1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Viện Kiểm sát: Lá thư ông Nguyễn Bắc Son gửi vợ không phải thư tình!

(Dân trí) - Đối đáp với ý kiến của luật sư cho rằng cơ quan điều tra bưng bít thông tin, giấu lá thư ông Son gửi gia đình đề nghị khắc phục hậu quả, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, thư ông Son viết gửi vợ không phải thư tình mà là tài liệu, chứng cứ của vụ án.

Chiều 23/12, đại diện VKS bắt đầu đối đáp lại với phần bào chữa của các bị cáo cũng như các luật sư.

Viện Kiểm sát: Lá thư ông Nguyễn Bắc Son gửi vợ không phải thư tình! - 1
Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp tại tòa.

Theo đại diện VKS, do hậu quả vụ án trên 1.000 tỷ đồng nên việc truy tố các bị cáo về tội “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công” theo khoản 3, Điều 220 Bộ luật Hình sự là đúng, các ý kiến cho rằng chỉ cần truy tố theo khoản 1 Điều 220 không có cơ sở.

Đối với cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, theo đại diện VKS, tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận hành vi bị VKS truy tố theo tội danh ở Điều 220 và 354 là đúng, thừa nhận vai trò chỉ đạo xuyên suốt dự án, định hướng, chỉ đạo quyết liệt dự án.

Tuy nhiên, các luật sư của bị cáo Son cho rằng, VKS đánh giá vai trò của bị cáo Son chưa đúng, bị cáo không phải là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo quyết liệt và quá trình điều tra vi phạm tố tụng hình sự.

"Đề nghị luật sư nghiên cứu nội dung cáo trạng, nghe kỹ nội dung bản luận tội. Cáo trạng, luận tội chưa bao giờ quy kết bị cáo Nguyễn Bắc Son giữ vai trò chủ mưu cầm đầu mà chỉ đánh giá vai trò của bị cáo Son là người định hướng, chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt trong quá trình thực hiện dự án.

Sáng nay, VKS nhận được lá đơn thỉnh cầu của bị cáo Son, trong đó có nội dung, bị cáo đã nhận là người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo từ đầu đến cuối dự án. Bị cáo xin nhận trách nhiệm chính về việc đã xảy ra sai phạm này. Do đó, VKS không tranh luận thêm về vấn đề này" - đại diện VKS nói.

Thư ông Son gửi vợ là chứng cứ vụ án

Về việc luật sư cho rằng, cơ quan điều tra có hiện tượng bưng bít thông tin, sử dụng lá thư ông Son viết gửi vợ làm chứng cứ vụ án mà không chuyển cho gia đình ông, dẫn đến khó khăn cho bị cáo khắc phục hậu quả, đại diện VKS khẳng định:

“Bức thư bị cáo Nguyễn Bắc Son gửi vợ không phải thư tình mà là tài liệu, chứng cứ của vụ án, do vậy, phải được thu thập đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Riêng bị cáo Son có ý thức về việc nộp tiền khắc phục hậu quả nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền như cáo trạng đã nêu là đúng và đã được chứng minh qua các biện pháp tố tụng dưới sự kiểm sát của kiểm sát viên.”.

Theo đại diện VKS, ngày 14/3/2019, bị cáo Son viết bản tự khai về hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ. Sau đó, ông Son viết thư gửi vợ trong đó có nội dung thể hiện: “Anh đã khai báo với cơ quan điều tra về việc sau khi hợp đồng mua bán hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đã mang đến cho anh 3 triệu USD. Số tiền này anh đã gửi Huyền mang vào TPHCM giữ cho anh. Em thay anh báo cho Huyền sớm thu xếp tiền trả lại cho Nhà nước”.

Ngày 20/3, cơ quan điều tra đã mời bà Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái ông Son) đến làm việc. Tại biên bản đối chất giữa ông Son và con gái, bà Huyền thừa nhận việc đã xem lá thư ông Son gửi cho vợ về nguyện vọng khắc phục hậu quả số tiền 3 triệu USD.

