Xét xử cựu Cục phó Trần Hùng: VKS nói lời khai bị cáo Hải logic, phù hợp
(Dân trí) - "Tôi còn là cục phó thì vụ sách giả này với tôi rất đơn giản nhưng tôi càng đấu tranh thì quyền của tôi càng bị thu gọn", ông Trần Hùng nói tại phần đối đáp sáng 22/7.
Đưa hối lộ 1 tỷ đồng không nhận
Ngày thứ 3 của phiên tòa xét xử bị cáo Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường) và 35 bị cáo khác tiếp tục phần đối đáp.
Tại phiên xét xử sáng 22/7, đại diện Mobifone được mời đến tòa để làm rõ các tranh cãi liên quan đến định vị cuộc gọi của ông Trần Hùng trong ngày 15/7/2020 (ngày ông Hùng bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng).
Bản luận tội của Viện kiểm sát thể hiện, căn cứ vào lời khai, biên bản đối chất giữa Trần Hùng với các bị cáo khác... có đủ cơ sở xác định Hùng nhận của Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) 300 triệu đồng tại phòng làm việc vào khoảng 13h10 đến 13h15 ngày 15/7/2020, để hướng dẫn Thuận thay đổi lời trình bày về nguồn gốc số sách thu giữ, làm sai lệch bản chất vụ việc.
Đồng thời Trần Hùng chỉ đạo Lê Việt Phương (cựu Đội phó Đội Quản lý thị trường số 17) tạo điều kiện cho Thuận theo hướng xử lý hành chính đối với vụ việc phát hiện hơn 27.000 quyển sách giáo khoa giả tại Công ty Phú Hưng Phát.
Thực tế, vụ việc đã không được chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền mà được xử lý hành chính. Do vậy bị cáo Trần Hùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về số tiền nhận hối lộ là 300 triệu đồng.
Trong gần 3 ngày xét xử, ông Trần Hùng liên tục kêu oan, cho rằng không nhận tiền của Thuận thông qua Hải.
"Viện kiểm sát cáo buộc tôi tội nhận hối lộ là hoàn toàn sai lầm và sai trái, trước kia đã có vụ đưa hối lộ 1 tỷ đồng mà tôi không nhận.
Tôi còn là cục phó thì vụ sách giả này với tôi rất đơn giản nhưng tôi càng đấu tranh thì quyền của tôi càng bị thu gọn", ông Hùng nói, ngay sau đó chủ tọa phiên tòa ngắt lời, yêu cầu bị cáo bình tĩnh trả lời đúng trọng tâm đối đáp.
Tiếp đó, ông Trần Hùng cho biết, vào trưa 15/7/2020 có ông Kiều Nghiệp, Nguyễn Văn Kim (cùng là thành viên Tổ công tác 304, người làm chứng trong vụ án) và Nguyễn Duy Hải ngồi uống nước tại phòng làm việc của ông Hùng.
Đến gần 12h, ông Trần Hùng đuổi 3 người này đi ăn cơm để mình về nhà ăn giỗ người thân.
Khi tất cả đi ra, ông Hùng nhìn thấy Hải để quên chiếc túi trên ghế nên đã gọi ông Kiều Nghiệp bảo Hải quay lại lấy.
"Trong lời khai của anh Kiều Nghiệp thể hiện rõ sự phẫn nộ của tôi khi Hải để quên chiếc túi.
Tôi đã từng tuyên bố không có đối tượng nào có thể mua chuộc được tôi trong quá trình điều tra về buôn bán hàng lậu", ông Hải nói.
Ông Trần Hùng cũng nhấn mạnh việc Nguyễn Duy Hải khai đi lên phòng ông đưa tiền hối lộ bằng cửa sau là không đúng sự thật, bởi đây là cánh cửa chính thứ 2 để vào phòng, có hàng lang rộng.
Về lời khai của Nguyễn Duy Hải thể hiện việc trưa 15/7/2020, lên phòng ông Trần Hùng gọi cửa để đưa số tiền 300 triệu đồng, cựu Tổ trưởng Tổ 304 cũng khẳng định điều này hoàn toàn sai.
Ông Hùng lý giải, muốn lên được phòng ông phải có thẻ từ và qua bảo vệ chứ không thể tự đi.
