Vụ bảo mẫu làm bé trai tử vong: Mẹ nhận giấy khai tử trước giấy khai sinh
(Dân trí) - Chị Nguyễn Bích Hằng nghẹn ngào chia sẻ, sau khi sinh con do bị trục trặc về giấy tờ nên không thể làm giấy khai sinh cho bé B.K. Ngày bé K. mất, chị làm giấy khai sinh, khai tử cho con cùng lúc.
Mất con mãi mãi sau một đêm gửi bảo mẫu
Ngày 28/11, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) tiến hành xét hỏi đối với bị cáo Chu Uyển Vân (27 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Vân bị đưa ra xét xử về tội Vô ý làm chết người.
Hơn 10 tháng trước, Uyển Vân là bảo mẫu trông bé trai N.B.K. (7 tháng tuổi, ở khu đô thị cao cấp tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Trong quá trình Vân trông giữ, bé trai tử vong.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí trước khi tòa tuyên án, chị Nguyễn Bích Hằng (mẹ bé K.) nghẹn ngào cho biết, chị rất mong đợi vào kết quả phiên tòa hôm nay để linh hồn con trai được an ủi phần nào.
Cả đêm qua chị không thể chợp mắt, suy nghĩ rất nhiều về phiên tòa.
Là một người mẹ đơn thân nên chị Hằng rất vất vả trong khi mang bầu cũng như sinh con.
Chị coi bé K. là niềm an ủi duy nhất. Thế nhưng, sau một đêm gửi con cho bảo mẫu, chị đã mất con mãi mãi.
"Con đến với tôi khá bất ngờ, tôi hy vọng hai mẹ con có thể cùng nhau vượt qua tất cả, có người bạn đồng hành sẻ chia trong cuộc sống nhưng cuộc đời quá bất công đã chia cắt hai mẹ con", chị Hằng bật khóc.
Sau giây lát trấn tĩnh, chị bộc bạch có lỗi lớn với con khi làm mẹ mà không thể chăm sóc con chu đáo.
Do trục trặc về mặt giấy tờ nên sau khi sinh con chị không thể làm giấy khai sinh. Đến ngày con mất, chị và gia đình mới làm giấy khai sinh và khai tử cho con cùng lúc.
"Tôi nhận được giấy khai tử của con trước, gần một tuần sau mới nhận được giấy khai sinh, đau xót lắm", chị nghẹn ngào nói.
Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Chu Uyển Vân khai, đêm 9/1 Vân nhận trông giữ 2 cháu bé (cháu lớn 7 tháng tuổi, cháu nhỏ 3 tháng tuổi) dù không có trình độ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề.
Việc trông trẻ chỉ có mình bị cáo thực hiện, còn chồng thường xuyên đi làm.
Trước khi nhận trông cháu B.K. khoảng một tuần, Uyển Vân có trao đổi với chị Nguyễn Bích Hằng về việc trông giữ cũng như tiền công mỗi ngày. Khi đó chị Hằng thông báo ngày 8/1 chị đưa con trai đi tiêm vắc xin nên đến ngày 9/1 sẽ nhờ Vân trông con qua đêm.
19h30 ngày 9/1, chị Hằng đưa con đến nhà Vân và cầm theo một túi đồ. Lúc này, chị Hằng dặn Vân bé K. mới tiêm vắc xin xong, nếu thấy con quấy khóc quá thì gọi mẹ đến đón.
7h sáng hôm sau, bé K. tỉnh dậy và uống hết hơn 100ml sữa rồi có biểu hiện sặc sữa.
Do quá hoảng loạn, bị cáo không biết cách sơ cứu cho cháu bé. Cháu B.K. sau đó tử vong.
Nguyên nhân cái chết của cháu K. được nhà chức trách xác định do suy hô hấp tuần hoàn.
Tại tòa, HĐXX liên tục đặt câu hỏi về việc bé K. có biểu hiện bất thường sau khoảng bao lâu thì bị cáo gọi điện cho xe cứu thương.
Lúc đầu Uyển Vân khai sau khoảng 15 phút song sau đó bị cáo liên tục thay đổi mốc thời gian gọi xe cứu thương.
Bé trai ngừng tuần hoàn trước khi xe cứu thương đến
Sau những lời khai bất nhất của Chu Uyển Vân, HĐXX xét xử mời anh Nguyễn Đình Hoàng (nhân viên trực cấp cứu tại khu vực quận Long Biên) lên lấy lời khai.
Tại tòa, anh Hoàng khai, vào khoảng 7h50 sáng 10/1, anh nhận được thông báo từ trung tâm điều phối cấp cứu về việc tại khu chung cư cao cấp ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm có cháu bé sặc sữa. Ngay khi nhận thông tin, tổ cứu thương lên đường.
