Cựu cảnh sát chống buôn lậu cầm đầu đường dây buôn lậu lĩnh 13 năm tù
(Dân trí) - Bản thân là cảnh sát chống buôn lậu, Hoàng Duy Tiến biết rõ quy định pháp luật nhưng đã thành lập 47 công ty để nhập lậu lượng hàng hóa trị giá hơn 211 tỷ đồng.
Ngày 27/5, TAND TPHCM tuyên bị cáo Hoàng Duy Tiến (38 tuổi, cựu Đại úy công an) 13 năm tù, Võ Văn Đông (56 tuổi, cựu Trung tá công an) 7 năm tù về tội Buôn lậu. Cả hai từng công tác tại Đội phòng chống buôn lậu thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM.
Cùng tội danh trên, 24 bị cáo còn lại, người nhẹ nhất bị phạt 1,5 tỷ đồng (phạt tiền thay phạt tù) người nặng nhất 11 năm tù.
Ngoài mức án trên, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ vai trò của chủ hàng và một số cán bộ hải quan, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý theo quy định pháp luật.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại tòa, HĐXX xác định có đủ cơ sở xác định, từ khoảng tháng 9/2019 đến ngày 24/5/2021, Duy đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty do Tiến thành lập, mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.287 container hàng. Tổng trị giá tài sản hàng hóa nhập lậu hơn 217 tỷ đồng.
Ngày 24/5/2021, khi nhập khẩu 7 container hàng máy móc, thiết bị cũ với tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM phối hợp Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực I kiểm tra, thu giữ.
Hoàng Duy Tiến lợi dụng cương vị là cán bộ thuộc Đội chống buôn lậu Công an TPHCM, nên biết rõ các quy định về việc nhập khẩu hàng hóa, am hiểu các quy định về hải quan và nắm bắt được quyết định của Thủ tướng chấp thuận cho nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ phục vụ sản xuất của chính doanh nghiệp, nên bị cáo đã cùng đồng phạm hợp thức hóa các thủ tục để thực hiện hành vi phạm tội.
HĐXX xác định, trong vụ án này, bị cáo Tiến là người chủ mưu, cầm đầu, điều hành các hoạt động phạm tội. Bị cáo biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện, thể hiện sự coi thường pháp luật, hưởng lợi hơn một tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tòa cũng ghi nhận cho cựu đại úy một số tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, quá trình công tác có nhiều thành tích xuất sắc, đặc biệt bị cáo đã khai ra hành vi phạm tội của Võ Văn Đồng.
Hồ sơ vụ án thể hiện, trong quá trình công tác chung, đầu năm 2021, Đông gặp Tiến rồi nói một người bạn có nhu cầu nhập khẩu các container hàng máy móc cũ từ nước ngoài vào Việt Nam. Khi Đông gợi ý, Tiến đồng ý với chi phí 90 triệu đồng/container hàng (gồm chi phí vận chuyển).
Theo đó, Tiến trực tiếp nhận thông tin liên quan container hàng máy móc, thiết bị cũ từ Võ Văn Đông mà không thông qua nhân viên của Tiến. Sau đó, Tiến chỉ đạo các nhân viên làm hồ sơ, thủ tục nhập khẩu các container hàng tại Chi cục hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực I tương tự như các chủ hàng khác.
Quá trình trao đổi, liên lạc để nhập khẩu các container hàng máy móc, thiết bị cũ giữa Tiến và Đông thực hiện chủ yếu qua ứng dụng Viber.
Ngoài ra, Đông còn cung cấp số điện thoại của Khải (chưa rõ lai lịch) cho Tiến để anh ta cung cấp cho nhà xe, giao nhận các container hàng hóa cũng như giám định máy móc thiết bị cũ trong các container hàng của Đông.
Sau mỗi "phi vụ" trót lọt, Đông gặp Tiến tại cơ quan hoặc quán cà phê và đưa 90 triệu đồng/container như thỏa thuận.
Hồ sơ vụ án thể hiện, từ tháng 2/2021 đến ngày 24/5/2021, Tiến đã làm thủ tục, hồ sơ nhập khẩu và vận chuyển trót lọt về kho cho Đông tổng cộng 6 container hàng máy móc, thiết bị cũ với tổng trị giá hàng hóa hơn 924 triệu đồng.
Tại tòa, bị cáo Đông kêu oan. Căn cứ vào hồ sơ vụ án và lời khai những người liên quan, HĐXX xác định cáo trạng truy tố bị cáo Đông về tội Buôn lậu là đúng người, đúng tội, không oan sai. Theo tòa, việc Trung tá Võ Văn Đông kêu oan nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm.
Đối với các bị cáo được Tiến thuê thực hiện một số công việc liên quan tới hành vi buôn lậu, HĐXX xác định những người này làm công hưởng lương, có vai trò thứ yếu nên giảm nhẹ một phần hình phạt.