Vụ Hưng “kính”: Nữ tiểu thương khai đã 2 lần tự tử vì bị chèn ép
(Dân trí) - Đối chất lời khai với các bị cáo trước tòa, nữ tiểu thương bị hại trong vụ án cho biết, bản thân chị từng 2 lần tự tử vì uất ức trước sự chèn ép của Hưng “kính” cùng các đàn em.
Nữ tiểu thương khóc nức nở khi giáp mặt Hưng “kính”
Từ sáng 25/7, TAND TP Hà Nội xét xử Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) cùng 4 đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản” trong vụ thu tiền bảo kê ở chợ Long Biên. Tại tòa, do bị cáo Hưng “kính” bị đau chân nên được cho ngồi để trả lời các câu hỏi.
Ở phần thủ tục phiên tòa, quá trình HĐXX kiểm tra căn cước các bị cáo, bị hại là chị Nghiêm Thúy Nga (SN 1981, tiểu thương chợ Long Biên) bất ngờ bật khóc lớn. Chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu chị Nga ra ngoài để đảm bảo trật tự phiên tòa.
Chị Nga rời khỏi phòng xử án với dáng vẻ sợ hãi. Ở bên ngoài, chị Nga ôm mặc khóc nước nở và cho biết mình rất sợ Hưng “kính”.
Hưng "kính" được cho phép ngồi trả lời các câu hỏi do đau chân.
Sau khi đại diện Viện KSND TP Hà Nội công bố bản cáo trạng, bị cáo Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”) được yêu cầu lên trả lời thẩm vấn đầu tiên. Thừa nhận toàn bộ hành vi của mình như cáo trạng truy tố song Long “cao” quanh co khi bị chủ tọa truy hỏi về hành vi đe dọa, chèn ép hộ kinh doanh anh Hoàng Anh Hà và chị Nghiêm Thúy Nga. Chủ tọa nhiều lần phải công bố bút lục lời khai của Long tại cơ quan điều tra.
Long “cao” thừa nhận, hành vi của bị cáo là sai khi đã thu tiền của các hộ kinh doanh nhưng không thực hiện việc bốc dỡ hàng hóa.
“Các bị cáo không thực hiện việc bốc dỡ hàng hóa nhưng tại sao vẫn thu tiền của gia đình chị Nga?” - chủ tọa hỏi.
Đại diện Viện KSND TP Hà Nội công bố cáo trạng.
Đáp lại, Long “cao” cho rằng, các bị cáo đã có thỏa thuận với các hộ kinh doanh về việc thu tiền này. Mọi công việc bị cáo đều báo cáo tổ trưởng Nguyễn Kim Hưng và việc thu tiền do Hưng chỉ đạo.
Được yêu cầu lên đối chất lời khai, chị Nga cho biết, chị kinh doanh hoa quả, ký 4 hợp đồng thuê ki-ốt tại chợ Long Biên để sử dụng 6 ki-ốt bán hàng.
“Hưng “kính” tự ý thông báo với tôi là Ban Quản lý chợ Long Biên giao cho Hưng toàn quyền giải quyết các vấn đề tại bãi hải sản, trong đó có quyền bán chỗ đỗ xe gây quỹ công đoàn, nếu tôi muốn có chỗ đỗ xe, yên ổn làm ăn trong chợ thì phải nộp cho nhóm của Hưng 100 triệu đồng một năm.
Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi phải nộp cho Hưng hơn 1 tỷ đồng tiền bốc dỡ hàng hóa nhưng các nhân viên tổ bốc dỡ không hề làm việc, không thực hiện bốc dỡ, toàn bộ việc bốc dỡ hàng do nhân viên của chúng tôi làm. Tiền họ vẫn thu và thu rất nhiều. Chúng tôi phản đối, lập tức bị họ dằn mặt, khủng bố.” - chị Nga khai trước tòa.
Bị cáo Dương Quốc Vương, tức Vương "lợn".
Bổ sung thêm, anh Hoàng Anh Hà cho biết, trong hợp đồng ký với BQL chợ, các hộ chỉ đồng ý thuê bốc dỡ khi cần. Song, Hưng “kính” các các đàn em đều cho một người lên xe đứng rồi thu tiền, xe cứ đến bãi là thu tiền, không hề bốc dỡ hàng.
“Tại sao không thuê tổ bốc dỡ làm việc nhưng vẫn phải nộp tiền cho họ” - chủ tọa hỏi.
Theo chị Nga, khi xe hàng của gia đình về chợ, Hưng “kính” cho đối tượng nghiện nặng tên Cường nhảy lên xe của chị trong tình trạng phê ma túy, đe dọa nhân viên, khủng bố tinh thần nên anh chị phải “ngậm đắng nuốt cay” nộp tiền cho nhóm Hưng “kính”.
Cũng theo chị Nga, trong số 5 bị cáo, bị cáo Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”) là người đã uy hiếp tinh thần chị, chửi bới chị trước mặt các tiểu thương ở chợ và trước các mối hàng bằng ngôn từ không chấp nhận được.
