Vụ cảnh sát buôn lậu hàng trăm tỷ đồng: Phạt tiền là không có căn cứ

Xuân Duy

(Dân trí) - Theo VKSND TPHCM các chủ hàng nhập lậu bị truy tố về tội Buôn lậu thuộc trường hợp đặc biệt nguy hiểm nên cấp sơ thẩm phạt tiền không có căn cứ.

Ngày 21/6, Viện trưởng VKSND TPHCM đã ban hành kháng nghị vụ án "cảnh sát chống buôn lậu cầm đầu đường dây buôn lậu hàng trăm tỷ đồng".

Theo đó, cơ quan công tố, đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm không áp dụng hình phạt tiền đối với 5 bị cáo và tăng hình phạt đối với 8 bị cáo.

Vụ cảnh sát buôn lậu hàng trăm tỷ đồng: Phạt tiền là không có căn cứ - 1

Bị cáo Hoàng Duy Tiến tại tòa sơ thẩm (Ảnh: X.D.).

Theo kháng nghị, từ tháng 8/2019 đến ngày 24/5/2021, Hoàng Duy Tiến (38 tuổi, cựu Đại úy công an) lập 47 công ty và sử dụng 45 pháp nhân để làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa là máy móc, thiết bị cũ từ nước ngoài về Việt Nam trái quy định với 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập khẩu hàng hóa máy móc cũ, loại hàng không được nhập khẩu có giá trị 217,6 tỷ đồng.

Sau đó, Tiến giao lại cho các chủ hàng để thu phí nhập khẩu theo thỏa thuận trước, trong đó có Nguyễn Mạnh Toàn, Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Đình Thiều, Lê Văn Thành, Vũ Văn Tuấn, Phạm Toàn và Võ Văn Đông (56 tuổi, cựu Trung tá công an).

Kết quả điều tra và thẩm vấn tại tòa xác định các bị cáo là chủ hàng đều tiếp nhận liên lạc, gửi thông tin hàng hóa cho Tiến để làm thủ tục nhập hàng, trực tiếp trả tiền và được hưởng lợi từ việc này. Mặt khác, mỗi bị cáo đều thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, số lượng hàng hóa các bị cáo thuê Tiến nhập về lớn.

Bản án xác định, Nguyễn Mạnh Toàn, Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Đình Thiều, Lê Văn Thành, Vũ Văn Tuấn và Phạm Toàn phạm tội Buôn lậu theo Khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 thuộc trường hợp đặc biệt nguy hiểm. Do đó, VKSND TPHCM cho rằng HĐXX tuyên phạt 5 người này hình phạt tiền (thay phạt tù) là không có căn cứ.

Bên cạnh đó, kháng nghị cũng đề nghị tăng hình phạt đối với 8 bị cáo khác trong vụ án.

Theo đó, bị cáo Vũ Văn Tuấn với vai trò chủ hàng, thuê Tiến nhập lậu 18 container hàng hóa là máy móc, thiết bị cũ trị giá hơn 3 tỷ đồng, hưởng lợi số tiền 425 tỷ đồng.

Vụ cảnh sát buôn lậu hàng trăm tỷ đồng: Phạt tiền là không có căn cứ - 2

Các bị cáo tại tòa sơ thẩm (Ảnh: X.D.).

Tương tự, bị cáo Dương Mạnh Linh là trưởng phòng giám định chất lượng hàng hóa Công ty Đại Việt Minh đã có hành vi nhận chỉ đạo từ ban giám đốc công ty rồi trực tiếp chỉ đạo cấp dưới lập biên bản giám định hiện trường, thảo chứng thư giám định hàng hóa theo số liệu hồ sơ Tiến cung cấp. Thông qua đó giúp Tiến nhập lậu số hàng có giá trị 207,5 tỷ đồng (Linh ký 60 chứng thư giám định trị giá 11,5 tỷ đồng).

Theo VKSND TPHCM, mức án 7 năm tù cấp sơ thẩm tuyên với bị cáo Tuấn và Linh là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Ngoài ra, với các giám định viên của Công ty giám định Đại Việt Minh gồm: Cao Đăng Minh, Võ Hoài Đức, Trần Đình Hùng, Đinh Quang Triều, Dương Quốc Hòa và Mai Đức Tài đã có hành vi lập khống các biên bản hiện trường, qua đó giúp sức cho Tiến trong việc buôn lậu. Cấp sơ thẩm tuyên phạt những bị cáo này mức án từ 3-4 năm tù là quá nhẹ, không tương xứng hành vi phạm tội, không đủ sức răn đe, phòng ngừa và không có tính công bằng với các bị cáo khác trong vụ án.

Cuối tháng 5 vừa qua, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Hoàng Duy Tiến 13 năm tù, Võ Văn Đông (56 tuổi, cựu Trung tá công an) 7 năm tù về tội Buôn lậu. Cả hai từng công tác tại Đội phòng chống buôn lậu thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM.

Cùng tội danh trên, 24 bị cáo còn lại, người nhẹ nhất bị phạt 1,5 tỷ đồng (phạt tiền thay phạt tù) người nặng nhất 11 năm tù.