Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn: Nguyên tắc suy đoán vô tội bị xem nhẹ
Sau phiên tòa xét xử 5 công an ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên dùng nhục hình dẫn đến chết người, dư luận càng bức xúc, vì sao những dấu hiệu ép cung, nhục hình khá rõ trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn chưa được các cơ quan chức năng khởi tố vụ án.
Ông Nguyễn Thanh Chấn ngày nhận quyết định tạm đình chỉ thi hành án.
Xoay quanh những câu hỏi về khả năng khởi tố vụ án, khi điều tra sẽ gặp những khó khăn gì…, phóng viên Báo Lao Động phỏng vấn nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao - TS Dương Thanh Biểu – người đã dũng cảm bảo vệ sự trong sáng của những nhân vật được dư luận đặc biệt quan tâm như ông Tạ Đình Đề và một Phó Giám đốc Công an tỉnh…
Ông Chấn bị buộc tội theo định kiến từ đầu
Khi còn là cán bộ kiểm sát trẻ, ông đã từng dám giữ quan điểm của mình để bảo vệ sự vô tội cho không ít người ở vị trí khá nhạy cảm (trong đó có ông Tạ Định Đề và một Phó Giám đốc Công an tỉnh…), ông lý giải như thế nào về những nguyên nhân khiến gây ra án oan thấu trời cho ông Nguyễn Thanh Chấn?
- Theo các nguồn thông tin đại chúng, nguyên nhân dẫn đến ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt giam, truy tố và xét xử oan có nhiều nhưng tôi cho rằng có những nguyên nhân cơ bản sau đây: Tôi đồng ý với một số dư luận cho rằng, các cơ quan và người tiến hành tố tụng ngay từ đầu đã định kiến ông Chấn phạm tội nên quá trình điều tra, truy tố và xét xử chỉ tập trung dùng các tài liệu để buộc tội, xem nhẹ nguyên tắc quan trọng trong tố tụng hình sự là nguyên tắc suy đoán vô tội.
Theo ông Chấn khai, trong quá trình điều tra, các cán bộ điều tra đã có hành vi bức cung, mớm cung, nhục hình, bắt ông Chấn phải nhận tội giết người. Nếu lời khai này là có căn cứ thì chứng tỏ, ngay từ đầu, cán bộ điều tra đã có định kiến Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người nên tìm mọi cách để hỏi cung theo hướng buộc tội ông Chấn. Trong lúc đó, nhiều chứng cứ, tài liệu (hiện trường, nhân chứng) có tính chất gỡ tội cho ông Chấn lại không được điều tra làm rõ. Ngoài ra, một số dư luận cho rằng, rất có thể do bệnh thành tích, muốn nhanh chóng kết thúc điều tra nên đã vội vàng kết luận ông Chấn phạm tội giết người.
Trong quá trình truy tố xét xử: Tại tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Chấn luôn khai không thực hiện hành vi giết người. Sở dĩ có lời khai nhận tội tại cơ quan điều tra là do bị ép cung, mớm cung, bức cung. Trong lúc đó chứng cứ buộc tội ông Chấn rất lỏng lẻo, thiếu logic, có sự mâu thuẫn về thời gian, về mô tả vật chứng, dấu vết, việc thực nghiệm hiện trường; hồ sơ vụ án có nhiều chứng cứ, tài liệu gỡ tội cho ông Chấn… Tuy nhiên, Hội đồng xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) cũng như Kiểm sát viên không kiên quyết yêu cầu điều tra làm rõ mà vẫn kết tội cho ông Chấn.
Qua đây càng thấy ý nghĩa quan trọng của Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh về nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao - TS Dương Thanh Biểu.
Lời khai bị nhục hình của ông Chấn là có căn cứ
Những dấu hiệu ép cung, mớm cung, nhục hình trong vụ án ông Chấn là khá rõ, vậy theo ông, cần những điều kiện gì để khởi tố vụ án nhằm điều tra vụ việc và cái khó trong vụ án này khi xem xét để khởi tố?
