“Xới” lại vụ việc từ 7 năm trước, dượng rể cháu vợ lôi nhau ra tòa
(Dân trí) - Vụ việc tưởng chừng đã giải quyết ổn thỏa vì họ là hai dượng cháu. Thế nhưng 7 năm sau, mâu thuẫn tái bùng phát, người dượng tố cáo cháu hành hung khiến mình chấn thương sọ não, gãy 3 xương sườn, bất tỉnh 13 ngày…
Hai người đàn ông đứng trước tòa kia là dượng rể và cháu vợ, từng mời nhau từng chén rượu khi tình cảm còn khăng khít. Còn hôm nay, họ “kéo” nhau ra tòa vì một vụ việc xảy ra từ 7 năm trước.
Vào ngày 9/9/2012, Đào Văn Dũng (SN 1972, trú xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An) phát hiện mặt cô ruột bị bầm tím. Nghĩ là cô bị chồng đánh, Dũng đi tìm dượng rể. Lúc này, ông Hoàng Viết Hồng (SN 1959) – chồng cô ruột của Dũng đang đi trên đường.
Gặp dượng, Dũng hỏi “sao đánh cô tôi” rồi lao vào, dùng chân đạp vào bụng khiến ông Hồng bị ngã. Chưa dừng lại, người cháu vợ còn dùng gậy đánh liên tiếp vào đầu, người của dượng. Bị đánh vào đầu, ông Hồng bất tỉnh. Lúc này, Dũng hốt hoảng cùng người thân đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Ông Hồng bị chấn thương sọ não, gãy 3 chiếc xương sườn, bất tỉnh 13 ngày. Sau khi điều trị tại bệnh viện, ông Hồng phải đi điều trị phục hồi chức năng. Theo Đào Văn Dũng, trong quá trình ông Hồng điều trị và phục hồi chức năng, Dũng đã bồi thường được 75 triệu đồng, trong đó có 69 triệu đồng đưa cho con trai ông Hồng, số còn lại đưa trực tiếp cho ông này.
Trước hậu quả mà cha phải gánh chịu, người con trai của ông Hồng thúc giục cha làm đơn tố cáo hành vi của Dũng ra pháp luật. Nghĩ cháu của vợ cũng là cháu của mình nên ông Hồng không làm đơn tố cáo mà bỏ qua cho Dũng. Mọi việc tưởng sẽ dừng lại ở đó…
Cho rằng ông Hồng đánh cô ruột của mình, Đào Văn Dũng đã đánh dượng chấn thương sọ não, gãy 3 xương sườn, gây tổn hại sức khỏe hơn 44%.
“Sự việc xảy ra 7 năm rồi, tại sao bây giờ hai dượng cháu còn đưa nhau ra tòa?” – Vị thẩm phán Chủ tọa phiên tòa hỏi.
Trong khi Đào Văn Dũng cho rằng ông Hồng tức tối vì mức bồi thường chưa thỏa đáng thì người dượng cho rằng cháu vợ quá hỗn láo.
“Khi vợ tôi đang còn sống, con trai tôi nhiều lần hối thúc tôi tố cáo Dũng vì hành vi cố ý gây thương tích, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần nhưng Dũng là cháu của vợ tôi, cũng là cháu của tôi, tôi nghĩ bỏ qua để giữ tình nghĩa họ hàng. Khi vợ tôi mất đi, tôi cũng không có ý định tố cáo Dũng.
Nhưng lần này tôi tố cáo, không phải vì chuyện tiền nong, bị ảnh hưởng do chấn thương sọ não nên hay lên kinh giãn nhưng tôi vẫn có thể lo cho mình được. Tôi tố cáo để Dũng biết rằng khi làm sai mà không biết sửa sai, tiếp tục làm càn và vu khống người khác thì phải trả giá”, người dượng bộc bạch.
Theo người dượng, căn nguyên của vụ việc là vào năm 2017, với tư cách là tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, ông điện thoại nói Dũng đến nhà để trả số tiền vay đã quá hạn. Tuy nhiên, khi đến nhà, Dũng không những không trả tiền mà còn chửi bới ông. Dũng cho rằng toàn bộ tiền bạc đã bồi thường cho ông Hồng rồi dùng ghế tấn công, đe dọa sẽ giết chết ông này.
Ông Hồng yêu cầu Dũng trong vòng 7 ngày phải cung cấp biên lai, chứng từ chứng tỏ đã đưa tiền đền bù, nếu không có thì đây là hành động vu khống tuy nhiên Dũng không cung cấp được.
Ông Hồng cho rằng việc gửi đơn tố cáo người cháu hành vi tấn công khiến ông bị tổn hại sức khỏe từ năm 2012 là việc “cực chẳng đã” nhưng buộc phải làm.
Còn ông Hoàng Viết Hồng, sau nhiều năm tha thứ ông buộc phải làm cái việc "bất đắc dĩ" vì người cháu không biết nhận sai, còn chửi bới, tấn công và đe dọa ông.
Kết quả giám định tổn hại sức khỏe của ông Hồng do chấn thương sọ não, gãy 3 xương sườn tại thời điểm giám định (năm 2017) là 44%. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Chương khởi tố vụ án, khởi tố bị can Đào Văn Dũng tội “Cố ý gây thương tích”. Với tội danh này, TAND huyện Thanh Chương tuyên phạt Đào Văn Dũng 5 năm tù, buộc bồi thường cho ông Hồng 50 triệu đồng.
Cho rằng tòa án cấp huyện xử như vậy là oan sai, Đào Văn Dũng làm đơn kháng cáo gửi TAND cấp tỉnh. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Dũng rút nội dung kháng cáo này và mong muốn được giảm nhẹ hình phạt. Ông Hồng không kháng cáo bất kỳ nội dung nào của bản án.
Sau khi nghe hai bên trình bày, vị chủ tọa phiên tòa cho rằng căn nguyên của sự việc không phải là vụ việc hình sự chưa được giải quyết mà do cách ứng xử giữa dượng – cháu với nhau, đặc biệt là ứng xử của người cháu. Cùng là người nhà, dù không có quan hệ máu mủ nhưng cũng gọi là tình thân, người cháu gây ra lỗi lớn, không biết ăn năn hối hận lại còn có thái độ không tốt, đe dọa cả dượng. Ông cũng mong rằng, vì tình nghĩa, người dượng rộng lòng mà tha thứ cho cháu.
Nghe vị chủ tọa phân tích, Đào Văn Dũng chỉ cúi đầu im lặng. Những lời gan ruột, chí tình của vị chủ tọa đã khiến Dũng tự kiểm điểm, nhìn nhận lại bản thân và nhận ra lỗi lầm của mình.
Xét bị cáo có thái độ thành khẩn, biết ăn năn, tích cực khắc phục bồi thường cho người bị hại theo bản án sơ thẩm, HĐXX chấp nhận một phần nội dung kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, tuyên phạt Đào Văn Dũng 3 năm tù. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, sau khi tính toán cụ thể các khoản chi phí, HĐXX buộc bị cáo phải bồi thưởng tổng số tiền hơn 108 triệu đồng cho ông Hoàng Viết Hồng, cao hơn gần 58 triệu đồng so với cấp sơ thẩm.
Hoàng Lam