Vào căn buồng “hạnh phúc” trong trại giam
Chuyện đi tù, nhưng vẫn được ngủ với vợ “đều đều” chẳng phải là chuyện gì mới mẻ. Thế nhưng để có được “ân huệ” ấy, đòi hỏi phạm nhân phải nỗ lực cải tạo không ngừng và một lòng hướng thiện.
Một lần “trót dại”…
Trong số những phạm nhân mà chúng tôi gặp ở Trại giam Hồng Ca lần này, Phạm Minh Sơn (SN 1968), đến từ phường Tân Phong, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu quả là một phạm nhân cực kỳ “may mắn”. Ngày 19-12- 2008, Sơn bị TAND tỉnh Lai Châu kết án 15 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Cùng phải nhận những hình phạt đích đáng hơn trong vụ án với Sơn còn có Bùi Sĩ Tiến, Lò Văn Nghiên (cùng trú ở Điện Biên), hiện đang phải chấp hành 17 năm và 16 năm tù ở những trại giam khác.
Được cán bộ trại giam “cử” ra gặp chúng tôi, Phạm Minh Sơn không cần phải có người dẫn giải. Hiện, ông chủ vật liệu xây dựng ở một mỏ than Lai Châu thuở nào đã được đi lại, cải tạo khá thoải mái trong khuôn viên trại. Sơn có “tướng hộ pháp”, nhưng khuôn mặt thì khá hiền lành, chân chất. Những ngày tháng bôn ba trước đây cộng thêm gần 4 năm ở tù khiến anh ta có vẻ bề ngoài, cử chỉ điềm tĩnh hơn hẳn những phạm nhân khác. Có thể nói, con đường đưa đẩy Sơn từ một công dân tự do ở Lai Châu đến trại tù tại Yên Bái này xem ra có vẻ rất “hoang đường”… Năm 2008, công việc kinh doanh vật liệu xây dựng tại khu vực một mỏ than “thổ phỉ” ở Lai Châu của Sơn khá phát đạt. Nhờ các mối quan hệ làm ăn này, Sơn có thêm rất nhiều bạn. Trong số ấy, có Lý Thị Hương là vợ của một người cùng làm ăn với Sơn. Biết ông chủ vật liệu xây dựng đi lại nhiều, quan hệ rộng nên tháng 4 năm đó, người phụ nữ này nhờ Sơn hỏi mua hộ 1 bánh heroin. Nể vợ bạn, lại chắc mẩm sau phi vụ, kiểu gì cũng có được vài đồng “lót tay” nên Sơn không nỡ chối từ.
Ngay sau đó, Sơn liên lạc với Bùi Sĩ Tiến ở xã Sam Mứn, TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên “đặt hàng”. Trưa 3-4-2008, Hương dẫn theo người đàn ông tên Thanh (quê Nam Định) đến chỗ Sơn giới thiệu chính anh này đang cần mua “hàng trắng”. Được Sơn thông báo cho biết “căn cước” của đối tác, ngay hôm sau, Tiến rủ Nghiên mang theo kiếm áp tải “hàng” xuống Lai Châu. Sau khi được Sơn “khớp nối” cho hai bên gặp nhau, thống nhất giá cả và địa điểm giao hàng, 3h ngày 5-4-2008, Tiến và Nghiên đánh ô tô đến một nhà nghỉ ở TP Lai Châu để giao dịch thì bị công an ập vào bắt quả tang. Ngay sau khi đầu nậu buôn “hàng trắng” bị tóm, Sơn hốt hoảng ra đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.
Quan trọng là sám hối
Nói về gia cảnh của mình, Sơn bảo nhà có 4 anh chị em thì chỉ có anh ta là “vất vưởng” nhất vì không chịu học hành đến nơi, đến chốn. Các anh chị em của Sơn thì đều phương trưởng cả và hiện đang công tác tại các cơ quan Nhà nước ở Lai Châu. Cách đây 19 năm, Sơn lấy vợ. Vợ Sơn quê tận Thanh Hóa tình nguyện lên vùng cao làm cô giáo tiểu học. Nhắc đến vợ con, gương mặt ông chủ vật liệu xây dựng thuở nào bỗng “giãn” hẳn ra. “Cô ấy vừa xinh đẹp vừa nết na và hết mức yêu thương chồng con” - Sơn khen vợ mà thầm gửi gắm nỗi niềm biết ơn.