- Việc cho rằng bị ép cung, mớm cung, nhục hình dẫn đến Nguyễn Thanh Chấn bị bắt giam, truy tố và xét xử oan là căn cứ vào lời khai của ông Chấn. Dư luận tin rằng lời khai của Nguyễn Thanh Chấn là có căn cứ. Tuy nhiên, để kết luận có hành vi ép cung, mớm cung và nhục hình hay không cần phải tiến hành điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Đây là công việc vô cùng khó khăn, vì vụ việc đã xảy ra lâu, tài liệu vật chứng chưa được thu thập đầy đủ, đối tượng bị tình nghi lại là những người nguyên là cán bộ có kinh nghiệm trong các cơ quan tư pháp. Mặt khác, các hành vi bức cung, mớm cung thời gian qua không phải vì mục đích tiêu cực, tham nhũng, do đó cần chú ý tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện của việc làm sai phạm đó để có biện pháp xử lý thỏa đáng. Nghĩa là, khi xem xét, xử lý các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp cũng phải hết sức khách quan, toàn diện.
Dư luận hiện đang mong chờ các cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ hành vi bức cung, mớm cung đối với ông Chấn. Thiết nghĩ, quá trình điều tra, phát hiện những người có hành vi làm sai dẫn đến kết tội oan cho ông Chấn vừa phải bảo đảm tính nghiêm minh nhưng cũng vừa phải hết sức khách quan, thận trọng. Dư luận cũng đặt ra rằng, nếu vụ án này được điều tra khẩn trương và kết luận rõ ràng về hành vi phạm tội bức cung, mớm cung…sẽ làm tạo dư luận trong nhân dân tin tưởng và ủng hộ các cơ quan tư pháp.
Để khắc phục được án oan một cách căn bản, toàn diện, theo ông cần cải cách trong khâu tố tụng như thế nào?
Hiện tượng bức cung, mớm cung, nhục hình cũng thường xẩy ra ở các nước, kể cả các nước phát triển. Để khắc khắc phục hiện tượng này, pháp luật các nước tiên tiến đã có cách khắc phục là: Bất cứ bản cung nào đều phải có hai điều kiện mới được coi là bản cung hợp pháp. Thứ nhất, các bản cung phải có luật sư tham gia và thứ hai phải có băng ghi âm buổi hỏi cung đó. Thiết nghĩ, trong quá trình xây dựng Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện nay cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về vấn đề này như thế nào để bảo đảm việc điều tra phải được khách quan, toàn diện.
Được minh án oan đã khó, nhưng đến khi thỏa thuận bồi thường được tiến hành thường cũng rất chậm chạp, theo ông đâu là giải pháp để hạn chế những bật cập này?
Thực tiễn có những trường hợp, khi một người được cơ quan có thẩm quyền quyết định là bị oan nhưng việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan được tiến hành rất chậm chạp. Ví dụ, trong trường hợp ông Phạm Đức Bình ở Hà Nội, ngày 5.1.2001, Tòa phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội tuyên bố ông Bình không phạm tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” và “Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa” đồng thời Tòa cấp phúc thẩm cũng ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự đối với ông Bình. Nhưng hơn 14 năm sau Tòa án nhân dân Hà Nội mới tổ chức xin lỗi ông Bình. Tuy nhiên, việc giải quyết bồi thường cho ông Bình do bị xét xử oan, đến nay vẫn chưa được giải quyết. Dư luận hết sức bất bình về việc giải quyết chậm trễ này.
Để giải quyết vấn đề này, ở các nước tiên tiến, Tòa án các cấp hoàn toàn độc lập với nhau. Không có chuyện Tòa án cấp dưới thỉnh thị Tòa án cấp trên. Còn việc thương lượng bồi thường với người bị oan thì do một cơ quan khác (không phải là cơ quan tư pháp) đảm nhận. Với cách thức tổ chức bộ máy như thế này, việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan rất nhanh chóng và thuận lợi. Do đó, trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay ở nước ta cũng nên nghiên cứu tổ chức lại bộ máy tư pháp cho phù hợp, đảm bảo việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan thuận lợi, nhanh chóng hơn.
- Xin cảm ơn ông!