1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ Hứa Thị Phấn: Nhóm Phương Trang chỉ đồng ý trả 4.423 tỉ đồng

(Dân trí) - Ngân hàng Xây dựng yêu cầu nhóm Phương Trang trả nợ gốc (hơn 9.000 tỉ đồng) và phần lãi đến nay là 27.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhóm Phương Trang chỉ đồng ý trả nợ gốc hơn 3.936 tỉ đồng và phần lãi tính đến ngày Phương Trang tố cáo sai phạm là 487 tỉ đồng.

Ngày 27/5, phiên tòa xét xử vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt Trustbank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.

Theo dự kiến phiên tòa kéo dài tới ngày 31/5.
Theo dự kiến phiên tòa kéo dài tới ngày 31/5.

Đối đáp lại quan điểm của đại diện ngân hàng Xây Dựng và các luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty Phương Trang và các công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh (nhóm Phương Trang) khẳng định nội dung trong cáo trạng là đúng.

Trước đó, tại phiên tòa ngày 16/5, luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Phấn) cung cấp một chứng cứ mới là USB chứa file ghi âm cuộc nói chuyện giữa bà Hứa Thị Phấn và lãnh đạo công ty Phương Trang và một số cá nhân khác.

Nội dung đoạn ghi âm theo luật sư Thơ là phía Phương Trang thừa nhận còn nợ của Ngân hàng Đại Tín trên 9.000 tỉ đồng chứ không phải trên 3.900 tỉ đồng như nhóm Phương Trang nói.

Theo luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công ty Phương Trang cho rằng), việc Viện Kiểm sát không công nhận file ghi âm trên là chứng cứ mới là đúng quy định pháp luật.

Theo luật sư này, trong tố tụng hình sự, mọi sự kiện, tình tiết của vụ án phải được các cơ quan có thẩm quyền xem xét trên cơ sở chứng cứ. Chứng cứ là những thông tin, tài liệu, tình tiết được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Luật sư Hoài cho rằng Viện KSND TPHCM đã đánh giá đúng về tính pháp lý của chiếc băng ghi âm.

Theo luật sư Phan Trung Hoài, quá trình giải ngân cho vay, phía ngân hàng Đại Tín đã không giải ngân hoặc giải ngân không đủ tiền vay cho công ty Phương Trang, sau đó lập các chứng từ chi khống để cấn trừ với các chứng từ thu khống. Thực tế, nhóm Phương Trang chỉ nhận được 3.936 tỉ đồng trên tổng số dư nợ tín dụng 9.469 tỉ đồng.

Cũng trong phần bảo vệ cho Phương Trang, ông đặt ra câu hỏi cách tính lãi phát sinh. Trước đó, đại diện ngân hàng Xây Dựng cho rằng phía Phương Trang phải trả cho ngân hàng Xây Dựng hơn 27.000 tỉ đồng (tiền gốc và lãi của khoản giải ngân 9.469 tỉ đồng).

Phản bác lại quan điểm này, phía Phương Trang đề nghị HĐXX xem xét, quyết định công ty Phương Trang chỉ chịu trách nhiệm về mặt dân sự trên số dư nợ gốc 3.936 tỉ đồng.

Còn về tiền lãi phát sinh, luật sư cho rằng từ tháng 2/2012, công ty Phương Trang đã có đơn kêu cứu và tố cáo bà Hứa Thị Phấn và ngân hàng Đại Tín, thời hạn giải quyết theo nguyên tắc luật định về xử lý đơn tố cáo là đến 30/4/2012, nên phía Phương Trang có trách nhiệm về các khoản lãi phát sinh từ số tiền thực nhận đến ngày 30/4/2012, với tổng số tiền lãi là 487 tỉ đồng.

"Ngân hàng Xây Dựng đòi Phương Trang trả hơn 27.000 tỉ đồng nhưng Phương Trang làm gì có lỗi để phải trả số tiền này cho ngân hàng Xây Dựng. Phương Trang từ doanh nghiệp nhỏ phấn đấu để làm được như hôm nay phải cần vốn, cần vay ngân hàng, nhưng các hồ sơ vay của phía Phương Trang đều có tài sản đảm bảo, Phương Trang không nâng khống giá trị tài sản, tại sao lại mất khoản tiền khá lớn như vậy" - luật sư Vũ Phi Long nêu quan điểm.

Xuân Duy