Chị Nghiêm Thúy Nga phản bác lời khai của các bị cáo.
“Một lần tôi cùng chồng đang đi ô tô về Thanh Hóa thì liên tiếp nhận thông báo có 2 xe hàng về. Thời điểm đó đúng khoảng thời gian các bị cáo đang trừng phạt tôi vì dám tố cáo lên Ban quản lý chợ. Xe hàng về không biết đỗ đâu, tôi uất ức quá đẩy cửa ô tô lao xuống đường cao tốc nhưng may mắn chồng tôi giữ lại được.” - chị Nga nói trong bức xúc và cho biết, đã hai lần chị tự tử bất thành.
Cũng giống như Long “cao”, các bị cáo Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”), Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”), Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”) đều quanh co trước các câu hỏi của HĐXX, buộc chủ tọa nhiều lần phải công bố bút lục lời khai cũng như yêu cầu chị Nga, anh Hà đứng lên đối chất.
Hưng “kính” khai gì?
Trong phần kiểm tra căn cước, HĐXX xác định, bị cáo Nguyễn Kim Hưng từng bị cơ quan chức năng xử lý hành chính và hình sự về nhiều hành vi. Cụ thể, ngày 7/6/1982, Hưng “kính” bị Công an quận Hoàn Kiếm xử lý về hành vi “Hiếp dâm”.
Ngày 30/7/1984 và ngày 14/6/1986, Hưng bị Công an quận Hoàn Kiếm xử tội “Gây tổn hại sức khỏe cho người khác”. Ngày 14/11/1990, Hưng bị Công an quận Hoàn Kiếm xử lý hành chính về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Ngày 18/6/1996, Hưng “kính” bị Công an TP Hà Nội xử lý hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông; ngày 13/10/1996 bị Công an Hoàn Kiếm xử lý hành vi cưỡng đoạt tài sản...
Bị cáo Lê Thanh Hải, tức Hải "gió".
Mặc dù có 5 tiền án nhưng ngày 5/11/2013, Nguyễn Kim Hưng vẫn được Ban Quản lý chợ Long Biên phân công làm tổ trưởng tổ dịch vụ bốc dỡ hàng hóa số 2.
Hưng khai, bị cáo là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động dịch vụ đúng pháp luật và quy chế hoạt động của Ban Quản lý chợ Long Biên; đảm bảo an toàn hàng hóa, phối hợp hỗ trợ công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu vực được phân công tổ chức dịch vụ bốc dỡ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, để trục lợi cá nhân, Nguyễn Kim Hưng đã chỉ đạo đàn em là Dương Quốc Vương, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long sử dụng các thủ đoạn chèn ép, đe dọa bắt các hộ tiểu thương trong chợ Long Biên phải nộp tiền bảo kê dưới dạng tiền mua “lốt” xe. Hành vi của Hưng đã được một số tiểu thương chợ ghi lại và giao nộp cho cơ quan công an.
Vợ chồng anh Hà, chị Nga tại tòa.
Theo chị Nga, chị đã 5 lần làm đơn lên Ban quản lý chợ Long Biên. BQL có tổ chức họp, yêu cầu Hưng “kính” phải thực hiện đúng theo các quy định trong hợp đồng của BQL với các tiểu thương nhưng chỉ 5 ngày sau, mọi việc lại diễn ra như cũ.
“Sau 5 ngày họ lại tự ý thu, tiếp tục gây khó khăn cho việc kinh doanh của chúng tôi. Đó là hình thức trừng phạt vì chúng tôi dám làm đơn lên BQL. Công an phường, quận xuống và đi về, không giải quyết được việc gì.” - chị Nga nói.
Tiếp tục trả lời HĐXX, Hưng khai, về hợp đồng bốc dỡ, lỗi là do Ban quản lý chợ Long Biên. Chợ không cho xe trên 2 tấn vào chợ mà lại ký hợp đồng cho xe 3,5 tấn, thậm chí 4,5 tấn vào đổ hàng.
Về việc thu tiền theo mẫu bảng kê do Hưng lập ra, bị cáo này cho biết, thực tế bản mẫu hoá đơn chứng từ trước đây cũng làm đúng như thế, nhưng sau đó do trời mưa, cầm tờ giấy to sẽ ướt, Hưng đã làm bảng kê mới nhỏ hơn để đảm bảo giấy tờ không bị hỏng.
“Có việc bị cáo chỉ đạo Long, Hải, Vương đi thu tiền của chị Nga cũng như các tiểu thương không, không bốc dỡ hàng hoá mà vẫn thu tiền không?” - tòa vặn hỏi.
“Việc các anh ấy làm trong đêm là do các anh ấy, hoàn toàn bị cáo không bao giờ đồng ý chuyện không có nhân viên bốc dỡ mà thu tiền.” - Hưng “kính” đáp và cho biết thêm, việc các bị cáo khác thu tiền về, Hưng hầu như không kiểm tra.
Chiều nay, tòa tiếp tục làm việc.
Tiến Nguyên