1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hà Nội:

Vụ Thiếu uý công an thử súng khiến nam sinh tử vong: Có dấu hiệu hình sự?

Trần Thanh

(Dân trí) - Các luật sư đánh giá việc Thiếu uý công an ở Hà Nội thử súng khiến nam sinh viên Đại học Giao thông Vận tải thiệt mạng do "đạn lạc" đã có dấu hiệu hình sự...

Vụ Thiếu uý công an thử súng khiến nam sinh tử vong: Có dấu hiệu hình sự? - 1

Nơi nạn nhân trúng đạn (dấu đỏ khoanh tròn) cách vị trí trung úy công an thử súng hơn 30m (Ảnh: Trần Thanh)

Như tin đã đưa, Công an Hà Nội đã xác định được người vô ý nổ súng khiến Đ.A. (sinh viên Đại học GTVT Hà Nội) tử vong trong đêm 30/10 là Nguyễn Xuân T. (SN 1991, HKTT tại quận Đống Đa), công tác tại Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội), mang hàm Trung úy. 

Giám đốc Công an Hà Nội đã quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Trung úy Nguyễn Xuân T., đồng thời giao Công an quận Đống Đa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác để xử lý.

Liên quan đến vụ việc, theo một số luật sư, hành vi của cựu trung úy Nguyễn Xuân T. có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho rằng, theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, súng hơi thuộc nhóm súng săn và được coi là vũ khí­. Khoản 1 Điều 5 Luật này nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.

Vụ Thiếu uý công an thử súng khiến nam sinh tử vong: Có dấu hiệu hình sự? - 2

Luật sư Giang Hồng Thanh

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người sử dụng các loại vũ khí trái quy định (trong đó có súng săn) nhưng chưa gây hậu quả thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu gây hậu quả thì bị xử lý hình sự về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ” theo Điều 306 Bộ luật hình sự.

Trong vụ việc xảy ra khiến nam sinh Đ.A. (Sinh viên Đại học GTVT Hà Nội) tử vong, thì người thử súng săn khiến Đ.A. thiệt mạng có thể bị xử lý hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 306 với tình tiết “Làm chết người” mức phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, người đó còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình Đ.A. như chi phí cứu chữa Đ.A., chi phí mai táng, chi phí bồi thường tổn thất tinh thần…

Cũng trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) đánh giá vụ việc có tính chất nghiêm trọng bởi nạn nhân đã thiệt mạng. "Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi nổ súng của Tính là lỗi cố ý hay do vô ý", ông Cường nói.

Căn cứ thông tin ban đầu, luật sư Cường cho rằng hành vi nổ súng dẫn đến chết người của trung úy công an là lỗi vô ý. Anh này có thể đã để súng cướp cò hoặc không biết bên trong có đạn.

Do đó, người nổ súng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do vô ý làm chết người, theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự, khung hình phạt gồm cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Ngoài ra, luật sư nhận định cơ quan điều tra cần làm rõ thêm loại súng, khả năng sát thương của vật này để xác định tính chất nguy hiểm của vũ khí. Đặc biệt, nhận thức của người sử dụng vũ khí cũng là mấu chốt để buộc tội.

"Vụ việc gây hậu quả chết người nên cơ quan điều tra sẽ giám định loại súng liên quan vụ án để có căn cứ xử lý thêm", luật sư Cường nhận định.

Theo luật sư, trường hợp cơ quan chức năng làm rõ Nguyễn Xuân T. đã sử dụng khẩu súng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì người vi phạm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm hành vi Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Còn nếu kết quả giám định cho thấy đó là súng săn (dạng súng thể thao) có tính năng tác dụng khác vũ khí quân dụng, thì ngoài việc bị xử lý do vô ý làm chết người, trung úy công an còn bị xử phạt hành chính nếu anh ta không có giấy phép.