Vụ một phụ nữ bị bắn chết tại Xuân Đỉnh, Hà Nội: Bi kịch ở “phố vẫy”
Ở đây, từ lâu người dân đã quá quen với hình ảnh các cô gái ăn mặc mát mẻ trong các kiốt xập xệ, tồi tàn ven đường, giơ tay vẫy khách. Vụ việc một nữ nhân viên quán mát-xa trá hình bị bắn chết trong đêm là một bi kịch của những cô gái mưu sinh ở con đường tệ nạn này…
Con đường tệ nạn
Tôi trở lại khu vực chị Nguyễn Thị Xuân (38 tuổi) viên quán mát-xa trá hình bị bắn chết trước cửa số nhà 257 đường Phạm Văn Đồng vào một buổi chiều. 3 ngày sau khi vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra, kiốt này đóng cửa, nhưng một dãy có đến hơn chục kiốt xung quanh vẫn mở cửa như thường nhật.
Giữa ban ngày ban mặt, giữa cái nắng hè oi nồng, giữa bụi đường ngột ngạt bốc lên mù mịt dưới những bánh xe tải ầm ầm chạy qua, các cô gái trong trang phục quần đùi, áo ba lỗ trễ ngực, váy ngắn cũn cỡn hoặc tung tăng trước cửa, hoặc tụt vào sau cửa, thò đôi chân trần ra ngoài. Cửa kiốt nào cũng thập thò ít nhất 2-3 cô.
Những quán mát-xa trá hình trên tuyến đường này đều giống nhau ở sự nhếch nhác, cũ kỹ, tồi tàn, bẩn thỉu và chật chội, kết cấu mái lợp tôn hoặc pro ximăng, cửa xếp sắt. Cánh cửa chỉ mở đủ một người lọt qua, hoặc rộng hơn nhưng không bao giờ quá một nửa chiều rộng.
Sau cánh cửa xếp, thấp thoáng một hai chiếc giường nhỏ được ngăn cách và che chắn bởi những tấm ri-đô cáu bẩn. Có quán còn chình ình nhà vệ sinh, bể nước ngay cửa ra vào. Tường và nền nhà cóc cáy, loang lổ.
Thi thoảng, một vài người đàn ông đi xe máy chầm chậm sát mép đường, nhìn ngó vào các kiốt. Các cô gái thi nhau nhao ra ngoài, tay vẫy, miệng rổn rảng chào mời. Ngó nghiêng một lúc, người đàn ông phi tọt xe vào trong một kiốt. Ngay lập tức, hai cánh cửa xếp sắt nhanh chóng khép lại. Có trời mới biết chuyện gì xảy ra trong đó.
Mát-xa, tẩm quất kích dục, mại dâm bình dân trá hình trên "phố vẫy" Phạm Văn Đồng là như vậy. Trá hình là bởi chẳng quán nào có giấy phép kinh doanh mát-xa. Trá hình là bởi không trưng biển nhưng những cái vẫy tay của các nhân viên nữ trong quán đã trở thành một ám hiệu đặc biệt đối với cánh đàn ông đi mua vui. Bình dân là bởi giá cả "vui vẻ" ở đây thuộc hạng thấp nhất, có thời điểm chỉ dăm chục, cao nhất là vài ba trăm nghìn.
Bình dân như vậy nên gái bán dâm hoạt động ở đây đa phần là loại hết "đát", gái ngoại tỉnh, bị thải từ các nhà hàng, quán karaoke sau một thời gian bị vắt kiệt "sức lao động", hoặc quá già so với tuổi "hành nghề". Lúc bị bắt thì ai cũng có hoàn cảnh éo le. Mà éo le thật. Điển hình như nạn nhân Nguyễn Thị Xuân. Chồng nghiện ngập, nhà nghèo, người phụ nữ này từ Thanh Oai ra Hà Nội bán bánh cuốn.
Cuộc sống gia đình bất hạnh, ly hôn chồng, đầu tháng 6/2013, người phụ nữ này đến làm nhân viên quán mát-xa tại 257, đường Phạm Văn Đồng. Và rồi, chưa đầy một tháng sau khi hành nghề, chị đã phải bỏ mạng bởi tay một khách đêm vốn xuất thân là kẻ "ma cô", bảo kê, chăn dắt gái "dịch vụ" chuyên nghiệp…
Vòng vây của những kẻ "ma cô"
Bùi Văn Đồng, kẻ dùng súng bắn chết chị Nguyễn Thị Xuân khá lì lợm. Đôi lông mày rậm rì, mắt trũng sâu, hai má tóp vào, người cao gầy, trông hắn giống như một kẻ nghiện "đá". Học hết lớp 9, năm 2003, Đồng từ quê ở Bắc Giang xuống Hải Phòng lang thang kiếm sống, rồi dạt đến xưởng thu gom phế liệu của anh Phạm Văn Tạ, ở phường Tràng Minh, quận Kiến An, Hải Phòng làm thuê với công việc phân loại phế liệu.
