Xe hơi không còn là “két an toàn”
Một loạt những vụ trộm tài sản trong xe, trộm phụ tùng, thậm chí là ăn cắp ôtô gần đây đã cho thấy một điều ngược lại, đó là xe hơi hiện nay đã không còn “bất khả xâm phạm” với kẻ gian.
Tâm lý chủ quan - mảnh đất màu mỡ cho kẻ gian hoạt động
Cuộc sống ngày càng hiện đại, kinh tế cũng phát triển hơn, không chỉ các cơ quan doanh nghiệp mà ngay cả một số cá nhân, hộ gia đình cũng có điều kiện sở hữu ôtô riêng phục vụ cho nhu cầu đi lại.
Nắm giữ trong tay một tài sản có giá trị lớn, nhưng nhiều người lại hết sức chủ quan, không những thiếu biện pháp bảo vệ phương tiện mà còn coi nó như một két sắt an toàn, cất giữ trong đó rất nhiều tài sản, giấy tờ quan trọng. Chính thói quen này cộng với sự mất cảnh giác của chủ phương tiện vô hình chung đã khơi dậy lòng tham và tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu thừa cơ hành động.
Trước và sau Tết Nguyên đán 2014, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, trên địa bàn thành phố Nam Định đã xảy ra hơn chục vụ trộm tài sản trong ôtô với cùng một cách thức – dùng búa đập vỡ kính chắn gió để mở cửa, lấy hết toàn bộ tài sản, tiền bạc, giấy tờ quan trọng cất giữ trên xe.
Như anh L. X. Sơn ở Vũ Bản, Bình Lục, Hà Nam đỗ xe Toyota High Lander 7 chỗ trước cửa nhà 19Q, ô 18, phường Hạ Long, sau hơn một tiếng đi ra phát hiện kẻ gian đã đập kính, đột nhập lấy trộm 60 triệu đồng, iPad cùng toàn bộ giấy tờ tùy thân bao gồm chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy chứng nhận tăng ni, đăng ký xe, bảo hiểm ôtô và giấy phép lái xe...
Hay chị P. T. Sinh lái xe Camry đến nhà chị chồng ở 109 Nguyễn Bính, phường Trần Quang Khải chơi, vừa vào nhà được 5 phút, nghe tiếng tri hô của người dân chạy ra đã thấy cửa kính ôtô nát vụn, túi xách đựng giấy tờ của cá nhân và khách hàng cùng tất cả tài sản, tiền mặt có tổng giá trị gần 80 triệu đã không cánh mà bay từ lúc nào…
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, có đến 90% các trường hợp bị mất trộm tài sản trong ôtô đều sử dụng phương tiện mang biển ngoại tỉnh, hầu hết là người nơi khác về thăm bạn bè, người thân dịp Tết và đi lễ hội đầu năm.
Chủ xe dừng đỗ ven đường, trên vỉa hè, trong ngõ rộng vào những thời điểm vắng người qua lại như buổi trưa, tối muộn hoặc đêm khuya mà không hề gửi ai trông coi. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp vào hàng ăn, quán nước, nhà nghỉ… , dù đã đỗ xe theo chỉ dẫn của nhân viên song vẫn lâm vào tình huống không mong muốn này.
Cùng vợ về đi chợ Viềng xuân cầu may, anh Đ. M. Hà ở Quảng Ninh đâu ngờ mình sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của bọn trộm cắp. Toàn bộ số tiền mang theo và giấy tờ xe để trên ôtô đều bị kẻ gian vơ sạch vào rạng sáng mùng 8 Tết, khi hai vợ chồng rẽ vào một nhà nghỉ và được bảo vệ hướng dẫn đỗ xe bên vỉa hè đối diện.
Chưa đầy 2 tiếng sau, lúc trời còn tờ mờ tối, thấy có điều gì đó bất thường, nhân viên nhà nghỉ chạy ra xem thì phát hoảng khi chứng kiến cửa kính xe của khách đã bị đập vỡ. Thầm than số mình đen đủi, anh Hà chỉ còn biết trách bản thân quá chủ quan. Cứ ngỡ có người trông coi, cửa xe lại khóa thì “bất khả xâm phạm” nên anh mới để tiền lại trong đó. Nào ngờ bọn chúng không từ một thủ đoạn nào, sử dụng đến cả “chiêu” cuối cùng này để lấy bằng được số tài sản cất giữ trên xe!
“Bắt mạch” tội phạm
Theo các điều tra viên có kinh nghiệm, không khó để nhận diện thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm nói trên. Bọn chúng thường đi 2 người, lợi dụng thời điểm vắng vẻ, phương tiện đỗ ngoài đường không có ai trông coi, một tên sẽ nhanh chóng tiếp cận và thao tác trong khi đồng bọn làm nhiệm vụ cảnh giới bên ngoài.
Thông thường, mỗi lần “ăn hàng” chúng đều thu về khá nhiều tiền mặt, thẻ ATM cùng những món đồ giá trị như laptop, điện thoại di động, Ipad… Tuy nhiên, cũng không thiếu trường hợp lòng tham nổi lên trước những món đồ nhìn hấp dẫn nhưng thực tế lại chẳng hề đáng giá để trong ôtô khiến không ít chủ phương tiện rơi vào tình huống dở khóc dở cười vì kính chắn gió vỡ tan tành, gương chiếu hậu biến mất, tiền sửa xe tốn kém hơn nhiều so với số tài sản bị mất. Song phiền phức hơn cả là phải làm lại toàn bộ chỗ giấy tờ đã không cánh mà bay. Đây là việc khiến các “khổ chủ” ngại nhất vì mất thời gian, tốn công đi lại mà đôi khi có những văn bản, hợp đồng dù muốn cũng không thể làm lại được.
Đề cao cảnh giác - biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất
Ngay sau khi nhận được tin báo từ phía người dân, Công an thành phố Nam Định đã khẩn trương cử cán bộ nắm tình hình, thành lập chuyên án đấu tranh, quyết triệt phá ổ nhóm tội phạm nói trên để ổn định lại trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Cùng với công tác tuyên truyền phòng ngừa qua hệ thống phát thanh - truyền hình, tuyên truyền lưu động bằng ôtô, lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã còn tổ chức ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng ngừa loại tội phạm nói trên với các chủ phương tiện, chủ hộ gia đình, chủ hàng quán và chủ hộ cơ quan.
Tuy nhiên, phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh. Thay vì “mất bò mới lo làm chuồng”, mỗi người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin và đề cao cảnh giác trước loại tội phạm đang có nguy cơ bùng phát này, nhất là khi xe hơi ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam