1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Xét xử phúc thẩm đại án BIDV: Một bị cáo kêu oan

Phúc Lâm

(Dân trí) - Trong số 3 bị cáo có đơn kháng cáo, hai bị cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét các tình tiết giảm nhẹ để giảm án; riêng bị cáo Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà - kêu oan.

Từ sáng nay (ngày 28/6), Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Trung Dũng.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ 28 đến 30/6. Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, Chánh Tòa Kinh tế (Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội), làm chủ tọa phiên tòa.

Xét xử phúc thẩm đại án BIDV: Một bị cáo kêu oan - 1

Các bị cáo tại tòa sơ thẩm.

Phiên phúc thẩm được mở để xem xét kháng cáo của 3 bị cáo: Đinh Văn Dũng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng) và Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn của Công ty Trung Dũng). Trong đó, bị cáo Đinh Văn Dũng kháng cáo kêu oan; hai bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm, với tội danh "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản", TAND TP Hà Nội đã tuyên án phạt bị cáo Đinh Văn Dũng 12 năm tù, Đoàn Hồng Dũng 18 năm tù và Nguyễn Thị Thanh Sơn 3 năm tù.

Theo bản án sơ thẩm, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, đã mất năm 2019) đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.664 tỷ đồng. Trong số đó, Công ty Bình Hà gây thiệt hại 799 tỷ đồng, Công ty Trung Dũng gây thiệt hại 865 tỷ đồng cho BIDV.

Cụ thể, trong quá trình giải ngân cho Công ty Bình Hà vay vốn, BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV... Tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là hơn 799 tỷ đồng.

Đối với Công ty Trung Dũng, trong quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo khoản giải ngân cho vay để đảo nợ.

Đối với tất cả 26 khoản vay trên, các bị cáo đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng đối với các khoản giải ngân để mua phôi thép, dẫn đến dư nợ lớn, gây thiệt hại cho BIDV 865 tỷ đồng.

HĐXX sơ thẩm nhận định, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm các quy định về cho vay. Các bị cáo nguyên là cán bộ BIDV là người có chức vụ, trách nhiệm quản lý tiền của Nhà nước nhưng đã làm trái quy định, cấp tín dụng trái quy định, gây thiệt hại cho ngân hàng.

Tuy nhiên, các bị cáo đều thực hiện hành vi phạm tội với mong muốn hoàn thành dự án và bị ông Trần Bắc Hà gây áp lực. Nhóm bốn bị cáo còn lại là những người trong công ty vay vốn nhưng cố ý lợi dụng sơ hở của BIDV để sử dụng tiền vay sai mục đích, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.