1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Xử vụ cán bộ mua đất "giá bèo": Hình sự hóa quan hệ dân sự?

(Dân trí) - Tại phiên tòa, bị cáo Khanh cho rằng, cáo trạng truy tố không đúng, bị cáo không gây thiệt hại cho Nhà nước, giao dịch giữa bị cáo và bà Hiệp là quan hệ giao dịch dân sự hợp pháp.

Chiều 11/12, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (sinh năm 1967, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

Xử vụ cán bộ mua đất giá bèo: Hình sự hóa quan hệ dân sự? - 1

Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh.

Trong phiên tòa buổi chiều, HĐXX dành phần lớn thời gian để xét hỏi bị cáo Khanh để làm rõ các vấn đề mấu chốt của vụ án. Vì lý do sức khỏe nên HĐXX cho phép bị cáo Nguyễn Hồng Khanh được phép ngồi trả lời các câu hỏi trong phần xét hỏi.

Khi được hỏi bị cáo có đồng ý với cáo trạng của Viện Kiểm sát thì bị cáo Khanh cho rằng bị cáo không đồng ý với cáo buộc. Bị cáo Khanh khai từ khi khởi tố vụ án đến nay, bị cáo liên tục có đơn kêu oan gửi tới các cơ quan chức năng, khi nhận được kết luận điều tra, cáo trạng thì bị cáo liên tục khiếu nại nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Về tội danh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí bị cáo Khanh cho rằng không đúng. Theo bị cáo Khanh thì bản thân bị cáo không được Nhà nước giao tài sản và cũng không thất thoát tài sản như cáo trạng quy kết. Bị cáo Khanh khai quan hệ mua bán giữa Khanh và bà Hiệp là quan hệ giao dịch dân sự, đúng quy định của pháp luật, bà Hiệp là chủ đất được pháp luật công nhận và chính bà Hiệp là người đứng ra thực hiện giao dịch với Khanh. Bị cáo Khanh cho rằng cơ quan điều tra đã hình sự hóa quan hệ dân sự giữa bị cáo và bà Hiệp.

Khanh khai không quen biết với bà Hiệp, khi Khanh có nhu cầu mua đất và biết bà Hiệp có nhu cầu bán đất thì Khanh tìm đến bà Hiệp. Sau khi xem đất, thỏa thuận giá cả thì Khanh yêu cầu bà Hiệp cho xem giấy chứng nhận sử dụng đất nhưng bà Hiệp nói giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang bị ngân hàng giữ. Sau đó, bị cáo Khanh mới biết giấy chứng quyền sử dụng đang thế chấp tại BIDV Tây Sài Gòn. Khi bà Hiệp cam kết sẽ xin ngân hàng cho bán đất thì bị cáo Khanh đồng ý mua đất của bà Hiệp.

Tiếp đó, bị cáo Lộc là người đại diện cho phía ngân hàng gặp bị cáo Khanh và đồng ý cho bà Hiệp bán đất cho bị cáo Khanh. Về phương thức thanh toán, bị cáo Khanh khai bà Hiệp đưa ra và Khanh thực hiện theo hợp đồng mua bán.

Với cáo buộc, bị cáo Khanh, bà Hiệp và ngân hàng BIDV ký các hợp đồng 3 bên thỏa thuận việc mua bán đất thì bị cáo Khanh cho rằng bị cáo chỉ mua bán với bà Hiệp không có sự thỏa thuận giá cả với ngân hàng.

Khi cơ quan điều tra khám xét nhà bị cáo Khanh thu giữ bản hợp đồng có chữ ký của đại diện ngân hàng thì bị cáo Khanh khai khi ký hợp đồng chỉ có bị cáo và bà Hiệp nhưng do tài sản đang thế chấp tại ngân hàng nên sau đó ngân hàng mới ký tên vào hợp đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát hỏi bị cáo về số dư nợ của bà Hiệp tại ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn thì bị cáo cho rằng mình chỉ là người đi mua đất của bà Hiệp nên không biết số dư nợ của bà Hiệp tại ngân hàng.

“Bị cáo mua tài sản đang thế chấp tại ngân hàng nên bị cáo mới mời ngân hàng tới làm chứng chứ bị cáo không thực hiện giao dịch, không trao đổi, thỏa thuận với ngân hàng. Việc xử lý nợ giữa bà Hiệp và ngân hàng BIDV thì bị cáo không biết, ngân hàng cho bà Hiệp bán tài sản thì phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm, bị cáo chỉ biết việc mua bán. Những đợt mua bán đất với bà Hiệp có giá từ 650 - 700 triệu đồng”, bị cáo Khanh khai nhận.

Tiếp đó, đại diện Viện Kiểm sát đặt hàng loạt câu hỏi liên quan tới giao dịch giữa bị cáo Khanh, bà Hiệp và ngân hàng thì bị cáo Khanh phủ nhận toàn bộ và khẳng định bị cáo chỉ thực hiện giao dịch với bà Hiệp không có quan hệ với ngân hàng.

Ngày 12/12, phiên tòa tiếp tục xét hỏi.

 Xuân Duy