1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ “băng cướp 1.000 lượng vàng”: Tướng cướp… bán rau

Sau hơn 10 năm gây án với thủ đoạn táo tợn gây khiếp đảm cho hàng trăm chủ tiệm vàng tại TP HCM và các tỉnh lân cận, vào tháng 10/2011, khi đang lên kế hoạch dùng súng cướp tiệm vàng thì băng cướp có hành tung bí ẩn trên sa lưới.

Chuyên đề ANTG đã đăng loạt bài đề cập cặn kẽ quá trình Cục CSĐTTP về TTXH-C45 (Bộ Công an - thường trực phía Nam) truy lùng băng cướp 1.000 lượng vàng do tướng cướp Lê Anh Kiệt cầm đầu.

Thời điểm đăng tải loạt bài với nội dung phản ánh những vụ cướp kinh hoàng, chân dung tướng cướp Lê Anh Kiệt cùng đồng bọn và cuộc chiến hơn 3.000 ngày truy lùng băng cướp khét tiếng này của C45…, khép lại loạt bài, do Cơ quan điều tra đang trong vòng đấu tranh nên chúng tôi vẫn còn để lại nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp liên quan đến tướng cướp Lê Anh Kiệt.

Ví như vì sao Kiệt và đồng bọn không cướp ngay tại hiệu vàng mà đợi các nạn nhân về gần nhà mới ra tay? Vì sao sau khi mua súng làm "phương tiện" gây án, Kiệt đều đưa ra sông bắn thử? Vì sao Kiệt rất hạn chế trong việc rủ đối tác tham gia các vụ cướp táo tợn…?!

Trong 3 ngày 21, 22 và 23/5 này, khi TAND tối cao tại TP HCM đưa vụ việc ra xét xử, qua quá trình xét hỏi các thành viên trong băng cướp của HĐXX, chúng tôi mới có cơ hội tận tường những điều khúc mắc ấy từ lời khai rành rọt của tướng cướp bán rau Lê Anh Kiệt.

Vụ án… nhiều kỷ lục

Trước khi đi vào lời khai của tướng cướp Lê Anh Kiệt (49 tuổi, ngụ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, năm 1995 bị TAND Tối cao xử 6 năm tù về tội giết người) cùng đồng bọn tại chốn tụng đình, Chuyên đề ANTG xin được điểm lại vụ trọng án với nhiều kỷ lục có một không hai về số vụ việc cùng mức độ gây kinh hoàng cho hàng trăm chủ tiệm vàng trong thời gian dài của băng cướp, số lượng vàng bị chiếm đoạt lên đến hơn 1.000 cây vàng… cùng quãng thời gian ròng rã hơn 10 năm trời điều tra phá án của ban chuyên án!

Theo điều tra của Cục CSĐTTP về TTXH phía Nam, từ năm 2000 đến khi bị hốt trọn ổ (năm 2011), băng cướp do Lê Anh Kiệt cầm đầu đã thực hiện trót lọt 8 phi vụ cướp vàng bằng súng của các chủ tiệm vàng ở Tây Ninh (3 vụ), TP HCM (3 vụ), Long An (1 vụ), Vĩnh Long (1 vụ).

"Vụ cướp đầu tiên chúng gây án tại huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh vào đêm 22-9/2000. Trong vụ này, ông Đỗ Văn Xuân (55 tuổi) cùng vợ là bà Lê Thị Quận (50 tuổi, cùng ngụ ấp Long Thới, xã Long Thành Trung) là chủ tiệm vàng K'Tân Tiến ở chợ Long Hòa, huyện Hòa Thành khai khi về gần tới nhà thì bị cướp túi đựng vàng gồm 48 lượng vàng 18K, 3 lượng vàng 24K và 5,5 triệu đồng.