Trong lòng Sơn, ở tù anh ta khổ một thì người vợ ở nhà khổ mười. Ngay sau khi Sơn “dính” án ma túy, xóm giềng, đồng nghiệp gần như “tẩy chay” vợ anh ta. Vợ Sơn bị suy sụp trong một thời gian dài, cho đến tận sau này chồng đến thụ án ở Trại Hồng Ca, những lá thư chị gửi Sơn vẫn thấm đẫm nước mắt. Thế nhưng nhờ sự kiên cường, sự tận tụy trong công tác và nhất là một lòng yêu thương chồng con nên cô giáo tiểu học gốc Thanh Hóa dần lấy lại được thăng bằng cũng như sự tin yêu của mọi người. Sau ít ngày phải học tập pháp luật, nội quy, quy chế, giáo dục công dân, Sơn được “biên chế” về Đội 12, K1 của trại. Công việc hàng ngày của Sơn cùng 44 phạm nhân khác trong đội là đảm bảo cơm nước, hậu cần cho gần 2000 phạm nhân toàn trại. Dù những ngày ở nhà chẳng khi nào Sơn chịu vào bếp nấu cho vợ con nồi cơm, bát canh, song ở trại Sơn lại tỏ ra rất “đảm đang”. Nhận thấy Sơn có tố chất “bếp trưởng” nên tháng 9-2009, anh ta được Ban giám thị trại “cất nhắc” lên chức Đội trưởng Đội hậu cần phạm nhân.
Một lòng sám hối, Sơn luôn “giành” những việc khó, việc khổ về mình. Những lúc rảnh rỗi, anh ta còn không ngừng động viên, an ủi các phạm nhân khác, nhất là những phạm nhân phải thụ án dài. Chiều 22-6-2010, Sơn đang “đánh vật” với mấy thùng bột mì, chuẩn bị làm bánh cho bữa sáng hôm sau của các phạm nhân thì bất ngờ nhận được thông báo từ ngoài cổng vào “có vợ đến thăm”. Sơn chạy như bay tới nhà thăm gặp để ôm chầm lấy vợ. Nhưng niềm vui đâu đã dừng ở đó, Sơn tiếp tục nhận thêm thông tin anh ta được Ban giám thị cho phép “sở hữu” căn buồng hạnh phúc với vợ trong vòng 24 giờ.
Nhớ lại cái cảm xúc ấy, Sơn hồ hởi: “Thật không có gì vui sướng bằng. Lúc ấy cả tôi và vợ đều ôm nhau khóc rưng rức, nhưng đó là những giọt nước mắt đong đầy hành phúc, tủi hờn”! Sơn bảo những phạm nhân được hưởng như anh ta trong thời gian qua chẳng mấy. Bởi để được Ban giám thị trại chấp thuận nguyện vọng này, ngoài việc cải tạo, phấn đấu thật tốt thì còn phải trải qua rất nhiều khâu xét duyệt. Và quan trọng nhất là phạm nhân ấy phải gây dựng được niềm tin với cán bộ, chiến sĩ ở trại. Vì rằng trong khoảng thời gian “hạnh phúc” kia, mấy ai dám chắc phạm nhân không có những hành động gây nguy hại tới công tác quản lý giáo dục ở trại, thậm chí là “đào tẩu”.
Cũng theo lời Sơn, ngày 21-7 vừa qua, anh ta lại thêm một lần nữa được ở bên vợ trong vòng 24 giờ. Với Sơn hay bất kỳ một phạm nhân nào khác khoảng thời gian ngắn ngủi ấy thật vô cùng quý giá. Nó không chỉ giúp một mảnh đời lầm lạc có được cảm giác yêu thương, tha thứ, đợi chờ từ phía gia đình, cộng đồng và tính nhân văn, nhân đạo của chế độ mà hơn thế nó còn là cái để mỗi phạm nhân ngẫm ngợi về cuộc sống tự do. Trước khi trở lại với cái “xó bếp” của mình, Sơn đã mạnh dạn bày tỏ chiêm nghiệm với chúng tôi: “Ở đời có mấy ai không mắc phải lỗi lầm. Điều quan trọng là phải biết sám hối và sám hối sẽ chẳng bao giờ là muộn cả”!