1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

Vụ án liên quan Công ty AIC: Truy trách nhiệm Sở Y tế Quảng Ninh

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Chủ tọa phiên tòa hỏi, với tư cách được UBND tỉnh Quảng Ninh giao làm chủ đầu tư, quản lý trực tiếp Ban Quản lý Dự án Bệnh viện Sản - Nhi, Sở Y tế thấy trách nhiệm của mình và khắc phục ra sao?

Sáng 24/10, ngày thứ 2 xét xử vụ án sai phạm đấu thầu xảy ra tại Dự án Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện xét hỏi các bị cáo.

Tại phiên tòa sáng nay, sau khi xét hỏi một số bị cáo từng công tác tại Sở Y tế, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, HĐXX yêu cầu đại diện bị hại lên trình bày quan điểm về giải quyết vụ án. 

Đại diện Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh trình bày, giai đoạn 1 và 2 của dự án, bệnh viện chỉ là đơn vị tiếp nhận các trang thiết bị của dự án. Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện vẫn đang quản lý và khai thác trang thiết bị này.

Vụ án liên quan Công ty AIC: Truy trách nhiệm Sở Y tế Quảng Ninh - 1

Quang cảnh phiên tòa sáng 24/10 (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Trong quá trình quản lý và sử dụng các trang thiết bị do các nhà thầu cung cấp, đến thời điểm này có gặp vấn đề gì không?", HĐXX hỏi đại diện Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh.

Đại diện Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh trả lời, các thiết bị cung cấp từ đầu dự án đến thời điểm này vẫn hoạt động bình thường, chưa xảy ra vấn đề trục trặc gì.

HĐXX cho biết, Sở Y tế Quảng Ninh với tư cách được UBND tỉnh Quảng Ninh giao làm chủ đầu tư dự án, biết rõ sai phạm của các bị cáo làm thất thoát ngân sách nhà nước. 

Do đó, HĐXX yêu cầu ông Trịnh Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, lên trình bày quan điểm giải quyết vụ án và trách nhiệm của chủ đầu tư.

Trình bày tại tòa, ông Mạnh bày tỏ, để xảy ra vụ án và đưa ra xét xử ngày hôm nay là "rất đau xót".

"Trách nhiệm của Sở Y tế được UBND tỉnh Quảng Ninh giao là chủ đầu tư, trực tiếp quản lý Ban Quản lý Dự án Bệnh viện Sản - Nhi là như thế nào, khắc phục ra sao?", HĐXX hỏi.

Ông Mạnh nói, trong quá trình điều tra, Sở Y tế Quảng Ninh đã rất tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra khi có yêu cầu, để đảm bảo làm sáng tỏ vụ án một cách khách quan, trung thực nhất.

Còn về trách nhiệm quản lý nhà nước, ông Mạnh nói sẽ do HĐXX và các cơ quan Trung ương phán quyết, xử lý.

Trong vụ án trên có 16 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó có 14 bị cáo bị xét xử về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; 2 bị cáo bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

2 bị cáo bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là Lương Văn Tám, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình y tế thuộc Sở Y tế Quảng Ninh và Lê Thị Phú, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuộc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh.

Tại phiên tòa sáng nay, 2 bị cáo Phú và Tám đều đồng tình với cáo buộc trong cáo trạng của VKSND Tối cao đối với tội danh của mình.

Bị cáo Phú khai đã đọc kỹ bản cáo trạng và nhận thấy mình đã thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

"Khi thẩm định giá, bị cáo không yêu cầu Sở Y tế cung cấp cho bị cáo báo cáo kiểm tra thẩm định chứng thư và khi thẩm định lại dùng báo cáo bản photo chứ không sử dụng bản chính. Từ đó dẫn đến việc kiểm soát thông tin chưa đảm bảo dẫn đến thiệt hại trong vụ án", bị cáo Phú trình bày.

Theo cáo trạng, bị cáo Phú được giao trực tiếp thẩm tra, thẩm định giá các gói thầu giai đoạn I, giai đoạn II của dự án. Bị cáo không yêu cầu đơn vị thẩm định giá cung cấp báo cáo kết quả thẩm định giá, các đơn vị cung cấp báo giá bản chính, chỉ sử dụng bản photo báo giá làm cơ sở xác định giá và đưa vào báo cáo thẩm định.

Do việc thiếu trách nhiệm trong công tác của bị cáo Phú đã dẫn đến việc xác định giá gói thầu không đúng giá trị thực tế, gây thiệt hại cho Nhà nước tại 6 gói thầu, với số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Sáng nay phiên tòa kết thúc phần xét hỏi. Chiều nay HĐXX chuyển sang phần tranh tụng.