Vụ Đặng Thanh Bình: Ai cũng kêu oan, đẩy tội cho người khác
(Dân trí) - Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình không thừa nhận hành vi của mình và cho rằng tổ giám sát có đủ quyền hạn để xử lý khi phát hiện sai phạm. Còn bị cáo Hà Tấn Phước thì cho là tổ giám sát không có quyền, đã kiến nghị cấp trên nhưng không được đồng ý.
Đổ lỗi cho nhau
Chiều 26/6, TAND TPHCM tiếp tục xét xử ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi để xảy ra sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Đặng Thanh Bình trình bày rằng tổ giám sát hoàn toàn có thẩm quyền để xử lý khi phát hiện các sai phạm tại ngân hàng mà họ giám sát. Bị cáo Bình khẳng định khi phát hiện sai phạm của ông Phạm Công Danh thì tổ giám sát hoàn toàn có quyền đình chỉ chức vụ đối với người vi phạm.
Trong khi đó, bị cáo Hà Tấn Phước cho rằng khi phát hiện sai phạm của VNCB ông đã có công văn gửi cấp trên và đề nghị hướng xử lý. Bị cáo Phước trả lời rằng quyết định số 12 không đề cập đến quyền thu hồi của tổ giám sát.
Bị cáo Phước cho rằng tổ giám sát đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước và đề nghị đặt VNCB trong tình trạng kiểm soát đặc biệt và thành lập tổ kiểm soát đặc biệt nhưng không được đồng ý.
Phủ nhận lời khai của bị cáo Bình về chuyện "tổ giám sát có quyền lực còn lớn hơn cả tổ giám sát đặc biệt", ông Phước cho rằng "đó chỉ là ý kiến của ông Bình, còn quyền hạn của tổ giám sát đã được quy định trong quyết định số 12 do ông Bình ký.
Sau đó, bị cáo Phước khẳng định mình đã làm hết trách nhiệm, và khẳng định mình không hoàn toàn oan nhưng mong xem xét kỹ trách nhiệm của bị cáo.
Nguyên cán bộ ngân hàng nhà nước bật khóc
Tiếp đó HĐXX xét hỏi bị cáo Ngô Văn Thanh, bị cáo cho rằng cáo trạng quy buộc phải chịu trách nhiệm liên quan đối với hậu quả gây thiệt hại 10.046 tỉ đồng là chưa đúng.
Theo bị cáo Ngô Văn Thanh, mỗi thành viên tổ giám sát đều có trách nhiệm riêng biệt, mỗi người xử lý mỗi khâu. Theo trách nhiệm được phân công thì ông chỉ có quyền xem xét dòng tiền đi ra khỏi ngân hàng hay không, còn vấn đề theo dõi, giám sát dòng tiền thì người khác trong tổ chịu trách nhiệm.
Trong quá trình xét hỏi bị cáo Ngô Văn Thanh, đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố nhìn nhận các cơ quan chức năng cũng thấy được lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thực hiện hành vi khá tinh vi; có những giao dịch trắng trợn, công khai.
Về vấn đề này, bị cáo Ngô Văn Thanh nói rằng đến cuối ngày lên hệ thống kiểm tra thì mới thấy được biến động dòng tiền, lúc này tiền đã ra khỏi ngân hàng nên không thể trở tay. Chính vì vậy, tổ giám sát đã hàng chục lần ra văn bản kiến nghị, khắc phục, chấn chỉnh và thu hồi tiền.
Trả lời Viện kiểm sát, bị cáo Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN Chi nhánh Long An, Tổ trưởng Tổ Giám sát) bảo lưu lời trình bày trước HĐXX ngày 25/6. Bị cáo này nhìn nhận trong vụ án một phần do bị cáo thiếu trách nhiệm nhưng cũng có một số nguyên nhân khách quan. Trả lời đến đây, bị cáo Lê Văn Thanh bật khóc trước bục khai báo.
Bị cáo Lê Văn Thanh cho rằng về cơ chế, nhiệm vụ công tác tại tổ giám sát thì chỉ có duy nhất Quyết định 12 chứ không có hướng dẫn, quy trình nên chỉ căn cứ vào đó để triển khai. Ngoài ra, khi nhận nhiệm vụ mỗi thành viên tổ đều nghiên cứu rất kỹ Quyết định 12, tuy nhiên, chưa có hướng dẫn nào nói phải làm như thế nào tại đơn vị giám sát.
"Có những cái không phù hợp với tổ giám sát, chúng tôi chỉ giám sát theo các quy định của ngành ngân hàng, do đó chỉ giám sát thông qua kết quả báo cáo chứ không thể thanh tra, giám sát tại đơn vị. Ngoài ra, tổ không được quyền nghiên cứu, xác minh các đơn vị bên ngoài. Điều này trong từng báo cáo, kiến nghị tổ giám sát đã báo cáo rất rõ"- bị cáo Lê Văn Thanh nói.
Ngày 27/6, phiên tòa tiếp tục xét hỏi.
Xuân Duy