1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đắk Lắk

Vụ phá rừng đặc dụng quy mô lớn: Xác định 7 nghi can phá rừng

(Dân trí) - Liên quan đến vụ phá rừng đặc dụng Nam Ka (thuộc địa phận xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, Đắk Lắk), cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra xác định được 7 nghi can tham gia vụ phá rừng nghiêm trọng này.

Sáng 12/12, một lãnh đạo Công an huyện Krông Ana, cho biết, cơ quan điều tra huyện phối hợp cùng công an tỉnh và các đơn vị chức năng đã xác định, làm rõ được 7 đối tượng tham gia vụ phá rừng quy mô lớn tại rừng đặc dụng Nam Ka.

Vụ phá rừng đặc dụng quy mô lớn: Xác định 7 nghi can phá rừng - 1
Các đối tượng tham gia phá rừng đặc dụng tại cơ quan công an (ảnh D.X)

Theo đó, ngay sau khi nhận được thông tin vụ phá rừng do Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka quản lý, cơ quan chức năng đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường tiến hành công tác khám nghiệm, kiểm đếm số gỗ do các đối tượng chặt hạ còn sót lại. Các đối tượng còn để lại 2 máy tời tự chế, dây cáp, dây thừng, dây xích… để phục vụ cho việc khai thác lâm sản. Thời gian khai thác gỗ xảy ra vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 10/2019.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định hiện trường còn sót 13 lóng gỗ tròn; 22 hộp gỗ đã được cưa xẻ từ nhóm III đến nhóm VIII với tổng khối lượng 41,267m3. Số gỗ này được khai thác tại tiểu khu 1023,1024,1025 do Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka quản lý.

Vụ phá rừng đặc dụng quy mô lớn: Xác định 7 nghi can phá rừng - 2
Cơ quan chức năng khám nghiệm vụ phá rừng

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định được 7 đối tượng tham gia phá rừng, trong đó đối tượng Trần Văn Ánh (SN 1978, ngụ xã Hòa Bình, huyện Krông Ana) khai bước đầu vào rừng chặt cây gỗ về làm phản, sau đó có người tới đặt làm nên đã tiếp tục vào rừng đốn gỗ.

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện 4 điểm tại nhà dân và rẫy cà phê có chứa gỗ bất hợp pháp thu giữ đc thêm gần 8m3 gỗ.

Theo vị lãnh đạo công an huyện Krông Ana nhận định đây là vụ phá rừng có quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Được biết, điểm tập kết gỗ để đưa ra khỏi rừng chỉ cách trụ sở Trạm Kiểm lâm số 8 của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka khoảng 500m nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời.

Thúy Diễm