Đủ căn cứ kết luận Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu
Bào chữa cho Trần Hùng, luật sư cho rằng Viện kiểm sát chỉ dựa vào lời khai nhiều mâu thuẫn của Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) để buộc tội ông Hùng mà không đưa ra các chứng cứ vật chất khác là không đúng quy định.
Ban đầu, Hải khai đưa tiền cho Trần Hùng vào ngày 20/7/2020 nhưng sau đó lại thay đổi lời khai ngày đưa tiền là 15/7/2020.
Theo luật sư, tại tòa, bị cáo Hải xác nhận đưa tiền cho Trần Hùng vào khoảng 13h ngày 15/7/2020.
Theo dữ liệu trích xuất, từ 11h44 đến 14h02 ngày 15/7/2020, cột sóng định vị ông Hùng ở quận Ba Đình.
Giải đáp về các vấn đề trích xuất dữ liệu điện thoại, đại diện Mobifone cho biết, trong quá trình sử dụng thuê bao di động có thể di chuyển.
Bởi thế tại thời điểm thuê bao di chuyển giữa ranh giới của hai cột phát sóng, cột sóng nào mạnh hơn sẽ ghi nhận thuê bao ở cột đó.
"Cũng có thể tin nhắn ghi nhận ở cột sóng này nhưng cuộc gọi lại được ghi nhận ở cột sóng khác", đại diện Mobifone nói và khẳng định mọi tài liệu cung cấp được trích xuất trên hệ thống của nhà mạng nên rất chính xác.
Về quy trình bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng, đại diện Mobifone nói chỉ cung cấp dữ liệu thuê bao khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước, dựa vào thông tư của Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ Công an.
Đối đáp lại, đại diện Viện kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ kết luận ông Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng thông qua người môi giới Nguyễn Duy Hải.
Viện kiểm sát cũng phản bác lập luận của các luật sư cho rằng chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Hải mà không có nhân chứng, vật chứng.
Theo Viện kiểm sát, nguồn chứng cứ có từ nhiều nguồn khác nhau, không phải lúc nào cũng là chứng cứ vật chất; nguồn chứng cứ ở đây có thể là lời khai của bị cáo, là vật chứng, biên bản đối chất, biên bản giám định.
Để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo có thể căn cứ vào lời kể lại, nghe lại của những người khác, trong khi những lời này là khách quan, logic.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng lời khai của Nguyễn Duy Hải rất logic, có đầy đủ trật tự về thời gian, địa điểm, phù hợp với các chứng cứ khác.
Viện kiểm sát khẳng định, từ 13h10 đến 13h15 là khoảng thời gian Hải đưa tiền cho Trần Hùng.
Cáo trạng thể hiện, sau khi phát hiện, thu giữ hơn 27.000 quyển sách không có hóa đơn, nguồn gốc thuộc 68 đầu mục sách giáo khoa của Công ty Phú Hưng Phát, đến chiều 10/7/2020 Cao Thị Minh Thuận nhắn tin, điện thoại cho Trần Hùng với mục đích giúp đỡ, chỉ đạo để xử lý nhẹ.
Trần Hùng nói đồng ý tha với yêu cầu Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu. Mặc dù đã nhờ Trần Hùng nhưng Vẫn lo sợ bị xử lý hình sự nên Thuận đã bàn bạc, trao đổi với Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc Công ty cổ phần in Hà Nội gặp Nguyễn Duy Hải để nhờ Hải gặp Hùng xin xử lý nhẹ vụ việc.
Sau đó, Thuận thống nhất với Hải về việc sẽ chi số tiền 400 triệu đồng cho Trần Hùng.
Ngày 14/7/2020, Nguyễn Duy Hải gặp Trần Hùng và các ông Kiều Nghiệp, Nguyễn Văn Kim tại quán cafe trên đường Nguyễn Xí và phòng làm việc của ông Hùng.
Tại đây, Hải đặt vấn đề Thuận xin Trần Hùng bỏ vụ việc, sẽ gửi Hùng và Tổ công tác 304 số tiền 400 triệu đồng.
Đến ngày 15/7, Hải mang số tiền 300 triệu đồng đưa cho ông Hùng tại phòng làm việc của ông này.
Sau đó, Trần Hùng đã hướng dẫn Hải bảo với Thuận phải thay đổi lời khai về nguồn gốc sách do Thuận mua bị thu giữ thành sách do người khác mang đến ký gửi.