1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ người mẹ một mình sang Pháp tìm con: Tòa tuyên giao con cho mẹ

(Dân trí) - Bị người chồng Pháp mang con về nước, chị Huyền một mình sang Pháp kiện đòi lại con. Khi tòa án Pháp phán quyết giao con cho chị Huyền, người chồng này đưa bé về Việt Nam sinh sống. Đến nay, chị Huyền được tòa án tại Việt Nam công nhận quyền nuôi con.

Chiều 31/5, Tòa Gia đình và người chưa thành niên ra quyết định công nhận bản án của tòa thẩm quyền rộng Albi có trụ sở tại Tòa án Tư pháp ở Albi (Pháp). Theo quyết định này, tòa án 2 nước đã thống nhất buộc ông Azais (sinh năm 1975, quốc tịch Pháp) phải trả con lại cho chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (sinh năm 1985 tại Khánh Hòa) nuôi dưỡng.

Chị Huyền vui mừng khi được tòa công nhận quyền nuôi con.
Chị Huyền vui mừng khi được tòa công nhận quyền nuôi con.

Theo hồ sơ vụ việc, chị Huyền có quan hệ tình cảm với ông Azais. Tuy nhiên, khi chị Huyền mang thai đến tháng thứ 6 thì phát sinh nhiều mâu thuẫn, hai người chia tay.

Ngày 14/8/2014, chị sinh bé gái đặt tên là Sarah. Bệnh viện làm cho đứa bé hai bản chứng sinh bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Khi chị còn trong bệnh viện, ông Azais đã mang bản chứng sinh bằng tiếng Anh đến Lãnh sự quán Pháp tại TPHCM làm giấy khai sinh và xin cấp hộ chiếu cho con.

Sau khi ra viện, chị Huyền chuyển về sống với người thân ở Vũng Tàu. Hai tháng sau, chị Huyền chuyển lên TPHCM ở. Hàng ngày, ông Azais vẫn đến đón cháu bé về nhà riêng trong vòng vài tiếng sau đó mang trả cho người mẹ. Như thường lệ, ngày 29/11/2014, ông Azais đến đón con về nhưng sau đó không quay lại.

Đầu tháng 2/2015, chị Huyền biết tin từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh rằng ông Azais và con gái đã xuất cảnh khỏi Việt Nam. Sau thời gian dài nỗ lực liên hệ với ông Azais để gặp con không được, người mẹ quyết định một mình sang Pháp làm đơn khởi kiện.

Từ khi đứa trẻ bị đưa đi, đã nhiều lần Huyền đến cậy nhờ Lãnh sự quán Pháp ở TPHCM nên những người làm việc ở đây nhiều người biết câu chuyện của Huyền. Họ cũng thông cảm và chia sẻ với Huyền vì những gì cô đang trải qua. Vậy nên khi Huyền có ý định sang Pháp tìm con thì mọi thủ tục cũng được diễn ra rất nhanh gọn.

Hồi đầu năm 2016, Tòa sơ thẩm, thẩm quyền rộng Albi có trụ sở tại Tòa án Tư pháp ở Albi thụ lý vụ án. Sau nhiều phiên điều trần, ngày 23/6/2016, tòa án này đã đưa ra xét xử vụ án dân sự về tranh chấp quyền nuôi con.

Theo đó, tòa án xác nhận Nguyễn Thị Thanh Huyền và Ste’phane Azais là cha mẹ của Sarah. Sau khi mang bé Sarah về Pháp, ông Azais đã không thể tự tay chăm sóc và yêu thương con mình mà để em bé sinh sống cùng bà nội (mẹ ruột ông Azais tại thành phố Albi).

Bản án cũng xác định ông Azais thường xuyên để em bé cho mẹ mình, có thời gian lâu nhất là hàng nửa tháng không hề chăm sóc em. Mọi việc nuôi nấng đều do một tay bà nội đã lớn tuổi chăm sóc.

Trong đơn khởi kiện, Huyền yêu cầu tòa tuyên cho Huyền quyền được nuôi con, được giữ hộ chiếu của con. Ông Azais sẽ chịu mọi chi phí về học hành cho bé. Tại tòa, Huyền đưa ra các bằng chứng khẳng định Huyền đã nuôi dưỡng, chăm sóc con kể từ khi mới sinh ra cho đến khi đứa bé được mang ra khỏi vòng tay của mẹ và bị tước đoạt trái phép. Cô đã dùng nhiều cách để có thể được gặp con. Và mong muốn của Huyền là được trực tiếp chăm sóc đứa bé.

Do đó, bản án của tòa đã quyết định: “Ông Azais phải giao lại con cho bà mẹ này ngay lập tức, và bà Nguyễn (Thị Thanh Huyền) trở về nước cùng với Sarah. Ông Azais cũng phải giao lại hộ chiếu của con cho Huyền”.

Tuy nhiên, sau phán quyết này, ông Azais vẫn không giao lại đứa bé cho người mẹ. Chị Huyền một mình trở về nước vì hết hạn Visa.

Sau đó, ông Azais cùng con gái đã nhập cảnh vào Việt Nam. Chị cũng nhận được thông báo của ông Azais về việc ông và con gái đang sống tại phường Thảo Điền, quận 2, song chị vẫn chưa được gặp lại con.

Khi không nhận được sự hợp tác từ cha ruột của con gái, Huyền đưa bản án đến TAND tại Việt Nam để yêu cầu được công nhận. Ngày 4/8/2016, TAND quận 2 nơi ông Azais sống đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm ông và con gái xuất cảnh.

Sau đó, chị Huyền làm đơn yêu cầu tòa án ở TPHCM công nhận và cho thi hành phán quyết này tại Việt Nam. Chiều 31/5, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã ra quyết định công nhận bản án này.

Xuân Duy