Sau cái chết của người cha vì bệnh trọng vào năm 2007, Đồng bỏ việc ở xưởng phế liệu Hải Phòng, chuyển hướng lên Hà Nội. Giống như nhiều thanh niên rời quê ra phố, hắn xin vào làm việc tại các quán karaoke, vừa là bảo vệ, vừa là nhân viên phục vụ.
Trong vòng xoáy của tiền bạc, của những thói hư tật xấu, của tệ nạn phát sinh từ karaoke, hắn chuyển sang nghề chăn dắt, bảo kê cho các cô gái làm "dịch vụ" trên địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm. Hắn trực tiếp làm "xe ôm" chở các cô đến quán karaoke, mát-xa cho khách chọn lựa. Đương nhiên các cô gái phải "nộp tô" cho hắn hằng ngày.
Có "vốn" trong tay, hắn thêm nghề kinh doanh mới là cầm đồ và cho vay lãi. Hệ thống khách hàng chủ yếu vẫn là các cô "cave", vừa chịu sự bảo kê của hắn, vừa là con nợ "tín dụng đen" do hắn làm chủ. Hắn thu nạp đám đàn em là những thanh niên cùng quê ra Hà Nội tìm việc làm, hoặc những kẻ "dạt vòm", hình thành chân rết đi thu tiền cho hắn hằng ngày.
Bùi Văn Đồng một mực đổ lỗi gây án cho… rượu. Hắn khai rằng: tối 30-6, hắn cùng bọn đàn em Long, Quỳnh, Bản, Trứ rủ nhau đi nhậu ở một quán vỉa hè khu vực Cầu Diễn. Uống khá nhiều rượu nhưng chưa đã.
Gần nửa đêm, cả bọn lại kéo nhau về một quán cóc ở phố Trần Cung, gần nơi Đồng thuê trọ nhậu tiếp món… rượu xoài. Khi đã "tây tây", mấy thằng em nháy nhau rủ hắn đi "chơi gái". 5 tên đi 2 xe máy ra đường Phạm Văn Đồng, hướng lên cầu Thăng Long.
Dọc đường, bọn chúng kéo nhau vào 2 quán mát-xa quậy tưng bừng khiến các nhân viên nữ khiếp sợ, bảo nhau đóng cửa nghỉ sớm. 5 tên lại lên xe máy đi tiếp. Ngang qua số nhà 257 Phạm Văn Đồng, thấy hai người phụ nữ là chị Nguyễn Thị Xuân và Đào Ánh Tuyết trên vỉa hè, cả bọn rủ nhau áp sát lề đường, buông lời chọc ghẹo. Chúng đòi được mát-xa nhưng chị Nguyễn Thị Xuân từ chối vì đã đóng cửa quán.
Theo như tên Đồng khai nhận thì thấy có tiếng đôi co giữa chị Xuân và đám đàn em, hắn tức khí rút khẩu súng tự chế kiểu súng colt xoay chĩa về phía chị Xuân với khoảng cách rất gần. Chị Tuyết thấy súng thì hoảng quá, bỏ chạy luôn.
Diễn biến sự việc sau đó quá nhanh. Chỉ nghe một tiếng nổ nhỏ, chị Xuân ôm ngực lảo đảo gục xuống. "Em không chủ ý bắn chị ấy mà chẳng qua là súng cướp cò" - khi bị bắt về Cơ quan Công an, hắn ra sức thanh minh, chối tội.
Bắn phát đạn xuyên tim nạn nhân như một xạ thủ nhưng hắn vẫn vờ ngây thơ bảo chưa cầm súng bao giờ. Để hợp lý hóa nguồn gốc khẩu súng, hắn bịa ra một câu chuyện ly kỳ rằng: vào buổi chiều hôm trước khi gây án, hắn đi trên đường gần nhà trọ thì bỗng dưng nhặt được… khẩu súng ở ven đường.
Hỏi hắn sao không nộp súng cho Cơ quan Công an, hắn nại ra lý do rằng cũng định vài hôm nữa sẽ nộp nhưng thích oai nên "mượn" tạm, đi đâu thì giắt súng vào cạp quần cho oách. Tất cả những lý do ấy nghe thật là vô lý, đến trẻ con cũng không thể tin được cho cái sự tình cờ nhặt được súng, rồi tình cờ… súng cướp cò giết chết nạn nhân mà hắn kể.
