1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ hàng loạt cán bộ gây thất thoát hàng chục tỷ đồng tại Hà Tĩnh:

Vì sao Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB chưa bị khởi tố?

(Dân trí) - Là người chịu trách nhiệm chính trong vụ hàng loạt cán bộ cố ý làm trái, gây thất thoát hàng chục tỷ đồng, nhưng vì sao ông Nguyễn Văn Bổng, nguyên Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, nguyên Chủ tịch huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chưa bị khởi tố?

“Xâu xé” đất công

Theo tìm hiểu của PV, sai phạm, tiêu cực của Hội đồng bồi thường, Giải phóng mặt bằng (HĐBT-GPMB) huyện Kỳ Anh trong việc chi trả tiền cho người dân, chính quyền các xã bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng Khu công nghiệp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương  do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) làm chủ đầu tư đã được người dân thôn Tân Long, xã Kỳ Long, huyện Kỳ Anh phát giác, tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng từ trước năm 2010.

Theo đó, tại thời điểm năm 2008- 2009, cán bộ xã này đã câu kết với cán bộ Hội đồng BT-GPMB huyện Kỳ Anh lập hồ sơ khống, biến 61,4 ha đất ao hồ, đất tự nhiên, đất chưa sử dụng trên địa bàn xã Kỳ Long thành đất được bồi thường theo quyết định ban hành của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

"Mánh khóe" mà Hội đồng BT-GPMB huyện Kỳ Anh và cán bộ xã Kỳ Long “biến tấu” 61,4ha đất công thành đất có chủ sở hữu rút khống tiền nhà nước là lập 459 biên bản kiểm kê các chủ sử dụng, trong đó 421 biên bản thuộc về hộ dân với tổng diện tích là 50,52 ha , số còn lại do 38 cán bộ xã đứng tên sở hữu.

Theo hồ sơ khống mà Hội đồng BT-GPMB huyện Kỳ Anh lập ra, tổng số tiền nhà nước phải chi trả cho 459 hộ gia đình nói trên là 21,7 tỷ. Sai phạm của Hội đồng BT-GPMB huyện Kỳ Anh và cán bộ xã Kỳ Long đã lần lượt “chui” qua các cơ quan thẩm định, trước khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận.

Số tiền này sau đó đã được Hội đồng BT-GPMB huyện Kỳ Anh chi trả cho 459 hộ gia đình, bao gồm cả 38 cán bộ xã Kỳ Long đứng tên. Sự việc không dừng lại ở đó, khi người dân phát hiện, tất cả các hộ nhận tiền phải nộp lại 50% cho chính quyền xã Kỳ Long, và hàng chục cán bộ không có đất vẫn được nhận tiền. Tổng số tiền các hộ dân phải nộp lại cho chính quyền xã Kỳ Long là 12,1 tỷ đồng.

Sai phạm này của Hội đồng BT-GPMB huyện Kỳ Anh đã bị phát giác. Ngày 27/01/2010, ông Trần Bá Song, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh đã ký Quyết định số 159/QĐUB nêu rõ sai phạm trên của Hội đồng BT-GPMB huyện.

Nội dung công văn khẳng định, việc Hội đồng BT-GPMB huyện Kỳ Anh không lập phương án tính mức hỗ trợ theo quy định của Nhà nước đối với đất khai hoang do UBND xã quản lý mà lại bồi thường 100%  giá trị đất thu hồi để trích lại cho UBND xã Kỳ Long với số tiền 12, 1 tỷ đồng là vi phạm  Luật ngân sách; một số cán bộ không có đất hoang nhưng lại nhận số tiền hơn 4 tỷ đồng là quá lớn.

Trong công văn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh giao Hội đồng GPMB huyện kiểm tra, rà soát và thu hồi kinh phí sai phạm, nộp vào tài khoản Hội đồng bồi thường GPMB của dự án. Tuy nhiên, chỉ đạo trên của ông Song đã không được thực thi. Vụ việc càng kéo dài khi vị chủ tịch huyện này được điều chuyển lên giữ chức Phó BQL Khu kinh tế Vũng Áng.

Trước những sai phạm nêu trên, từ giữa năm 2014, cơ quan CSĐT Tội phạm kinh tế và Chức vụ (PC 46) Công an tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc điều tra làm rõ. Sau đó, CQĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố hình sự vụ án cố ý làm trái, làm thất thoát 21,7 tỷ đồng để tiếp điều tra làm rõ.

Quá trình mở rộng vụ án, khai báo của các đối tượng liên quan, Phòng  PC 46 Công an Hà Tĩnh đã làm rõ thêm diện tích đất bị khai khống từ đất công sang đất tư lên đến 80ha, số tiền chi sai nguyên tắc khiến nhà nước thất thoát từ 21,7 lên đến hơn 30 tỷ đồng.

4bican-de576

4 cán bộ "biến tấu" hàng chục ha đất công thành đất được đền bù tại xã Kỳ Long vừa bị cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh bắt giữ hôm 11/8 (ảnh: Hà Tĩnh TV)

Trước những sai phạm nêu trên, sáng ngày 11/8, cơ quan CSĐT Tội phạm kinh tế và Chức vụ (PC 46) Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Anh Đức - cán bộ hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư thị xã Kỳ Anh; Nguyễn Huy Tường, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Kỳ Anh, cán bộ ban chuyên trách xử lý các vấn đề tồn đọng tại thị xã Kỳ Anh (ban 1748);  Lê Hữu Diện, Chủ tịch và Lê Quang Hà, Phó chủ tịch UBND phường Kỳ Long.

Chưa bị bắt vì còn liên quan đến nhiều sai phạm khác?

Khi thông tin về vụ bắt giữ số cán bộ cố ý làm trái quy định của nhà nước, gây thất thoát một số tiền rất lớn nói trên được báo chí đưa tin, dư luận địa phương đã đặt câu hỏi, vì sao ông Nguyễn Văn Bổng, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng BT-GPMB huyện Kỳ Anh (cũ), là người chịu trách nhiệm chính chưa bị khởi tố, bắt tạm giam như số cán bộ nói trên?

ong-bong-1cd57
Ông Nguyễn Văn Bổng, nguyên Chủ tịch HĐBT-GPMB huyện Kỳ Anh, người được cho là chịu trách nhiệm chính cho việc cố ý làm trái, làm thất thoát 30 tỷ đồng của nhà nước vẫn chưa bị khởi tố.

"Việc CQĐT chưa khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Bổng là do vị cán bộ này (hiện giữ chức Phó trưởng Đoàn Chỉ đạo, kiêm Trưởng Ban Chuyên trách giải quyết tồn đọng tại thị xã Kỳ Anh, ban 1748- PV) thuộc diện cán bộ quản lý của tỉnh, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, xin ý kiến chỉ đạo" - Đại tá An nói.

Cũng câu hỏi trên, một ý kiến khác từ CQĐT Công an Hà Tĩnh (xin được dấu tên) cho hay, việc ông Bổng chưa bị khởi tố là do vị cán bộ này còn trực tiếp hoặc liên đới trách nhiêm đến một loạt các sai phạm, tiêu cực khác trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, bao gồm quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, ký hợp đồng sai nguyên tắc đối với hàng trăm giáo viên… Việc điều tra làm rõ các sai phạm, cũng như xử lý hậu quả các sai phạm nói trên không thể thiếu sự hợp tác của vị cán bộ này.

Văn Dũng – Cường Nguyễn

Vì sao Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB chưa bị khởi tố? - 4