Viện kiểm sát: Có căn cứ xác định Lê Tấn Hùng tham ô 13 tỷ đồng
(Dân trí) - Tại tòa, bị cáo Lê Tấn Hùng đề nghị hội đồng xem xét lại tội danh nhưng Viện kiểm sát cho rằng có căn cứ xác định bị cáo đã tham ô số tiền 13 tỷ đồng.
Ngày 15/12, phiên tòa xét xử bị cáo Trần Vĩnh Tuyến - cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cùng đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.
Liên quan tới vụ án, bị cáo Lê Tấn Hùng - cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) - bị xét xử về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
Hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Lê Tấn Hùng đã chỉ đạo nhân viên lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo này thừa nhận hành vi cáo buộc nhưng cho rằng mình không có động cơ vụ lợi, việc làm trên nhằm mục đích chia sẻ thành quả lao động tới người lao động trong tổng công ty. Từ đó, bị cáo Hùng đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét lại tội danh trên.
Với hành vi trên, bị cáo Hùng bị Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 14 -16 năm tù về tội tham ô tài sản. Cùng tội danh trên, các bị cáo từng là cấp dưới của Hùng bị đề nghị mức án từ 5 - 15 năm tù.
Trong phần tranh luận, luật sư và các bị cáo trong nhóm tội tham ô tài sản cho rằng Viện kiểm sát chưa xem xét từ nguyên nhân phạm tội, không có động cơ vụ lợi, rút tiền là ngoài ý muốn, hậu quả đã được khắc phục.
Về ý kiến trên, Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Hùng và đồng phạm đã ký khống 10 hợp đồng với nội dung đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm nhưng thực tế không có bất cứ chuyến đi nào, mặt khác số tiền 13 tỷ đồng đã bị thoát ly khỏi tài khoản của SAGRI.
Một số luật sư cho rằng trong vụ án này các bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền trên nên không còn hậu quả. Quan điểm này bị Viện kiểm sát bác bỏ. Cơ quan công tố cho rằng các bị cáo khắc phục hậu quả chứ không phải hậu quả chưa xảy ra.
Mặt khác, trong quá trình điều tra thu giữ được nhiều chứng cứ, chứng minh hành vi tham ô tài sản của các bị cáo. Từ đó, Viện kiểm sát khẳng định cáo trạng cáo buộc Lê Tấn Hùng và đồng phạm tham ô tài sản là có căn cứ.
Bên cạnh đó, Viện kiểm sát cho rằng trong vụ án này các bị cáo nhóm tội tham ô tài sản bị truy tố với khung hình phạt lên tới tử hình nhưng phần lớn được đề nghị mức hình phạt dưới khung, điều đó thể hiện cơ quan tố tụng đã xem xét hoàn cảnh phạm tội, hậu quả của vụ án.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến đề nghị xem xét lại phần thiệt hại trong vụ án. Đại diện Viện kiểm sát khẳng định số tiền thiệt hại trong vụ án là 672 tỷ đồng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu giám đốc Sở Xây dựng TPHCM) cho rằng cáo trạng áp dụng một số quy định pháp luật đã hết thời hiệu. Viện Kiểm sát cho rằng tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí diễn ra trong thời gian. Hành vi xảy ra tại thời điểm nào thì áp dụng quy định tại thời điểm đó, vì vậy, đại diện cơ quan công tố xác định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng.
Ngoài ra đối với hành vi của các bị cáo nguyên là lãnh đạo UBND TPHCM, cơ quan công tố xác định ông Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn đã có sai phạm trong việc ký quyết định chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng khu dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 cho tổng công ty Phong Phú.
Từ đó, Viện kiểm sát xác định hành vi của Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn cùng thuộc cấp đã phạm vào tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Đối với những bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội, cơ quan công tố không tranh luận và đề nghị HĐXX ghi nhận.