó chiến tranh loạn lạc nên mấy tháng sau về hỏi lại thì các bác ấy, nói không tìm được.

 

Suốt những năm sau đó và tới tận gần đây, tôi nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương tìm đơn vị của chú ấy, nhưng không được. Đến đầu năm 2011, khi anh Vũ Xuân Hiếu về làm Chủ tịch UBND phường Hùng Vương, tôi lại đến tìm và đề đạt nguyện vọng. Nghe xong, anh Hiếu bảo “bác dẫn cháu ra xem phần mộ” và lắng nghe câu chuyện của tôi về xuất xứ ngôi mộ”.

 

Ngày 30/5/2011, ông Vũ Xuân Hiếu có công văn gửi Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị phối hợp xác minh mà theo ông, nhiều khả năng là của một chiến sĩ hải quân. Một tuần sau, phường Hùng Vương đón đoàn công tác của Phòng Chính sách thuộc Cục Chính trị Hải quân đến làm việc. Ngày ấy đã bắt đầu cho hành trình xác định danh tính của hài cốt dưới mộ trên cơ sở phán đoán đó là hài cốt liệt sĩ Đoàn tàu không số.

 

Thượng tá Trương Tuấn Truyền - Phó Trưởng phòng Chính sách Quân chủng Hải quân - cho biết: “Làm việc với UBND phường Hùng Vương, đặc biệt là khi gặp bác Minh, chúng tôi có một niềm tin rằng người nằm dưới mộ là một chiến sĩ hải quân”. Đã có niềm tin rồi, nhưng việc củng cố hồ sơ, chứng cứ là cả một quãng đường dài. Những cán bộ của Phòng Chính sách phải lục tìm trong các sự kiện lịch sử xem có sự kiện nào liên quan đến sự hy sinh của chiến sĩ hải quân ở khu vực đó hay không?

 

Và sự kiện rõ nét nhất là trận máy bay Mỹ ném bom vào khu vực Sở Dầu (quận Hồng Bàng) ngày 16/4/1972. Trong sự kiện này, tại bến K20 (huyện Thủy Nguyên) có 5 tàu của Quân chủng Hải quân trúng bom, trong đó có 2 tàu thuộc Đoàn tàu không số là T603 và T609 đang bốc hàng để vận chuyển vào chiến trường miền Nam. 19 cán bộ, chiến sĩ hải quân hy sinh trong trận này, trong đó 17 người hy sinh tại chỗ, 2 người được đưa đi cấp cứu và hy sinh sau đó.

 

Ngay sau trận oanh tạc khốc liệt này, đơn vị và nhân dân tìm được 9 thi hài để an táng, còn lại 8 đồng chí thuộc tàu T603 không tìm thấy. Bác Trần Văn Hữu - Trưởng ban liên lạc Đoàn tàu không số toàn quốc, một nhân chứng của sự kiện ngày 16/4/1972 - nhớ lại: “Đêm hôm đó, còi báo động hú vang, tàu của chúng tôi lập tức rời bến K20 tìm nơi neo tránh bom. Lúc chúng tôi đi qua, tàu T603 cũng đang chuẩn bị rời bến. Cả đêm hôm đó, bầu trời Hải Phòng sáng rực ánh chớp của tên lửa, pháo phòng không và bom đạn mà máy bay Mỹ rải xuống.

 

Khi trận chiến qua đi, quay trở lại bến K20, chúng tôi được biết 5 tàu bị trúng bom, trong đó tàu T603 bị nổ tung. Sức công phá khi tàu T603 trúng bom là rất lớn, vì tàu đang bốc xếp 200 tấn vũ khí chuẩn bị đưa vào chiến trường miền Nam”.

 

Với những dữ liệu như trên, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân xác định thi hài tại nghĩa trang nhân dân Cam Lộ nhiều khả năng là của một trong 8 chiến sĩ tàu T603 hy sinh trong ngày 16/4/1972. Chiến sĩ này có lẽ đã hy sinh ngay khi tàu nổ và trôi dạt về khu vực xã Hùng Vương cách bến K20 gần 5km, nên khi đó đồng đội không tìm thấy xác. Tuy nhiên, trong 8 chiến sĩ này, không có ai quê ở Củ Chi. Về nguồn gốc chữ “Củ Chi” khiến bà Minh nhầm về quê quán của người mà mình chôn cất được giải thích: Những người lính chia nhau từng miếng cơm, manh áo. Việc một chiến sĩ này mặc áo của chiến sĩ khác là chuyện thường tình.