Không chỉ bị cướp mất tài sản, bản thân ông Xuân còn bị tên cướp manh động dùng gậy tầm vông bổ thẳng vào đầu kiểu đoạt mạng. Vụ cướp đầu tiên này do Huỳnh Văn Tiếm (còn gọi Tím, 54 tuổi, trú xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành), khơi mào và vạch kế hoạch cướp bằng súng K59 cùng gậy tầm vông với sự hỗ trợ đắc lực của đối tượng Trần Hữu Lộc (35 tuổi, ngụ phường Tân Kiểng, quận 7). Vụ này do bị té xe máy nên Kiệt không tham gia mà giới thiệu Lộc với Tiếm".

Một điều tra viên của Cục Cảnh sát Hình sự cho biết, sau phi vụ đầu được 3 tháng, Huỳnh Văn Tiếm tìm gặp Lê Anh Kiệt tại TP HCM bàn chuyện cướp tiệm vàng Phú Khìn ở chợ Tân Biên (huyện Tân Biên, Tây Ninh).

Thực hiện kế hoạch đã vạch ra, đêm 14/1/2001, đợi ông Khìn về tới nhà nhấn chuông, Tiến rồ ga chở Kiệt lận súng K59 lên nòng lao đến rồi dùng gậy sắt bổ vào đầu ông này cướp thùng vàng tẩu thoát, bên trong có 14 lượng vàng 24K, 63 lượng vàng 18K.

Vụ này vì bị anh Nguyễn Văn Tài (38 tuổi, hàng xóm của ông Khìn) trông thấy rồ xe máy rượt đuổi nên Kiệt rút súng bắn nhưng may mắn anh Tài không bị trúng đạn.

Sau phi vụ thứ 3 vào đêm 7/11 cướp của vợ chồng chủ tiệm vàng Thông Tâm ở huyện Củ Chi (TP HCM) (chủ tiệm vàng khai bị cướp 200 lượng vàng, 210.000 yên Nhật, 30 triệu đồng và 5.000 USD, vụ này ngoài Kiệt, Tiếm, Lộc còn có Phan Văn Tưởng, 40 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Tây Ninh tham gia), gần 2 năm sau (10-7-2003), Kiệt, Tiếm cùng một đàn em của Kiệt là Nguyễn Đức Công với thủ đoạn lận súng K59 lên nòng và bổ ống tuýp sắt đã cướp của vợ chồng chủ tiệm vàng Kim Lộc ở chợ Gò Đen (huyện Bến Lức, Long An) 60 lượng vàng….

"Vụ cướp cuối cùng của Lê Anh Kiệt và đồng bọn diễn ra vào ngày 10/7/2005 (gồm Kiệt, Tưởng, Nhãn và Tiếm). Nạn nhân của chúng là chủ tiệm vàng Từ Minh ở Vĩnh Long. Nạn nhân khai bị cướp 81 lượng vàng 24K, 47 lượng vàng 18K, 84 viên kim cương, 5.000 USD, 500 đôla Canada và 300 đôla Úc" - điều tra viên của Bộ Công an cho biết.

Trong 3 phi vụ cướp cuối cùng, băng cướp 1.000 lượng vàng đã nổ súng bắn 4 người và gây nên cái chết thảm cho chủ tiệm vàng Kim Thanh ở chợ Phạm Thế Hiển (quận 8) là ông Doãn Mỹ.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, trong quãng thời gian 5 năm “hô mưa gọi gió” (từ tháng 9/2000 đến 7/2005) và hơn 10 năm sau khi gây án (tính từ vụ đầu tiên), băng cướp do Lê Anh Kiệt cầm đầu gồm 8 tên nhưng sau còn 5 tên (chết do sốc ma túy, nhiễm HIV/AIDS) mới xộ khám.

Để bắt được chúng, hàng trăm chiến sĩ, điều tra viên tinh nhuệ được tung vào cuộc, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm và Ban chuyên án cho in đến 2.000 lá thư gửi các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý tại TP HCM và các tỉnh lân cận để tố giác tội phạm…

Vụ “băng cướp 1.000 lượng vàng”: Tướng cướp… bán rau
5 thành viên trong băng cướp lúc chờ xét xử (kẻ ngồi thứ 2 - từ trái sang là tướng cướp bán rau Lê Anh Kiệt).

