1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Kiên Giang:

Vụ 70 giang hồ bảo kê đất ở Phú Quốc: Người hướng dẫn dùng súng khai gì?

Bảo Trân Mỹ Hân

(Dân trí) - Bùi Đức Ngọc nhận là người hướng dẫn các bị cáo khác sử dụng súng. Sau khi vụ án xảy ra, anh ta khai rất hoảng sợ, bỏ trốn, sau đó đầu thú.

Sáng 23/1, phiên tòa xét xử 70 giang hồ hỗn chiến khi bảo kê đất tranh chấp, khiến 2 người chết, 6 người bị thương, xảy ra ở Phú Quốc (Kiên Giang) bước sang ngày làm việc thứ 2, với phần xét hỏi các bị cáo giữ vai trò chính trong vụ án.

Theo cáo trạng, năm 2022, một trong những đối tượng cầm đầu vụ này là Nguyễn Văn Thái (tức Thái "Bus", 36 tuổi, ngụ TP Phú Quốc) được Phạm Anh Hiếu (34 tuổi, chuyên làm dịch vụ để được cấp giấy tờ đất ở Phú Quốc) "nhờ" bảo kê để đo vị trí mảnh đất 2,2ha đang tranh chấp tại khu vực ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc. 

Sau khi "chốt kèo làm đất 4 tỷ đồng", sáng 27/10/2022, Thái "Bus" huy động hơn 50 giang hồ đi trên nhiều ô tô, mang theo dao, mã tấu, 3 khẩu súng đến khu đất tranh chấp thì đụng độ nhóm của Khúc Văn Đoài (41 tuổi, người có máu mặt ở địa phương) cùng hơn 20 đàn em.

Vụ 70 giang hồ bảo kê đất ở Phú Quốc: Người hướng dẫn dùng súng khai gì? - 1

Phiên tòa 70 giang hồ bảo kê đất ở Phú Quốc bước sang ngày làm việc thứ 2, với phần xét hỏi (Ảnh: Mỹ Trân).

Hai nhóm giang hồ xảy ra cự cãi, xô xát nhau. Lúc này, Đoàn Thiên Long (36 tuổi, đàn em của nhóm Thái "Bus") cầm súng hoa cải bắn nhiều phát về nhóm đối phương.

Bị cáo khai "sợ đánh nhau"

Phạm Anh Hiếu (34 tuổi, người nhận làm dịch vụ đo đạc đất tranh chấp) bị truy tố tội Giết người, là bị cáo đầu tiên được HĐXX xét hỏi.

Bị cáo trình bày bản thân bị truy tố tội Giết người là rất nặng.

Vụ 70 giang hồ bảo kê đất ở Phú Quốc: Người hướng dẫn dùng súng khai gì? - 2

Bị cáo Phạm Anh Hiếu là người đầu tiên được xét hỏi (Ảnh: Mỹ Trân).

"Thực tế, bị cáo từng hết sức ngăn cản, không lường trước hậu quả. Hậu quả như hôm nay bị cáo cũng chịu một phần trách nhiệm. Ban đầu thấy súng, bị cáo đã muốn thay đổi phương án đi lấy đất. Bị cáo chỉ nhờ anh Thái (cầm đầu nhóm bảo kê) là người có tiếng nói - đứng ra nói chuyện đơn giản, chứ không nghĩ đến đánh nhau, hậu quả xảy ra", bị cáo Hiếu khai.

Bị cáo Hiếu cho rằng, bản thân rất sợ đánh nhau, sợ mang theo súng và hung khí. Khi ẩu đả xảy ra, Hiếu trốn vào ô tô chứ không tham gia.

"Do tâm lý hoảng sợ nên bị cáo trốn"

Bị cáo Bùi Đức Ngọc (32 tuổi) cùng bị truy tố tội Giết người và Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, là người thứ 2 được HĐXX xét hỏi. Trong phần trả lời, bị cáo nhiều lần ngập ngừng, không trả lời được các câu hỏi. HĐXX phải yêu cầu Ngọc giữ bình tĩnh, suy nghĩ và khai đúng sự thật.

Ngọc khai anh ta là người hướng dẫn các đồng phạm khác sử dụng súng.

"Bị cáo cầm súng lên bảo: "Đây là súng hoa cải, rất nguy hiểm". Sau đó, bị cáo đã hướng dẫn các bị cáo khác cách lên đạn, nạp đạn", Ngọc khai nhận.

Sau hướng dẫn của Ngọc, Đoàn Thiên Long (người dùng súng bắn 8 người thương vong trong vụ án) là người trực tiếp cầm và mang theo súng vào hiện trường.

Vụ 70 giang hồ bảo kê đất ở Phú Quốc: Người hướng dẫn dùng súng khai gì? - 3

Bị cáo Bùi Đức Ngọc tại tòa (Ảnh: Mỹ Hân).

Ngọc nhận khai là người rủ Đoàn Thiên Long tham gia vào vụ việc; đồng thời, cũng là người đầu tiên mà Long gọi báo tin sau khi nổ súng làm chết người.

"Lúc gần xảy ra đánh nhau, Long có gọi cho bị cáo kêu rút nhưng bị cáo khuyên Long ráng ở lại một tí để bảo vệ anh Thái (Thái "Bus", người cầm đầu huy động nhóm). Bị cáo mới gọi cho anh Trung "Cà Mau" (đàn anh của nhóm) xin rút quân về. Sau đó tầm 15 phút thì Long gọi cho bị cáo nói: "Anh ơi, em nổ súng mất rồi", bị cáo Ngọc kể.

HĐXX hỏi: Sau khi hay tin, bị cáo đã làm gì?

"Lúc đó bị cáo bị sốc, Long kể với bị cáo chuyện xảy ra trong đó. Do bên họ chặn xe, cãi nhau, ném đá, cầm đồ tới chém Long, Long mới nổ súng", Ngọc kể lại.

HĐXX hỏi: "Bị cáo có biết vì sao Long nổ súng không?"

Bị cáo Ngọc trả lời: "Dạ không, Long chỉ kể thôi".

Thuật lại quá trình hay tin vụ xô xát có sự tham gia của mình làm 2 người tử vong, Ngọc cho biết sau đó có nhờ "anh em" lo cho Long.

"Lúc biết tin chết 2 mạng người, tâm lý bị cáo không còn ổn định. Bị cáo đi xuống chùa ở Phú Quốc trốn vì biết hành vi của mình sai, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do tâm lý hoảng sợ nên bị cáo trốn, sau một ngày thì bị cáo ra đầu thú", Ngọc khai nhận.

Chiều nay (23/1), tòa tiếp tục diễn ra phần xét hỏi.

Liên quan đến vụ án, VKSND tỉnh Kiên Giang truy tố 50 bị cáo tội Giết người, 13 bị cáo tội Gây rối trật tự công cộng; 6 bị cáo tội Che dấu tội phạm; 1 bị cáo tội Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

Ngoài ra, 8 bị cáo bị truy tố tội liên quan Tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.