1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Xét xử vụ 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà: Cựu Giám đốc kêu oan

(Dân trí) - Mở đầu phần tự bào chữa cho mình vào chiều ngày 5/3, bị cáo Nguyễn Thế Trung, cựu Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội cho rằng, cáo trạng truy tố bị cáo là chưa thuyết phục.

Bị cáo Hoàng Thế Trung trình bày trước HĐXX.
Bị cáo Hoàng Thế Trung trình bày trước HĐXX.

Theo bị cáo Trung, việc ký hợp đồng 07 chấp nhận chất lượng ống như đã nêu, đối chiếu với bản kết luận giám định, không vi phạm quy định về xây dựng, không vi phạm quy chế cho BQL dự án.

Khi biết ống hư hỏng, bị cáo yêu cầu sửa chữa, thay thế số lượng ống bị hỏng. 94 ống đã đã được sửa chữa xong và được sử dụng lại. Hiện không còn ống nào bị hỏng.

Trước HĐXX, bị cáo Trung cho rằng, cáo trạng có nhiều nội dung chưa đúng như: không thực hiện lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm, chưa nghiên cứu cụ thể hợp đồng, ký nghiệm thu 73 biên bản… còn bất hợp lý.

Với tư cách là người trong Ban quản lí Dự án, bị cáo cho rằng đã làm tròn trách nhiệm, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, yêu cầu kỹ thuật…

Bị cáo Nguyễn Văn Khải.
Bị cáo Nguyễn Văn Khải.

Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, bị cáo Hoàng Thế Trung, Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển là những người có trách nhiệm tổ chức thực hiện vai trò của chủ đầu tư, đã ký 73 biên bản nghiệm thu cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện được tiếp nhận, dùng trong dự án đảm bảo chất lượng với đại diện nhà thầu cung cấp.

Trong đó, VKS xác định, bị cáo Hoàng Thế Trung, Trương Trần Hiển chịu trách nhiệm toàn bộ về hậu quả thiệt hại như đã nêu trên; bị cáo Nguyễn Văn Khải đã ký xác nhận nghiệm thu chất lượng vật tư thiết bị, nhưng đã có 18 lần bị vỡ ống, 21 cây ống bị vỡ, chi phí sửa chữa gần 15,7 tỷ đồng, thời gian ngừng cấp nước là 334 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.408.209 m3.

Với các bị cáo Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải là nhà thầu cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh cho dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội, hai bị cáo này đã ký 73 biên bản nghiệm thu cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện mà đơn vị này đã sản xuất và cung cấp cho dự án đảm bảo chất lượng với đại diện chủ đầu tư.

Bị cáo Trương Trần Hiển.
Bị cáo Trương Trần Hiển.

Kết quả điều tra cho thấy, trong số ống composite cốt sợi thủy tinh mà Trần Cao Bằng và Vũ Thanh Hải đã ký xác nhận nghiệm thu, công nhận sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và yêu cầu thiết kế, có 18 lần đã bị vỡ ống với 23 cây ống bị vỡ, gây ra hậu quả thiệt hại, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Khải, cựu Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội cho rằng, kết luận giám định chưa thực sự thuyết phục.

Căn cứ theo trách nhiệm của những người trong BQL, đại diện chủ đầu tư chịu trách nhiệm về xây dựng, kiểm soát chất lượng ống, bị cáo cùng các bị cáo khác ký các biên bản nghiệm thu. Bị cáo khẳng định là không thiếu chỉ tiêu nhưng hồ sơ bên công ty ống cung cấp chỉ đóng dấu của phòng thí nghiệm nhưng chưa hợp chuẩn. Theo bị cáo, hợp đồng đó không sai. Việc vỡ ống liên quan tới nhiều vấn đề khác mà trong hồ sơ chưa được làm rõ.

Bị cáo Trương Trần Hiển, cựu Trưởng Phòng vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội, cũng một mực kêu oan cho rằng, trong hợp đồng mua bán, nghiệm thu có 5 chỉ tiêu. Ống nước này tuân theo Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 – 01 và phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong quá trình kiểm tra, thử áp lực, kiểm tra hồ sơ thì thấy chỉ có 5 giấy thí nghiệm.

Việc 23 ống chất lượng kém dẫn đến hậu quả ống vỡ có nhiều nguyên nhân từ khâu chọn vật liệu, thiết kế, bảo quản, vận chuyển…

Bị cáo Trần Cao Bằng.
Bị cáo Trần Cao Bằng.

"Hậu quả xảy ra, theo chức năng nhiệm vụ được phân công, bị cáo không làm sai; theo quy định của pháp luật bị cáo không vi phạm. Cáo trạng truy tố như vậy bị cáo thấy oan.". - bị cáo Trần Đình Hiển nói.

Bị cáo Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex, khẳng định Công ty được chỉ định là nhà cung cấp ống cho dự án từ tháng 10/2004.

Bị cáo Bằng cho biết, khi công bố chất lượng hàng hóa mà cơ quan giám định nói bị cáo sai, không biết ai chỉ ra 7 chỉ tiêu. Bị cáo đề nghị xem xét lại kết luận giám định. Xem xét lại cáo trạng, theo bị cáo đánh giá thì mình không phạm tội.

Ngày mai, 6/3, Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.

Tuấn Hợp