1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ cướp tài sản ở Hà Nội: Công an quận Tây Hồ "giấu" Viện kiểm sát?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - VKSND TP Hà Nội khẳng định, quá trình giải quyết tin báo tố giác tội phạm liên quan vụ cướp tài sản, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã không thông báo, phối hợp với VKSND cùng cấp.

Liên quan vụ án cướp tài sản xảy ra vào năm 2016 nhưng Công an quận Tây Hồ không khởi tố, điều tra theo quy định, PV Dân trí đã liên hệ ông Đào Thịnh Cường - Viện trưởng VKSND TP Hà Nội để tìm hiểu thông tin về việc xử lý trách nhiệm cán bộ.

Vụ cướp tài sản ở Hà Nội: Công an quận Tây Hồ giấu Viện kiểm sát? - 1

Hình ảnh Viện trưởng VKSND TP Hà Nội Đào Thịnh Cường (đứng giữa) tham gia tố tụng tại một phiên tòa.

Đáng chú ý, ông Cường cho biết, trong vụ việc này không có cán bộ nào thuộc VKSND quận Tây Hồ bị xử lý vì VKSND quận "không biết gì".

Bởi lẽ, theo ông Cường, vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến đối tượng Nguyễn Hữu Tài (SN 1993, ở quận Ba Đình, Hà Nội; đã bị tuyên án 24 tháng tù giam về tội "cướp tài sản" vào ngày 29/4) không nằm trong hệ thống tin báo của cơ quan tiến hành tố tụng.

"Họ (Công an quận Tây Hồ - PV) không cho vào tin báo. Họ tự xử lý. Viện Kiểm sát không biết gì" - ông Cường thông tin thêm.

Liên quan đến thông tin trên từ lãnh đạo VKSND TP Hà Nội, sáng 26/6, PV Dân trí đã gọi điện thoại cho Thượng tá Phạm Quý Hải, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) để xác minh. Tuy nhiên, khi mới nghe giới thiệu phóng viên Dân trí, Thượng tá Hải đã cúp máy.

Nêu quan điểm về việc này, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng VP Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu thông tin được lãnh đạo VKSND TP Hà Nội đưa ra là đúng sự thật thì Công an quận Tây Hồ đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.

Vụ cướp tài sản ở Hà Nội: Công an quận Tây Hồ giấu Viện kiểm sát? - 2

Hình ảnh 5 bị cáo trong vụ án cướp tài sản xảy ra trên địa bàn quận Tây Hồ vào năm 2016 nhưng không bị xử lý hình sự. Đến ngày 29/4 vừa qua, vụ án này mới được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử.

Theo luật sư Tiền, tại Khoản 5 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tin tố giác cho VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, chậm nhất là 5 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh. Ngoài ra, nếu việc giải quyết tin tố giác bị tạm đình chỉ hoặc phục hồi thì cơ quan điều tra đều phải thông báo cho VKS theo đúng quy định.

Bởi lẽ, vai trò của VKS khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đã được quy định rất rõ tại Điều 159 Bộ luật này. Hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của VKS là quy định bắt buộc để chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội, cũng như tránh lạm quyền từ cơ quan điều tra.

"Nếu việc không thông báo cho VKS nhằm bao che, bỏ lọt tội phạm thì còn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về các tội "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội" theo Điều 369, "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" theo Điều 375 Bộ luật Hình sự 2015. Vì vậy, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cần làm rõ động cơ, mục đích của việc không thông báo này để xử lý nghiêm minh, đúng theo quy định pháp luật" - ông Tiền nêu quan điểm.

Vụ cướp tài sản ở Hà Nội: Công an quận Tây Hồ giấu Viện kiểm sát? - 3

VKSND Tối cao đang làm rõ thông tin Công an quận Tây Hồ bị tố "chạy án".

Mới đây, tại cuộc họp báo công tác 6 tháng đầu năm do Bộ Công an tổ chức, theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội, liên quan đến việc một số cán bộ Công an thành phố bị đình chỉ công tác, thông tin ban đầu xác định Đại tá Phùng Anh Lê (Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội) liên quan việc "không khởi tố người có tội".

Đại tá Phùng Anh Lê bị đình chỉ do liên quan sai phạm từ năm 2016 khi còn là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội).

"Ông Lê có dấu hiệu ban đầu phạm tội không khởi tố người có tội. Tuy nhiên, tội danh điều tra với ông Lê thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao. Động cơ, mục đích thế nào, có phải "chạy án hay không" thì phụ thuộc vào kết luận điều tra của VKSND Tối cao" - Trung tướng Trung nói.

Trước đó, Công an TP Hà Nội đã đình chỉ công tác Đại tá Phùng Anh Lê, Thượng tá Phạm Quý Hải - Phó trưởng Công an quận và Trung tá Nguyễn Đức Châu - Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an quận Tây Hồ để làm rõ trách nhiệm liên quan quá trình tiến hành các biện pháp tố tụng đối với vụ án cướp tài sản xảy ra từ năm 2016 và một vụ án khác.

Tại phiên tòa ngày 29/4 xét xử vụ án trên, vợ của bị cáo Nguyễn Hữu Tài khai trong năm 2016 đã đưa 100 triệu đồng cho một cán bộ Công an quận Tây Hồ để nhờ "chạy án" cho chồng.

Kết thúc phiên xử, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt đối với 5 bị cáo gây ra vụ án này, trong đó Nguyễn Hữu Tài bị tuyên 24 tháng tù giam về tội cướp tài sản.