Chuyện cướp đi sinh mạng một con người mà hắn kể một cách ráo hoảnh. Hắn nói sau khi biết nạn nhân chết thì hắn áy náy, hối hận lắm. Nhưng hắn không hề xúc động hay nhỏ một giọt nước mắt thương xót cho nạn nhân.
Tôi cố gắng khơi gợi chuyện người cha bạo bệnh qua đời, chuyện người mẹ một mình làm ruộng ở quê, chuyện cô người yêu tuổi teen của hắn…, những mong Bùi Văn Đồng sẽ còn chút tình người. Nhưng hắn đáp lại bằng bộ mặt lì lợm, ánh mắt lạnh lùng, vô cảm.
Hắn từng kiếm tiền nhơ bẩn trên thân xác những người phụ nữ, biến họ thành món hàng để hắn kinh doanh, chà đạp, thì hắn còn coi tính mạng của họ ra gì nữa chứ.
Điều tra viên Đặng Mạnh Cường, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện Từ Liêm kể rằng, khi bị bắt giữ, Đồng vẫn đang giắt lưng khẩu súng đã nạp sẵn đạn, cùng 5 viên đạn bên ngoài.
Đêm gây án, hắn trở về phòng trọ ngủ ngon lành. Chiều hôm sau, nghe ngóng thấy tung tích đã bị lộ, hắn xui bọn đàn em trốn lên Mộc Châu, Sơn La để đánh lạc hướng Cơ quan Công an. Còn hắn tìm đến xưởng phế liệu trước kia từng làm việc ở Kiến An, Hải Phòng để ẩn náu. Hắn tin rằng chẳng ai mò ra được chỗ lẩn trốn này.
Nhưng hắn đã nhầm. Thông tin về hoạt động bảo kê, cho vay lãi của Bùi Văn Đồng và đồng bọn tại khu vực Cổ Nhuế đã bị các trinh sát Đội CSHS Công an huyện Từ Liêm đưa vào tầm ngắm từ lâu, là cơ sở để các anh nhanh chóng khoanh vùng, xác định chính xác tên tuổi từng đối tượng. Và chỉ một ngày sau khi gây án, mặc dù nhóm tội phạm này tìm mọi cách đối phó nhưng đều bị tóm gọn.
Sau khi xảy ra vụ việc, trực tiếp Thiếu tướng Trần Thùy - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã xuống hiện trường, chỉ đạo công tác khám nghiệm và điều tra, truy xét nhóm đối tượng gây án. Ngày 2/7, Công an huyện Từ Liêm phối hợp Phòng CSHS Công an Hà Nội đã làm rõ vụ án và bắt giữ 4 đối tượng về hành vi che giấu tội phạm gồm Phạm Văn Long (24 tuổi) quê Thái Bình, thuê trọ tại Cổ Nhuế, Từ Liêm; Phạm Hồng Quỳnh (21 tuổi), Trần Ngọc Bản (22 tuổi) quê Yên Thế, Bắc Giang; Nguyễn Công Trứ (24 tuổi) trú tại Phụng Hiệp, Hậu Giang, thuê trọ tại Phú Diễn, Từ Liêm. Đến ngày 3/7, Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Bùi Văn Đồng (27 tuổi), trú tại Yên Thế, Bắc Giang, thuê trọ tại xóm 2, Cổ Nhuế, Từ Liêm (là kẻ bắn chết chị Nguyễn Thị Xuân) khi đối tượng đang lẩn trốn tại Kiến An, Hải Phòng, thu hồi 1 súng colt tự chế cùng 10 viên đạn. Công an huyện Từ Liêm đã tạm giữ hình sự đối với Bùi Văn Đồng về các tội giết người và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Theo lãnh đạo Công an huyện Từ Liêm thì từ thời điểm tháng 1/2013 đến nay, do sự thay đổi trong chính sách xử lý đối với gái mại dâm nên tình hình tệ nạn mại dâm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng có dấu hiệu tăng vọt và diễn biến phức tạp. Nếu như trước đây, trong biện pháp xử lý hành chính đối với gái mại dâm, ngoài phạt tiền còn áp dụng biện pháp chữa bệnh tại các trung tâm xã hội thì từ tháng 1/2013, quy định mới chỉ xử phạt hành chính (tiền) đối với gái mại dâm với mức phạt thấp, từ 100.000 - 200.000 đồng/đối tượng, không đủ sức răn đe, giáo dục. Sau khi bị xử phạt hành chính, gái mại dâm tiếp tục quay lại hành nghề, hoặc đối phó bằng cách chuyển sang quán khác hoạt động. Ngoài ra, còn tồn tại tình trạng một số đối tượng hoạt động môi giới, tổ chức mại dâm là bị can trong các vụ án hoặc đã bị đưa ra xét xử nhưng do mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng lợi dụng việc được tại ngoại để tiếp tục phạm tội. |