1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Vì sao cựu quan chức Hà Nội chưa bị đề nghị truy tố trong vụ Nhật Cường?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Thu Hường - nguyên GĐ, PGĐ và Chánh Văn phòng của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, cùng một số bị can khác là cán bộ đã bị khởi tố trong vụ án "Nhật Cường".

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) do bị can Bùi Quang Huy làm Tổng Giám đốc, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và một số đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cũng liên quan đến vụ án trên, trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an còn khởi tố nhiều bị can khác để điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị có liên quan.

Các bị can bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: ông Nguyễn Văn Tứ - Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội; ông Nguyễn Tiến Học - nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội; bà Phạm Thị Thu Hường - Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội; bà Phạm Thị Kim Tuyến - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội.

Ngoài ra, ông Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn là Chủ tịch và Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đông Kinh cũng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong vụ án này, ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy bị khởi tố 4 tội danh, gồm: "Buôn lậu", "Rửa tiền" (Bùi Quang Huy là bị can duy nhất bị khởi tố tội Rửa tiền); "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng"; "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Vì sao cựu quan chức Hà Nội chưa bị đề nghị truy tố trong vụ Nhật Cường? - 1

Bị can Bùi Quang Huy (ảnh to). Từ trên xuống dưới, từ trái qua phải gồm các bị can: Nguyễn Tiến Học, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội; Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội; Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và bị can Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, kết thúc điều tra vụ án, do Bùi Quang Huy bỏ trốn, chưa bắt được nên Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can để sau khi bắt được sẽ điều tra, xử lý sau.

Theo kết luận điều tra, ngày 7/1/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định tách vụ án hình sự số 01/CSKT-P9 tách vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để điều tra, xử lý sau. Do đó, các bị can bị khởi tố về tội danh này chưa bị đề nghị truy tố.

Kết luận điều tra xác định, từ năm 2014 đến ngày 9/5/2019, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã nhập lậu 255.311 sản phẩm (điện thoại di động iPhone các loại, máy tính bảng, máy tính, máy nghe nhạc…), tổng trị giá gần 3.000 tỷ đồng từ các chủ hàng nước ngoài, hưởng lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng.

Hàng lậu được Bùi Quang Huy thuê 9 đường dây vận chuyển từ Hồng Kông về Việt Nam bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài, đường biển qua Cảng Hải Phòng, đường bộ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại các tỉnh Lạng Sơn và TP Móng Cái (Quảng Ninh).

Ngoài ra, về hành vi của tội "Rửa tiền", kết luận điều tra cho biết: Từ tháng 6/2012, Bùi Quang Huy thành lập bộ phần mềm thuộc Công ty Nhật Cường, giao cho Võ Minh Hiếu làm trưởng bộ phận. Ngày 29/1/2016, Bùi Quang Huy thành lập Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Công ty Nhật Cường Software), giao cho Võ Minh Hiếu làm giám đốc, đại diện pháp luật. Bộ phận phần mềm Công ty Nhật Cường và Công ty Nhật Cường Software sử dụng nguồn tiền từ các hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường để xây dựng một số phần mềm công nghệ thông tin nhằm mục đích bán cho các đơn vị, tổ chức kinh tế sử dụng. 

"Hành vi sử dụng tiền có được từ hoạt động buôn lậu sang đầu tư, kinh doanh hợp pháp (viết phần mềm để bán, đầu tư thành lập Công ty Nhật Cường Quảng Châu, mua tài sản cá nhân là ô tô, nhà ở...) nhằm biến nguồn tiền bất hợp pháp có từ buôn lậu sang dòng tiền hợp pháp có dấu hiệu tội rửa tiền", kết luận điều tra viết.

Trong số 15 bị can, Nguyễn Thị Bích Hằng - Kế toán trưởng Nhật Cường và Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc tài chính Nhật Cường bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Nguyễn Bảo Ngọc và 13 người còn lại bị đề nghị truy tố thêm về tội "Buôn lậu" gồm Trần Ngọc Ánh - Phó Tổng Giám đốc Nhật Cường; Đỗ Quốc Huy - Giám đốc bán hàng Nhật Cường; Nông Văn Lư - nhân viên Nhật Cường; Nguyễn Bảo Trung - lao động tự do; Trần Tất Khoa - Giám đốc Công ty Nhật Cường Quảng Châu; Lê Hoài Phương - nhân viên Nhật Cường Quảng Châu; Ngô Đức Tùng - lao động tự do; Ngô Tuấn Sửu - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Thanh Sơn; Hoàng Văn Phong - Trưởng ngành hàng Apple Nhật Cường; Mai Tiến Dũng - trưởng ngành điện thoại cũ Nhật Cường; Phạm Văn Hiệp - lao động tự do; Bùi Quốc Việt - nhân viên Nhật Cường; Đỗ Văn Dũng - lao động tự do.