1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vạ lây đi tù vì “cả nể”?

Trên đường, một số vị khách đã cùng nhau “đập đá” trên xe ô tô. Giữa đêm trên đường, lái xe không còn cách lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục hành trình. Liệu có oan ức khi người lái xe phải chịu án tù về tội “chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy”…

Vạ lây đi tù vì “cả nể”?
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tối 8/8/2011, Đinh Phương Toản cùng một số bạn gồm: Trần Hữu Toàn, Đỗ Đức Hiền, Đặng Văn Vinh, Nguyễn Đức Thịnh và Đặng Văn Hải (đều trú tại xã Quảng Thanh, Thủy Nguyên, Hải Phòng) rủ nhau đi Đồ Sơn chơi bằng xe ô tô 7 chỗ, nhãn hiệu Innova. Chiếc xe này Toàn thuê của Đặng Văn Minh (cả xe và lái).

Trên đường đi, Toản đã lấy 2 gói ma túy cùng tẩu, ống hút, vỏ chai Lavie rồi “đập đá” (sử dụng ma túy) ngay trên xe ô tô (hàng ghế sau). Dùng xong, Toàn bảo “ai thích thì chơi" nên Hiển, Vinh, Thịnh, Hải lần lượt sử dụng ma túy. Riêng Toàn và Minh (lái xe) không sử dụng.

Đến rạng sáng hôm sau, Minh lái xe ô tô về đến khu vực Đồn Riêng (phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh) thì bị Tổ tuần tra Công an quận Dương Kinh kiểm tra xe và bắt giữ các đồ vật liên quan. Sau đó, Toản bị điều tra, truy tố về tội “Sử dụng trái phép chất ma túy" (Điều 197 Bộ luật Hình sự), còn Minh bị điều tra, truy tố về tội “Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy" (Điều 198 Bộ luật Hình sự).

Vụ án được TAND quận Dương Kinh xét xử vào ngày 21/2/2012 và tuyên phạt Toản 8 năm tù, Minh 7 năm 6 tháng tù cùng hình phạt bổ sung là 50 triệu đồng cho mỗi bị cáo.

Tại phiên tòa này, Toản khai: “Khi xe đến Trịnh Xá thì bị cáo bỏ ma túy ra sử dụng và không nói với ai ở bên cạnh. Minh biết hay không thì bị cáo không biết. Sử dụng xong thì bị cáo nói “Ai thích sử dụng thì chơi”. Trong khi đó, Minh khai: “Toàn bảo thuê xe ra Đồ Sơn chơi. Không thỏa thuận giá cả mà về đưa bao nhiêu thì đưa”.

Như vậy, có thể khẳng định việc các đối tượng sử dụng ma túy trên xe ô tô đã không có sự đồng ý từ trước của lái xe Minh. Trước khi khởi hành, Minh không thể biết trước việc Toản mang ma túy cùng tẩu, ống hút lên xe của mình để sử dụng ngay trên đường đi.

Lý giải về việc không can ngăn khách sử dụng ma túy trên xe, Minh khai tại Cơ quan điều tra:“Khi tôi quay xuống dưới xin thuốc thì biết các đối tượng sử dụng ma túy… Tại thời điểm tôi biết thì họ cũng sử dụng rồi. Bản thân tôi cũng do quan hệ bạn bè nên cả nể, không can ngăn. Tôi cũng nghĩ rằng thần kinh của người đã sử dụng ma túy không được ổn định nên tôi lo sợ khi can ngăn thì họ sẽ có những biểu hiện hoặc hành vi khác thường đối với tôi”.

Tuy biện minh cho hành vi của mình là “cả nể” và “lo sợ” nhưng Minh vẫn bị Tòa sơ thẩm quy kết là “không can ngăn, để mặc cho Toản sử dụng và những người khác cùng sử dụng ma túy với Toản” rồi bị kết tội với tình tiết định khung là “đối với nhiều người”.

Theo quy định tại Thông tư 17/2007/TTLB- BCA- VKSNDTC- TANDTC- BTP thì việc “để mặc” sử dụng trái phép chất ma túy chỉ cấu thành tội phạm khi có hai lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên, hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy. Ở vụ án này, tình tiết “đối với nhiều người” đã là tình tiết để Tòa định tội nhưng không hiểu sao vẫn được dùng làm tình tiết định khung tăng nặng?.

Liên quan đến quy định này, cần phải làm rõ Minh đã “để mặc” cho mấy người sử dụng ma túy vì khi Minh phát hiện vụ việc thì đã xảy ra việc sử dụng ma túy được một lúc rồi. Vả lại, lúc này nếu bảo Minh phải “ngăn cản” thì sẽ ngăn cản như thế nào?. Minh có điều kiện để ngăn cản hay không?. Chẳng lẽ phải bỏ xe lại giữa đường hay đuổi các đối tượng xuống xe để rồi có nguy cơ phải lĩnh các hậu quả khó lường về tính mạng, sức khỏe?.

Luật sư Tô Năng Như (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Quảng Ninh) có quan điểm: Khi Minh phát hiện ra việc có người sử dụng ma tuý trên xe ô tô thì sự việc “đã rồi” nên có thể hiểu Minh đã sơ hở nên bị các đối tượng lợi dụng. Hành vi này là vi phạm hành chính.

Theo Khoa Lâm

Pháp luật Việt Nam