Bất ngờ trước lời khai của hung thần…

Trong  3 ngày xét xử, băng cướp 1.000 cây vàng gồm 5 tên (Lê Anh Kiệt, Huỳnh Văn Tiếm, Nguyễn Văn Nhân, Phan Văn Tưởng và  Đặng Văn Phước). Các bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về các tội  Giết người, cướp tài sản, tàng trữ, sử dụng và mua bán trái phép vũ khí quân dụng, sau các công đoạn thẩm tra lý lịch bị can, đọc cáo trạng luận tội, giai đoạn xét hỏi được nhiều người mong đợi nhất và hẳn nhiên, phần xét hỏi tên tướng cướp Lê Anh Kiệt thu hút nhiều người quan tâm, lắng nghe nhất.

Không như dự đoán của nhiều người rằng tướng cướp Lê Anh Kiệt với bản chất xảo quyệt sẽ tìm cách đổ vấy một phần tội lỗi cho đồng bọn, Kiệt trả lời rõ ràng, rành rọt và chi tiết, không hề có thái độ quanh co, chối tội.

Từ trả lời của Kiệt trong quá trình xét hỏi, người ta mới vỡ lẽ sỡ dĩ băng cướp gây án hàng loạt nhưng trong một thời gian dài chúng không bị lọt lưới pháp luật bởi kẻ cầm đầu (Lê Anh Kiệt) quá ranh ma trong từng đường đi nước bước, từ thủ thuật gây án, cách thức chia vàng, phương cách hủy chứng cứ… đến chiêu thức ẩn thân siêu hạng: "Xong mỗi phi vụ, bị cáo chỉ đạo anh em phải ngủ đông dài hơi vì rút kinh nghiệm của nhiều anh em trước đó vì quá ham ăn, liên tục gây án và gây án trong cùng một địa bàn rất dễ bị lộ hành tung.

Ở phi vụ cuối cùng (tháng 7/2005), phải đến 5 năm sau bị cáo mới cho phép anh em "đánh quả" (10/2011) vì phần do hết tiền tiêu xài, phần vì nhận thấy khi ấy Bộ Công an dàn quân điều tra ráo riết quá, nếu manh động chắc chắc sẽ bị tó (bắt) ngay".

Về lý do "ăn hàng" ở nhiều địa phương, Lê Anh Kiệt khai nhằm mục đích đánh lừa Cơ quan điều tra: "Nếu chỉ tập trung tại một khu vực nhất định, công an sẽ khoanh vùng lần ra đầu mối ngay. Nên bị cáo chủ trương phải đánh trên địa bàn rộng để họ tưởng có nhiều băng nhóm. Bị cáo cũng chỉ đạo anh em ăn được hàng rồi phải đem khò (nấu chảy) và mang đi nơi khác bán, nhưng chỉ bán khi nào cần thiết và nhất nhất không được phô trương bởi công an họ tinh lắm, thấy đứa nào đang nghèo khổ bỗng dưng giàu lên nhanh chóng, ăn chơi thả giàn họ sẽ đưa vào tầm ngắm ngay".

Một phần những trả lời trên, Lê Anh Kiệt đã khai nhận tai Cơ quan điều tra sau khi bị bắt giam. Cũng từ lời khai của Kiệt, người ta mới rõ y rất kín kẽ trong việc tiêu tiền từ "thành quả" cướp được khi ngày phụ vợ đi bán rau ở quận 7, đêm đến hay những ngày cuối tuần thì y đi ăn chơi thả giàn.

Tòa hỏi vì sao cứ sau khi mua súng Kiệt hay cùng đồng bọn mang ra sông bóp cò, chẳng phải như nhiều người lầm tưởng việc bóp cò như thế nhằm mục đích thị uy băng nhóm và "luyện tài thiện xạ", Lê Anh Kiệt trả lời: "Dạ, bị cáo mang súng ra sông chỉ để bắn thử thôi".

- Vì sao các bị cáo đều biết sử dụng súng mà còn mang súng ra sông bắn thử?