Trên đường di chuyển, tổ cứu thương nhận thấy quãng đường từ Long Biên đến Gia Lâm xa, thời gian di chuyển khoảng 20 phút. Trong khi đó thời gian vàng cứu cháu bé sặc sữa chỉ trong 5-6 phút, nên anh Hoàng đã gọi điện cho số máy gọi tới trung tâm cấp cứu rồi hướng dẫn lên mạng tìm cách sơ cứu.
"Khi xe cứu thương đến sảnh tòa nhà, tôi thấy một phụ nữ bế bé trai xuống trong tình trạng tím tái, tim ngừng đập nên thông báo cháu ngừng tuần hoàn.
Sau khoảng 20 phút sơ cứu tại chỗ, một người phụ nữ khác đến nơi và nhận là mẹ cháu bé, chúng tôi cũng thông báo giống như trên và tiếp tục sơ cứu thêm khoảng 10 phút nhưng không cứu được cháu", anh Hoàng khai.
Sau đó, chị Nguyễn Bích Hằng mong muốn được đưa con trai đến Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm với hi vọng "còn nước còn tát". Song cháu bé đã tử vong ngoại viện.
Vì sao mới gửi con lần đầu đã gửi trông qua đêm?
Trong phần xét hỏi chiều 28/11, chị Nguyễn Bích Hằng khai chị quen Uyển Vân qua mạng xã hội.
Chị Hằng khẳng định, ngày 9/1 khi chị giao con cho Vân, cháu bé sức khỏe bình thường, không bị ốm, sốt.
"Tôi có dặn rõ Vân về việc ăn uống, cách chia sữa từng bữa. Vân cũng khẳng định chỉ trông một mình bé K. nên tôi yên tâm gửi lại con đi về", chị Hằng nói.
HĐXX hỏi: - Vì sao mới gửi con lần đầu đã gửi trông qua đêm?
Chị Hằng trả lời: - Thời điểm đó, sức khỏe rất yếu, liên tục phải gọi bác sĩ đến nhà để truyền nước nên đã tin tưởng và giao con cho Vân.
Chị Hằng thừa nhận đây là sai sót của mình khi không kiểm tra xem Vân có đủ trình độ, chuyên môn để chăm sóc trẻ em hay không.
Khoảng 7h30 sáng 10/1, trong khi đang đi khám bệnh chị Hằng nhận tin con trai bị sặc sữa nên tức tốc bắt xe quay về. Về đến nơi chị thấy con đã tím tái, các nhân viên y tế đang tiến hành sơ cứu.
"Con chết rồi tôi mới biết. Tôi mong muốn phiên tòa diễn ra công tâm, người sai phải chịu bản án nghiêm khắc trước pháp luật", chị Hằng nói.
Tại phiên tòa, chị Nguyễn Bích Hằng đề nghị bị cáo đền bù số tiền thiệt hại là 500 triệu đồng đối với các khoản như mai táng phí, tổn thất tinh thần, khai quật tử thi,...
HĐXX liên tục yêu cầu bị hại kê khai số tiền đòi bồi thường cụ thể là những khoản nào. Chị Hằng nói không nhớ, không thể kê khai chi tiết cũng như không có các giấy tờ chứng minh.
Bị cáo Chu Uyển Vân cho biết, không thể đền bù số tiền trên vì quá lớn. Bị cáo mong muốn được bồi thường theo quy định của pháp luật.
"Tôi không có công việc ổn định, không có thu nhập, không nhà cửa nhưng đang phải nuôi 4 con nhỏ nên không thể đền bù số tiền lớn như vậy", bị cáo Uyển Vân nói.
Tại tòa, anh B.A.T. (chồng bị cáo Chu Uyển Vân) khai, ngoài làm việc theo giờ hành chính còn chạy thêm xe ôm nên ít khi ở nhà, không biết vợ trông giữ trẻ em. Trước ngày 9/1, anh này không thấy vợ đưa trẻ em về nhà.
Cáo trạng thể hiện, Chu Uyển Vân không được đào tạo về trông trẻ, không được cơ quan chức năng cấp phép mở lớp trông trẻ tại nhà.
Tuy nhiên, Vân tự tin thấy bản thân có khả năng trông giữ, đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh nên nhận trông giữ trẻ thuê.
Ngày 9/1, khi hai phụ huynh liên hệ thuê Vân trông con qua đêm, bị cáo thỏa thuận trông bé 3 tháng tuổi là 370.000 đồng/đêm, còn bé N.B.K. là 250.000 đồng/đêm.
7h sáng hôm sau, bé K. dậy uống khoảng 100ml sữa và có biểu hiện bị sặc.
Sau đó, Vân thực hiện các biện pháp sơ cứu nhưng không làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Khi xe cấp cứu đến, nhân viên cấp cứu xác định cháu K. đã tử vong. Nguyên nhân tử vong do suy hô hấp tuần hoàn.