1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đề nghị truy tố 2 giám đốc vụ chìm tàu Cần Giờ làm 9 người chết

(Dân trí) - Ngày 5/9, cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án chìm tàu xảy ra tại vùng biển thuộc xã Long Hòa (huyện Cần Giờ, TPHCM) khiến 9 người chết.

Theo đó, cơ quan CSĐT đề nghị Viện KSND TPHCM truy tố 2 bị can Vũ Văn Đảo (giám đốc công ty cổ phần công nghệ Việt Séc, trụ sở số 2 Phạm Ngọc Thạch, phường 9, TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Đinh Văn Quyết (Giám đốc Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina) về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn.

Cùng ngày, ông Đảo cũng có đơn kiến nghị gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM và Viện Kiểm sát cùng cấp yêu cầu đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.

Đơn ông Đảo viết: “Đến nay cơ quan tố tụng cũng đã có đầy đủ kết quả giám định khẳng định tàu bị tai nạn không phải do chất lượng hay công nghệ vật liệu mới PPC kém chất lượng. Hành vi sai phạm về đăng kiểm không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả vụ tai nạn nên quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật, như vậy cơ quan CSĐT Công an TPHCM cũng cần phải đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ điều tra bị can”.

dao-1-1-jpg-2258-1382619480-8801-1411005174

Ông Đảo liên tục kêu oan.

Theo cơ quan CSĐT, kết quả ban đầu của Bộ GTVT, kết quả các lần giám định, giải thích giám định tư pháp của Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng, xác định: Tàu BP 12-04-02 là phương tiện thủy nội địa, hồ sơ thiết kế, hồ sơ đăng kiểm tại phòng đăng kiểm Hải quân và hợp đồng mua bán thể hiện tàu này không có công dụng vận tải hành khách, khả năng chở chỉ có 12 người (thời điểm xảy ra vụ án, tàu chở 30 người - PV), không có khả năng hoạt động trên biển. Nguyên nhân vụ tai nạn là do tàu chở quá số người cho phép, sử dụng sai mục đích và đi vào vùng biển Cần Giờ là vùng không được phép hoạt động.

Tuy nhiên, 2 bị can đã tổ chức vận chuyển hành khách theo tuyến đường thủy từ Tiền Giang đến Vũng Tàu khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép vận chuyển hành khách đường thủy nội địa, không đúng với công dụng và vùng hoạt động của phương tiện ghi trên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là vi phạm pháp luật, vì vậy phải chịu trách nhiệm về những hậu quả đã xảy ra.

Theo kết luận điều tra bổ sung, bị can Vũ Văn Đảo là người chỉ đạo nhân viên công ty Việt Séc và nhân viên công ty Marina sử dụng 3 tàu, trong đó có tàu bị nạn vận chuyển hành khách; Đinh Văn Quyết là người trực tiếp liên hệ, giao dịch với công ty PV PIPE để thống nhất việc vận chuyển hành khách, báo cáo lại và chịu sự chỉ đạo của Đảo.

Theo kết luận điều tra, cuối tháng 7/2013, ông Hà Ngọc Phước - Giám đốc Nhà máy chế tạo ống thép thuộc Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (Công ty PV PIPE, trụ sở tại Tiền Giang) - tổ chức cho nhân viên đi Vũng Tàu chơi. Ông Phước cho nhân viên liên hệ với ông Quyết báo chương trình cũng như số lượng người tham gia để sắp xếp tàu đưa đón, đặt khách sạn. Vụ việc được ông Quyết báo cáo với ông Đảo.

ct-1529043709505347870442

Vụ tai nạn khiến 9 người tử vong.

Kết luận điều tra cáo buộc, dù biết rõ tải trọng và công năng của tàu nhưng chiều 2/8/2013, ông Đảo vẫn chỉ đạo mượn hai chiếc tàu BP 12-04-01, BP 12-04-02 của Bộ đội biên phòng để đưa đón nhân viên Công ty PV PIPE tại tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, ông này còn trực tiếp lái chiếc tàu H790 HQ đi cùng.

Chiều cùng ngày, 3 chiếc tàu đón người ở Tiền Giang chạy về hướng Vũng Tàu. Đến khoảng 19h, đi ngang vùng biển xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, tàu BP 12-04-02 chở 30 người (28 nhân viên PV PIPE, 2 người của công ty Việt –Séc) bị chìm khiến 9 nạn nhân tử vong. Nguyên nhân được cơ quan điều tra xác định do tàu này chở quá số lượng người cho phép (dư 18 người), hành trình ra vùng không được phép hoạt động và việc điều khiển phương tiện không phù hợp.

Trong kết luận điều tra của Công an TPHCM vào tháng 9/2014 đã đề nghị truy tố 2 bị can Đảo và Quyết. Viện KSND TPHCM sau đó đã ra cáo trạng chuyển sang toà nhưng bị trả lại, yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ một số tình tiết. Đồng thời yêu cầu cơ quan điều tra giám định, kết luận con tàu gây tai nạn không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng.

Tòa yêu cầu cơ quan điều tra giám định làm rõ kết luận tàu BP 12-04-02 gây tai nạn có hay không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng. Đây là một trong những căn cứ xác định hành vi của ông Đảo và Quyết.

Quá trình trả hồ sơ điều tra bổ sung, vụ án được tạm đình chỉ để chờ kết luận giám định. Tháng 6/2018, sau khi có kết luận giám định bổ sung, cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã phục hồi điều tra vụ án, điều tra bị can.

Xuân Duy