Vụ cựu Phó Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Tài: Kháng nghị tăng mức thiệt hại
(Dân trí) - Tòa sơ thẩm xác định thiệt hại mà ông Nguyễn Thành Tài cùng đồng phạm gây ra là 252 tỷ đồng. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cho rằng thiệt hại trong vụ án lên tới 1.927 tỷ đồng.
Viện KSND TPHCM vừa có quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm vụ án ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM) cùng đồng phạm.
Trước đó, ngày 20/9, TAND TPHCM đã tuyên phạt ông Nguyễn Thành Tài mức án 8 năm tù, bà Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch HĐQT công ty Hoa Tháng Năm) 5 năm tù, các bị cáo còn lại từ 3 đến 5 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
HĐXX cho rằng tại thời điểm giao đất 8-12 Lê Duẩn, nếu thực hiện đúng quy định thì Nhà nước sẽ thu được 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giao đất trái quy định nên Nhà nước chỉ thu được 647 tỷ đồng. Như vậy, thiệt hại thực tế là số tiền nhà nước thất thu, là 252 tỷ đồng.
Theo kháng nghị, công ty Lavenue có các cổ đông sáng lập gồm công ty Hoa Tháng Năm (30 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ), công ty quản lý kinh doanh nhà TPHCM (20 tỷ đồng, 20% vốn điều lệ) và 4 công ty thuộc Bộ Công thương (50 tỷ đồng, chiếm 50% vốn điều lệ), do bị cáo Lê Thị Thanh Thúy là người đại diện theo pháp luật.
Ngày 29/10/2010, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại công ty Lavenue cho công ty Kinh Đô (sau này là Kido). Để được giao, cho thuê đất ở số 8-12 Lê Duẩn, công ty Lavenue đã nộp vào ngân sách 647 tỷ đồng. Quá trình thực hiện dự án, hội đồng quản trị công ty Lavenue họp, thống nhất tăng thêm vốn điều lệ lên 785 tỷ đồng và thực tế, công ty Hoa Tháng Năm góp 238,5 tỷ đồng, công ty quản lý kinh doanh nhà TPHCM góp 157 tỷ đồng và công ty Kido góp 392,5 tỷ đồng.
Theo Viện Kiểm sát, công ty quản lý kinh doanh nhà TPHCM là công ty 100% vốn Nhà nước, toàn bộ số tiền 157 tỷ đồng mà công ty này nộp góp vốn vào công ty Lavenue là tài sản Nhà nước. Việc bị cáo Lê Thị Thanh Thúy sử dụng số tiền vào mục đích bất hợp pháp là làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Do đó, việc HĐXX chỉ căn cứ vào số tiền mà công ty Lavenue đã nộp vào ngân sách tương ứng với phần vốn góp của công ty quản lý kinh doanh nhà TPHCM để thu hồi số tiền 126 tỷ đồng, là đã gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước số tiền 30 tỷ đồng.
Về xác định thời điểm xảy ra thiệt hại, Viện Kiểm sát cho rằng việc HĐXX xác định thiệt hại thực tế là số tiền Nhà nước thất thu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là không phù hợp. Bởi bản chất của hành vi gây thất thoát, lãng phí phải được xác định từ thời điểm giao đất, cho thuê đất trái pháp luật dẫn đến Nhà nước bị mất quyền sử dụng, mất quyền khai thác tài sản và giá trị tăng thêm của khu đất 8-12 Lê Duẩn.
Do đó, kể từ thời điểm chuyển dịch quyền quản lý, quyền sử dụng đất Nhà nước trái pháp luật cho đến khi tội phạm bị ngăn chặn, bị phát hiện khởi tố là khoảng thời gian tội phạm đã gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước.
Vì vậy, thiệt hại phải tính đến thời điểm cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, tức vào năm 2018 với số tiền 1.927 tỷ đồng như cáo trạng của Viện KSND Tối cao đã truy tố. Việc HĐXX xác định thời điểm thiệt hại tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là xác định không đúng bản chất vụ án.
Viện Kiểm sát cũng cho rằng HĐXX tuyên trả lại cho công ty Lavenue 126 tỷ đồng, công ty Lavenue có nghĩa vụ hoàn trả số tiền trên cho công ty quản lý Kinh doanh nhà TPHCM là không có căn cứ, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Từ đó, viện trưởng Viện KSND TPHCM kháng nghị một phần bản án sơ thẩm của TAND TPHCM, đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng xác định thời điểm xảy ra thiệt hại thực tế là số tiền Nhà nước thất thu cho đến thời điểm cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an khởi tố vụ án, trả toàn bộ số tiến 157 tỷ đồng mà công ty quản lý kinh doanh nhà TPHCM đã góp vốn vào công ty Lavenue cho công ty quản lý kinh doanh nhà TPHCM.