 

Mẫu ADN của hài cốt chiến sĩ chưa biết tên ở nghĩa trang nhân dân Cam Lộ lần lượt được đối chiếu với ADN của người thân 8 chiến sĩ tàu T603. Đầu tháng 6/2012, Viện Pháp y Quân đội có kết quả giám định ADN, xác định chính xác thi hài tại nghĩa trang Cam Lộ là của liệt sĩ Dương Văn Hiến - sinh năm 1950, nguyên quán phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, là chiến sĩ cơ điện trên tàu T603 Đoàn tàu không số, hy sinh ngày 16/4/1972.

 

Xúc động và những khoảng lặng

 

Hàng trăm người dân cùng đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân, chính quyền các phường Hùng Vương (Hải Phòng) và Cao Xanh (Quảng Ninh) tới dự lễ công bố kết quả giám định ADN và bàn giao hài cốt liệt sĩ Dương Văn Hiến. Xúc động nghẹn ngào, ông Dương Mạnh Thắng (anh trai liệt sĩ Hiến) gửi lời tri ân tới cán bộ, nhân dân phường Hùng Vương, đặc biệt là gia đình bà Nguyễn Thị Minh đã chăm lo phần mộ của em trai mình suốt 40 năm qua. Hài cốt liệt sĩ Dương Văn Hiến sau đó được đưa về tổ chức lễ tang tại gia đình và ngày 17/7 được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

 

Không may mắn như liệt sĩ Dương Văn Hiến, 7 liệt sĩ còn lại trên tàu T603 vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Bao năm qua, thân thể các anh có lẽ vẫn còn nằm lại đâu đó nơi ven bờ sông Cấm, hay đã hòa cùng dòng nước mênh mông nơi cửa biển. Các anh cũng như hàng trăm người lính hải quân khác đã ngoan cường chiến đấu, hy sinh trên chiến trường sông, biển. Thân thể các anh hòa vào biển cả, nhưng sự hy sinh đó được mãi mãi khắc ghi như những chiến tích oai hùng bảo vệ giang sơn.

 

Những ngày đến phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng để tìm hiểu thực hiện bài viết này, tôi thật buồn khi biết thông tin ngoài liệt sĩ Dương Văn Hiến, nghĩa trang nhân dân Cam Lộ vẫn còn 2 phần mộ được cho là của các chiến sĩ quân đội.

 

Ông Vũ Xuân Hiếu khẳng định: “Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ qua các nhân chứng và khẳng định đây là liệt sĩ của các đơn vị quân đội. Những người trực tiếp chôn cất họ từ những năm 1970 còn khẳng định thi hài khi chôn còn nguyên quần áo bộ đội, có mũ, có sao và đó là chiến sĩ của một đơn vị phòng không từng đóng quân trên địa bàn phường. Chúng tôi rất mong các đơn vị chuyên môn của Bộ Quốc phòng sớm về địa phương tìm hiểu, trả lại tên cho những chiến sĩ này như trường hợp của liệt sĩ Dương Văn Hiến”.

 

Sau lễ bàn giao hài cốt liệt sĩ Dương Văn Hiến, tôi cứ mãi băn khoăn về câu hỏi: Liệt sĩ Hiến được chôn cất ở Hải Phòng, chỉ cách quê anh một con sông mà phải mất tới 40 năm để về đến quê hương; còn bao nhiêu phần mộ của các anh hùng liệt sĩ đang nằm đâu đó trong các nghĩa trang nhân dân hay ở bãi sông, ven rừng trên mảnh đất hình chữ S này? Và phải chăng, chúng ta vẫn chưa làm hết tâm sức để đưa họ - những anh hùng liệt sĩ trở về với những người thân đang đau đáu mong chờ?

 

Theo Phạm Việt Hòa
 
Lao động