Vụ chìm tàu khiến 9 người chết: Bị phạt tiền chứ không phạt tù
(Dân trí) - Điều khiển phương tiện gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 người tử vong nhưng các bị cáo chỉ bị phạt tiền thay vì phạt tù.
Ngày 9/1, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tàu Hải Thành 26-BLC bị đâm chìm trên biển hồi tháng 3/2017 khiến 9 thuyền viên thiệt mạng.
Yêu cầu tăng hình phạt
Theo đó, HĐXX bác kháng cáo đề nghị tăng hình phạt của các đại diện gia đình bị hại, tuyên y án sơ thẩm. Theo đó, bị cáoTrần Kiên (sinh năm 1985, thuyền phó tàu Petrolimex 14) bị phạt 700 triệu đồng, Nguyễn Xuân Sang (sinh năm 1989, thuyền viên tàu Petrolimex 14) bị phạt 650 triệu đồng. Với 2 bị cáo nguyên là thuyền viên tàu Hải Thành 26 là Nguyễn Viết Thắng (sinh năm 1972) và Hoàng Tiến Khôi (sinh năm 1991), mỗi người bị phạt 300 triệu đồng về tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sau bản án sơ thẩm, các bị cáo không có kháng cáo. Bị đơn dân sự là công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vitaco kháng cáo yêu cầu xác định lại nguyên dân chính của vụ tai nạn và nguyên đơn dân sự phải có một phần trách nhiệm bồi thường cho gia đình các bị hại. Ngoài ra, bị đơn dân sự cũng yêu cầu các bị cáo có trách nhiệm liên đới cấp dưỡng cho gia đình các bị hại.
Nguyên đơn dân sự là công ty TNHH thương mại và vận tải biển Phương Thịnh kháng cáo yêu cầu công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vitaco bồi thường 36 tỉ đồng và phải tự chịu toàn bộ chi phí sửa chữa khắc phục Petrolimex 14.
Công ty cho thuê tài chính BIDV (được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) kháng cáo yêu cầu công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vitaco có trách nhiệm bồi thường 28 tỉ đồng.
Đại diện gia đình của 7 bị hại kháng cáo yêu cầu tăng số tiền bồi thường thiệt hại, tăng hình phạt đối với bị cáo Kiên và bị cáo Sang. Yêu cầu làm rõ vai trò trưởng tàu Petrolimex 14 và những người liên quan. Yêu cầu xác minh rõ lỗi cụ thể của công ty Vitaco và Phương Thịnh. Yêu cầu tiếp tục kê biên tàu Petrolimex 14 nhằm đảm bảo việc bồi thường.
Giữa tháng 8/2018, công ty bảo hiểm Bảo Việt có đơn xin tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự vì công ty Bảo Việt là chủ tài sản trên tàu Hải Thành.
Tại phiên tòa hôm nay, đại diện các gia đình bị hại cho rằng cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo phạt tiền là không đúng. Bị cáo Kiên gây tai nạn xong thì bỏ trốn, không thành khẩn khai báo gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Phạt tiền chưa đủ sức răn đe
Đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội dẫn đến hậu quả đặc biệt khiến 9 người chết. Cấp sơ thẩm tuyên phạt tiền các bị cáo là không đủ sức răn đe giáo dục chung. Vì vậy cần chấp nhận kháng cáo của các đại diện gia đình bị hại. Trong vụ án này nguyên nhân gây tai nạn là hỗn hợp tuy nhiên cấp sơ thẩm chỉ tuyên buộc công ty Vitaco bồi thường thiệt hại là chưa đúng. Từ đó đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Trong quá trình điều tra và xét xử cấp phúc thẩm không đưa công ty bảo hiểm Bảo Việt vào tham gia tố tụng là vi phạm tố tụng nghiêm trọng cấp phúc thẩm không thể khắc phục. Từ những nhận định trên, đại diện Viện kiểm sát đề đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cho Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để tiếp tục điều tra xét xử lại.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Trần Kiên cho rằng để xảy ra tai nạn cũng do một phần lỗi của bị cáo, tuy nhiên bị cáo không mong muốn sự việc cũng như hậu quả xảy ra, mong HĐXX xem xét giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định vụ tai nạn dẫn tới 9 người chết. Các bị cáo bị truy tố trong khung hình phạt có mức phạt tiền nên cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo hình phạt tiền thay vì phạt tù là đúng quy định. Trong vụ án này do lỗi hỗn hợp nên xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Từ đó, bác kháng cáo của gia đình các hại.
Quá trình điều tra và xét xử chưa xác định công ty cho thuê tài chính BIDV hay công ty Phương Thịnh là nguyên đơn dân sự. Trong vụ án này công ty Vitaco được xác định lỗi 70% nhưng tòa cấp sơ thẩm tuyên công ty này bồi thường toàn bộ thiệt hại là trái quy định của pháp luật.
Quá trình điều tra xét xử chưa trục vớt thân tàu Hải Thành để xác định rõ lỗi cụ thể, từ đó xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trước phiên tòa sơ thẩm, công ty Vitaco có bồi thường cho công ty Phương Thịnh số tiền 900 triệu đồng nhưng trong bản án sơ thẩm không cấn trừ. Ngoài ra, quá trình điều tra xét xử không đưa công ty bảo hiểm Bảo Việt vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng. Từ đó, HĐXX tuyên hủy toàn bộ phần dân sự, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại.
Xuân Duy