- Dạ, với mục tiêu chính là chiếm đoạt vàng và phải chiếm cho bằng được, bị cáo chủ trương phải dùng súng. Bị cáo thừa nhận bị cáo có dã tâm cướp vàng nhưng không chủ đích hại người. Bị cáo không có chủ đích giết bất kỳ ai nhưng nếu có người cản trở, gây khó khăn thì bị cáo sẽ thực hiện việc nổ súng. Khi mua súng, bị cáo và các bị cáo khác thường mang ra sông bắn coi thử súng có an toàn không, có vận hành tốt không chứ không phải thử tay súng. Băng đạn có 14 viên nhưng bị cáo chỉ bắn thử 1 viên, nếu súng nổ tốt thì thôi.

Đề cập đến lý do vì sao bị cáo không tổ chức cướp tại các tiệm vàng mà chờ khi các nạn nhân về gần nhà hay sắp bước vô nhà mới cướp, Lê Anh Kiệt thú nhận: "Dạ, ở tiệm đông quá làm sao mà cướp được. Bị cáo chọn cướp lúc bị hại trên đường về hay về gần nhà bởi khi đó tâm lý ai cũng vậy, theo thói quen họ nghĩ về đến gần nhà là an toàn rồi nên hay hớ hênh, để lộ sơ hở và đó là lúc dễ ra tay nhất".

Sau phiên xét xử, Kiệt - Tiếm lê bước không nổi vì nỗi sợ án tử. 
Sau phiên xét xử, Kiệt - Tiếm lê bước không nổi vì nỗi sợ án tử. 

Theo lời khai của Lê Anh Kiệt, để tránh bị phát hiện hay để lại bất kỳ dấu vết nghi ngờ gì, khi tiến hành các phi vụ cướp vàng, Kiệt quán triệt tinh thần đàn em "phước cùng hưởng - nạn cùng chịu", nếu có sự cố như bị chống đối, cản trở thì phải đồng tâm hiệp lực, phải bằng mọi cách giải nguy cho đồng bọn để đảm bảo sự an toàn cho cả nhóm:

"Lúc nào đi đánh quả, bị cáo cũng mang theo súng và lên nòng sẵn sàng nhằm mục đích bắn chỉ thiên cho mọi người có ý định chống cự để họ sợ hãi và để mình dễ tẩu thoát hay giải vây cho đồng bọn. Và cũng nhằm nói với người truy đuổi nhóm bị cáo có vũ trang nếu còn đuổi sẽ thiệt mạng".

Lê Anh Kiệt khai trước khi ăn hàng, phải đích thân y đi điều nghiên vị trí, quy mô, quy luật hoạt động của hiệu vàng và chỉ cho phép đàn em "đánh quả" với nhiều tiêu chí nghiêm ngặt, tiệm vàng bị đưa vào tầm ngắm phải lắm vàng: "Bị cáo nghĩ đơn giản một điều, đã cướp thì cướp ít hay cướp nhiều, cướp nhỏ hay cướp lớn cũng phạm tội cướp nên bị cáo chỉ chờ vụ lớn, ăn một vụ cho đáng một vụ".

Kiệt cũng khai trong quá trình gây án, y rất hạn chế thu nạp "anh em mới", chỉ "trọng dụng" những người cũ vì ý thức được rằng càng có nhiều tay chân thì càng khó quản, hành tung sẽ dễ bị bại lộ…

Đó là diễn biến chính trong lời khai của tướng cướp Lê Anh Kiệt

Sau 3 ngày xét hỏi, tranh luận, chiều 23/5, HĐXX TAND tối cao tại TP HCM đã lần lượt tuyên án các thành viên trong băng cướp 1.000 lượng vàng do tướng cướp bán rau Lê Anh Kiệt cầm đầu. Bị cáo Đặng Văn Phước án 15 năm tù về tội cướp tài sản và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; Phan Văn Tưởng án chung thân cho các tội cướp tài sản, tàng trữ, sử dụng và mua bán trái phép vũ khí quân dụng.

Riêng các tên Lê Anh Kiệt, Huỳnh Văn Tiếm và Nguyễn Văn Nhãn bị tuyên án tử hình vì các tội giết người, cướp tài sản…

 

Theo N.Thành Dũng 
An ninh thế giới