Tại buổi làm việc tiếp sau đó, ông Son được gặp vợ, con trai và tiếp tục đề nghị gia đình khắc phục số tiền 3 triệu USD. Nội dung buổi gặp gỡ đã được thông báo cho bà Huyền để bà này nộp trả lại số tiền.

Tại buổi làm việc với cơ quan điều tra, bà Lê Thị Lý (vợ ông Son) nói bản thân có sổ tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng. Đây là tiền cá nhân của bà, không liên quan đến ông Son. Việc yêu cầu gia đình khắc phục hậu quả, gia đình không có khả năng thực hiện. Tiền tiết kiệm là để bà Lý thuê luật sư bào chữa cho chồng.

Ngoài ra, ông Son cũng đề nghị cơ quan chức năng kê biên lô đất đứng tên ông ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nhưng cơ quan điều tra và VKS thấy rằng khu đất đó do cha ông để lại nên không tiến hành kê biên.

Về ý kiến của luật sư Phạm Công Hùng bào chữa cho bị cáo Son cho rằng, biên bản hỏi cung bị can ngày 17/5/2019, điều tra viên không thực hiện việc hỏi và đáp mà có dấu hiệu tẩy xóa chữ viết của luật sư, đại diện VKS cho biết, qua kiểm tra thấy, biên bản ghi lời khai nêu trên được đánh số bút lục từ 87 đến 900 có trong hồ sơ vụ án và VKS đã photo bản cung này.

VKS thấy rằng, điều tra viên đều thực hiện lấy lời khai, có hỏi đáp đối với bị cáo và sự tham gia của kiểm sát viên, luật sư. Bị can Nguyễn Bắc Son đã tự ghi đã đọc lại biên bản và ghi đúng lời khai.

“Việc luật sư cho rằng, có sự tẩy xóa nhưng không có căn cứ để chứng minh. Bên cạnh, đó nội dung biên bản không ảnh hưởng đến nội dung bị cáo Son khai trong phần hỏi cung. Vì vậy, ý kiến của luật sư không có căn cứ.” - đại diện VKS khẳng định.

Hai Phó TGĐ MobiFone có vai trò rõ ràng

Theo đại diện VKS, tại tòa, tất cả bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, riêng ông Nguyễn Bắc Son và 2 cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone là Nguyễn Bảo Long và Nguyễn Đăng Nguyên thừa nhận tội danh nhưng không đồng tình với vai trò như cáo trạng quy kết.

Đối đáp với phần bào chữa của hai cựu Phó TGĐ, đại diện VKS cho rằng, căn cứ chức trách, nhiệm vụ của Phó TGĐ, các chứng cứ vật chất, lời khai và công đoạn bị cáo tham gia, VKS đã đánh giá, phân hóa vai trò, xem xét trách nhiệm, hoàn cảnh xảy ra phạm tội để đề xuất mức án tương ứng hành vi từng bị cáo.

Bị cáo Nguyễn Bảo Long với tư cách Phó TGĐ, Tổ trưởng Tổ đánh giá về kỹ thuật chịu trách nhiệm tham mưu cho TGĐ về việc lập dự án. Tuy nhiên, bị cáo đánh giá dựa trên tài liệu tham khảo internet, chỉ kiểm tra thực tế tại 3 trạm và kiến nghị cho MobiFone tiếp tục sử dụng 4 kênh tần số cấp thí điểm cho AVG. Báo cáo đánh giá kỹ thuật của ông Long là căn cứ để Ban TGĐ lập báo cáo, lập quyển dự án trình HĐTV.

Đối với cựu Phó TGĐ Nguyễn Đăng Nguyên, VKS cho rằng, ông Nguyên không tham gia các tổ đánh giá nhưng tham gia 3 cuộc họp triển khai dự án, thống nhất giá mua cổ phần, ký báo cáo và quyển dự án để HĐTV làm căn cứ báo cáo Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt dự án.

Từ đó, đại diện VKS khẳng định, hai bị cáo Nguyễn Bảo Long và Nguyễn Đăng Nguyên giữ vai trò rõ ràng chứ không phải mờ nhạt như ý kiến của luật sư.

Tiến Nguyên