1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

TPHCM:

Xử lý bể chất thải cho công ty Hào Dương, 3 công nhân tử vong

(Dân trí) - Trong quá trình xử lý bể chất thải cho Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương, 3 công nhân bị ngạt khí dẫn đến tử vong.

Theo nội dung vụ án, Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TPHCM) có ngành nghề kinh doanh: thuộc da, gia công thuộc da… Công ty này do ông Tăng Văn Đức làm Chủ tịch HĐQT, ông Trương Hải giữ chức Giám đốc, ông Lê Đức Phận là Phó Giám đốc phụ trách an toàn lao động.

Ngày 20/5/2011, ông Đức bổ nhiệm Trịnh Thị Phương Mai (SN 1983, ngụ Q.7, TPHCM) làm Phó Giám đốc phụ trách về môi trường.

Công ty Hào Dương có một khu xử lý chất thải gồm các bể chứa nước thải, bể lắng và bể thu gom bùn. Trong quá trình hoạt động, đường ống dẫn bùn từ bể lắng sang bể thu gom bùn bị nghẹt.

Ngày 24/4/2013, kỹ sư Nguyễn Minh Tuân, Phó phòng môi trường báo cáo cho Mai, đồng thời đề xuất phương án xử lý bằng cách gắn đường ống nước vào đường ống dẫn bùn, sau đó áp lực nước từ máy bơm sẽ đẩy bùn nghẹt ra khỏi ống.

Trịnh Thị
Phương Mai trước vành móng ngựa

Trịnh Thị Phương Mai trước vành móng ngựa

Thấy phương án hợp lý, Mai đồng ý. Khoảng 9h sáng cùng ngày, Tuân đến hiện trường cử 3 công nhân Nguyễn Văn Dù, Huỳnh Thanh Tài và Trần Quốc thực hiện. Tài dùng thang tre xuống đáy bể lắp ống dẫn nước thải vào ống dẫn bùn. Dù ở trên miệng bể nối các đoạn ống còn lại với nhau và Quốc khởi động, theo dõi máy bơm.

Hơn 1 tiếng sau, ống dẫn bùn nghẹt được thông, Tài leo xuống đáy bể tháo ống nước ra khỏi ống bùn. Do khí đọng cùng nước thải theo ống dẫn tràn sang bể chứa bùn gây nghẹt thở nên Tài phải leo lên nhưng nửa chừng ngất xỉu rớt xuống đáy bể.

Tuân ở trên thấy vậy xuống đưa Tài lên và cũng bị ngạt khí ngã xuống đáy. Lúc này, Dù truy hô để mọi người đến ứng cứu. Anh Lê Phát Tài đang làm việc gần đó chạy đến xuống bể đưa 2 đồng nghiệp lên nhưng cũng bị ngạt khí nằm lại đáy bể.

Vụ tai nạn làm cả 3 anh Nguyễn Minh Tuân, Lê Phát Tài và Huỳnh Thanh Tài thiệt mạng. Kết luận pháp y cho thấy, khí độc dưới đáy bể là Methane (CH4) với nồng độ cao, đẩy hết khí oxy trong khu vực. Bị ngạt thở, các nạn nhân cố thở và hít phải bùn gây tử vong.

Sau khi vụ việc xảy ra, Công ty Hào Dương bồi thường cho các nạn nhân hơn 200 triệu đồng/người, gia đình 3 nạn nhân đã làm đơn bãi nại cho Mai. Được biết, công ty này cũng đã cho Mai nghỉ việc.

Ngày 9/4, TAND TPHCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Mai bị truy tố tội: “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Trước vành móng ngựa, Mai thừa nhận thiếu sót khi không giám sát chặt chẽ cấp dưới, gián tiếp gây ra vụ tai nạn thương tâm. Người phụ nữ này cũng xin tòa xem lại tội của mình.

Luật sư bào chữa cho Mai đồng ý với quan điểm truy tố của VKS. Luật sư chỉ đưa ra một số tình tiết mong HĐXX giảm nhẹ tội cho thân chủ như các nạn nhân có lỗi khi không tuân thủ quy định an toàn lao động, Mai phạm tội lần đầu, đang nuôi con nhỏ, là lao động chính trong nhà nhưng nay đã bị buộc thôi việc.

Nhận thấy vụ việc xảy ra, ngoài thiếu sót của người quản lý thì các nạn nhân cũng có lỗi lớn. Công ty Hào Dương có trang bị quần áo bảo hộ, mặt nạ chống độc nhưng trong quá trình làm việc, các công nhân đã không sử dụng dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Từ đó, HĐXX đã xử phạt Mai 3 năm tù treo về tội danh như đã nêu trên.

Công Quang - Thy Ngân