1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Không sai nhưng quá cứng nhắc (!)

(Dân trí) - “Mục đích của xử phạt không chỉ răn đe phòng ngừa hành vi vi phạm mà còn để giáo dục ý thức công dân. Người dân vi phạm quy định pháp luật phải xử lý còn hình thức, cách thức như thế nào để kết hợp giữa tính giáo dục và tính nghiêm minh của pháp luật thì cần cân nhắc”- luật sư Trần Xuân Tiền nêu quan điểm.

Như Dân trí đã thông tin, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực - Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực đang thu mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê (thợ điện, trú tại quận Ninh Kiều, Cần Thơ) với giá 2.260.000 đồng ở tiệm vàng Thảo Lực mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Căn cứ vào Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Công an TP. Cần Thơ đã tham mưu UBND thành phố này ra quyết định xử phạt hành chính đối với tổ chức và cá nhân nêu trên theo quy định của pháp luật. Theo đó, ông Rê bị phạt 90 triệu đồng, tịch thu 2.260.000 đồng; Công ty Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực bị phạt 295 triệu đồng.

Trước quyết định xử phạt từ cơ quan chức năng đang thu hút sự quan tâm từ dư luận xã hội, các luật sư đã chia sẻ với PV Dân trí về quan điểm của mình.

Việc UBND TP. Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng đối với anh Rê khi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ đang gây xôn xao dư luận (Ảnh: Phạm Tâm).
Việc UBND TP. Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng đối với anh Rê khi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ đang gây xôn xao dư luận (Ảnh: Phạm Tâm).

Cần căn cứ vào mức độ vi phạm và tác động gây ra

Nhìn nhận toàn bộ vụ việc đã diễn ra, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM nêu quan điểm, việc đổi tờ 100 USD được người nhà đưa cho chỉ đơn thuần là một giao dịch dân sự.

“Ở hoàn cảnh đó, ông Rê có thể không nắm được pháp lệnh về ngoại hối cũng như những quy định về giao dịch ngoại tệ. Chưa kể, bản thân ông Rê cũng thừa nhận không phải lần đầu mình bán USD ở tiệm vàng mà chỉ “gặp rắc rối” ở lần đi đổi tờ tiền 100 USD vào ngày 30/1/2018” - ông Hậu phân tích.

Cũng theo luật sư Hậu, một người dân rất khó để có thể xác định được đâu là một điểm thu mua ngoại tệ có giấy phép. Nhu cầu đơn giản của người dân là tìm đến địa điểm gần nhất để có thể thực hiện giao dịch này.

“Để xử phạt một hành vi phải căn cứ trên mức độ vi phạm và tác động gây ra. Nếu vì đổi 100 USD được hơn hai triệu đồng mà bị xử phạt 90 triệu đồng, mặc dù đúng về mặt pháp luật nhưng thực sự là chưa hợp lý” - ông Hậu nêu quan điểm.

Trước quy định của luật về trường hợp giao dịch ngoại hối tương tự của ông Rê, luật sư Hậu cho rằng, các cơ quan lập pháp cần xây dựng thêm chế tài xử lý, khung hình phạt tương ứng với tính chất, quy mô giao dịch đối với từng hành vi cụ thể thay vì gộp chung lại trong một quy định xử phạt hành chính. “Bởi như vậy sẽ không phù hợp cho những người dân bị xử phạt, trong khi thị trường không thiếu những hành vi vi phạm với quy mô lớn hơn” - luật sư Hậu nói.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Quyết định xử phạt là không sai nhưng quá cứng nhắc

Cùng chung quan điểm nhìn nhận về vụ việc, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc UBND TP. Cần Thơ ra quyết định xử phạt là không sai nhưng quá cứng nhắc và máy móc.

Theo luật sư Tiền, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính khi xử phạt “phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng”, quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 3 Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012. Đồng thời, tại Điều 21 của luật này, các hình thức xử phạt hành chính bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền.

“Số tiền 100 USD này ông Rê được người bạn cho rồi mang ra tiệm đổi. Có thể thấy, giao dịch này không nhằm mục đích sinh lời mà chỉ để phục vụ nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày. Tôi cho rằng, hành vi của ông Rê chưa nghiêm trọng lại bị xử phạt hơn 40 lần tang vật vi phạm. Như vậy là quá nghiêm khắc và không phù hợp” - luật sư Tiền nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ông Tiền cho biết thêm, ngoài căn cứ vào Nghị định 96/2014/NĐ-CP, khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cơ quan chức năng cần căn cứ thêm Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 làm cơ sở.

“Mục đích của xử phạt không chỉ răn đe phòng ngừa hành vi vi phạm mà còn để giáo dục ý thức công dân. Người dân vi phạm quy định pháp luật phải xử lý còn hình thức, cách thức như thế nào để kết hợp giữa tính giáo dục và tính nghiêm minh của pháp luật thì cần cân nhắc” - luật sư Tiền nói.

Đánh giá về mặt pháp lý thì UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê là không sai nhưng luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng việc ông Rê chỉ bán ra cho cửa hàng 100 USD là chưa nghiêm trọng.

“Theo quan điểm của tôi, trong trường hợp anh Nguyễn Cà Rê đổi 100 USD chỉ cần xử phạt hành chính cảnh cáo là có căn cứ, phù hợp với thực tế trong sự việc này”-luật sư Thơm nêu quan điểm.

Nguyễn Trường