1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ giả danh nhà sư quyên góp tiền đúc tượng Phật, thêm nhiều bị hại tố cáo

Ngày 15-1, Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 3 tháng hai đối tượng giả danh nhà sư đi quyên góp tiền đúc tượng Phật nhưng thực chất là lừa đảo. Quá trình điều tra, cơ quan Công an tiếp nhận thêm nhiều đơn, điện thoại tố cáo hành vi lừa đảo của 2 đối tượng này.

Do cần tiều tiêu xài cá nhân nên hai đối tượng Võ Thị Quỳnh (34 tuổi) và Trần Kim Thành (36 tuổi), đều trú tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, bàn bạc giả danh nhà sư chùa Quan Âm, có địa chỉ tại xã Hưng Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin.

Quỳnh và Thành thống nhất phân công Quỳnh cắt trọc đầu, mặc trang phục giả danh nhà sư có pháp danh Diệu Ngọc, tu tại chùa Quan Âm, còn Thành mặc quần áo thường, đóng giả là phật tử tên Hương đi cùng Quỳnh.

Đối tượng Quỳnh và Thành
Đối tượng Quỳnh và Thành

Hai đối tượng đi khắp nơi tìm gặp những người nào nhẹ dạ cả tin, có tấm lòng hảo, tâm tưởng để quyên góp tiền công đức xây dựng chùa và đúc tượng Phật.

Ngày 4-1-2016, Quỳnh và Thành đến gặp chị M.H. (42 tuổi), chủ một cửa hàng quần áo thời trang ở tập thể Khương Thượng, phường Trung Tự, quận Đống Đa, đưa thư ngỏ đề nghị quyên góp đúc tượng Phật tại một ngôi chùa tại huyện Hải Hậu, Nam Định. Do tin lời nhà sư và muốn tích đức nên chị H. đã đồng ý quyên góp 5 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 6-1 chị H. lại nhận được điện thoại đặt vấn đề ủng hộ thêm 2 triệu đồng, và sẽ có một người tên Thắng đến nhận. Ngày hôm sau, có người mang thư ngỏ đến gặp chị H. Thấy mình liên tục được mời quyên góp, sự việc có gì đó không ổn, chị H. đã thông báo với Công an phường Trung Tự.

Sau khi vụ việc được đăng tải trên báo, rất nhiều bị hại của Quỳnh và Thành đã gọi điện, gửi đơn tới Công an quận Đống Đa tố cáo hành vi của 2 đối tượng này.

Quá trình điều tra khai thác mở rộng, Công an quận Đống Đa phát hiện thêm một đối tượng liên quan tới vụ án là Nguyễn Thị Hiền, hay còn gọi là Hiền “Cừa”, SN 1966, trú tại xóm 7, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

Đối tượng Hiền
Đối tượng Hiền

Khi được mời tới cơ quan điều tra làm, Hiền thành khẩn khai nhận đã thực hiện cùng với Võ Thị Quỳnh nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh nhà sư.

Khoảng đầu tháng 12-2015, Quỳnh và Hiền đến nhà bà Trần Thị B, trú trên đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội. Tại nhà bà B, Quỳnh giới thiệu mình là sư trụ trì chùa Quan Âm, có pháp danh Diệu Ngọc. Còn Hiền giới thiệu là nhà sư ở Huế, có pháp danh Diệu Nhân.

Các đối tượng nói dối bà B, do chùa Quan Âm mới xây, còn nghèo, cần tu bổ, thiếu nhiều tượng phật và chuông đồng, cần các phật tử phát tâm công đức. Các đối tượng yêu cầu bà B công đức một chiếc chuông có giá thấp nhất là 10 triệu đồng. Bà B cảm thấy tin tưởng nên đồng ý và đưa tiền cho Quỳnh và Hiền.

Quần áo giả danh nhà sư
Quần áo giả danh nhà sư

Quá trình nói chuyện, biết bà B từng bỏ thai, Quỳnh và Hiền liền dọa bà B rằng bà đang bị vong theo nên cần phải làm lễ cầu siêu để vong siêu thoát thì bà mới bình yên và gặp nhiều may mắn. Bà B hoảng sợ nên tiếp tục đưa cho 2 đối tượng 4 triệu đồng.

Sau chiếm đoạt được tiền của bà B để chia nhau tiêu xài, Quỳnh, Hiền biết được thông tin bà B còn có người bạn tên M cũng rất thành tâm công đức. Các đối tượng tiếp tục đến nhà bà M ở phố Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội, để lừa đảo.

Hiền tự xưng là như sư có pháp danh Diệu Nhân tu hành ở Huế, còn Quỳnh tự giới thiệu là nhà sư ở Học Viện Phật giáo Việt Nam. Các đối tượng thuyết phục bà M phát tâm công đức 5 triệu đồng để đúc tượng phật, bà M tin tưởng đưa cho các đối tượng 5 triệu đồng.

Khoảng đầu tháng 12-2015, bằng thủ đoạn trên, Nguyễn Thị Hiền và Trần Thị Quỳnh đến nhà bà Đỗ Thị L, trú tại phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tại nhà bà Minh, Quỳnh giới thiệu là sư trụ trì chùa nghèo ở thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Còn Hiền là phật tử đi cùng.

Giấy tờ giả các đối tượng dùng để đi lừa đảo
Giấy tờ giả các đối tượng dùng để đi lừa đảo

Quỳnh nói dối bà L là chùa chuẩn bị làm lễ an vị Phật, thiếu tiền đúc tượng, mua đồ lễ và làm cỗ chay nên cần các phật tử phát tâm công đức. Đồng thời nói nếu bà L công đức sẽ mời xuống chùa dự lễ an vị Phật và sẽ gặp nhiều may mắn.

Thấy dáng vẻ của Quỳnh và Hiền giống người nhà chùa nên bà L rất tin tưởng và đồng ý và đưa Quỳnh số tiền 13 triệu đồng. Lấy được tiền, hai đối tượng chia đôi tiêu xài.

Đến ngày hôm sau, Quỳnh và Hiền tiếp tục đến nhà bà L để lừa đảo. Lần này, các đối tượng yêu cầu bà L quyên góp để làm lễ cầu Bình An. Do có niềm tin từ lần trước nên bà L tiếp tục đưa Quỳnh 22 triệu đồng.

Thấy lừa bà L quá dễ dàng, đến ngày thứ 3, Quỳnh và Hiền tiếp tục quay lại nhà bà L, yêu cầu bà L công đức thêm để làm lễ hô thần nhập tượng và an vị Phật. Bà L tiếp tục đưa Quỳnh và Hiền 43 triệu đồng.

Cơ quan điều tra cho biết, rất nhiều nạn nhận không chỉ ở Hà Nội và các tỉnh lẻ cũng gửi đơn, gọi điện tới cơ quan điều tra để tố cáo hành vi lừa đảo của các đối tượng trên. Đây là một hình vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản “vô đạo đức” bởi các đối tượng lấy vấn đề tâm linh ra để đánh vào niềm tin và tấm lòng phát tâm thiện nguyện của người dân.

Hiện, vụ án vẫn đang được tiếp tục mở rộng điều tra. Ai là nạn nhân của các đối tượng trên, hãy liên hệ tới Công an quận Đống Đa để giải quyết.

Theo P.Hà

An ninh thủ đô