Tỷ lệ bắt giữ các “chủ đầu nậu về ma túy” còn rất hạn chế
(Dân trí) - Hoạt động kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn ma túy thẩm lậu qua biên giới, đường biển, đường hàng không vào Việt Nam tuy đã được nâng lên nhưng chưa tương xứng với thực trạng tình hình.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy của Bộ Công an gửi tới Bộ Tư pháp, các Bộ đã chỉ đạo lực lượng chuyên trách tăng cường nắm tình hình, tổ chức đấu tranh mạnh mẽ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, tập trung vào tuyến Tây Bắc, Bắc miền Trung và Tây Nam, các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM...). Qua đó, nhiều tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ, thu giữ lượng ma túy lớn.
Công an các tỉnh, thành phố cũng đã mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy, tổ chức triệt xóa các điểm, tụ điểm ma túy phức tạp.
Tuy nhiên, một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy của lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển.
Hiệu quả hoạt động kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn ma túy thẩm lậu qua biên giới, đường biển, đường hàng không vào Việt Nam tuy đã được nâng lên nhưng chưa tương xứng với thực trạng tình hình. Đặc biệt, có nhiều loại ma túy mới thâm nhập và sử dụng nhưng pháp luật chưa quy định nên gây khó khăn trong công tác xử lý.
“Tỷ lệ bắt giữ các đối tượng cầm đầu (chủ đầu nậu về ma túy) còn rất hạn chế. Nhiều đối tượng phạm tội trốn truy nã qua biên giới chưa bắt được”- báo cáo cho hay.
Bên cạnh đó, công tác nắm, quản lý địa bàn, đối tượng hoạt động về ma túy còn hạn chế, tỷ lệ phát hiện và triệt xóa các cơ sở sản xuất, chiết xuất, tiêu thụ ma túy (nhất là địa bàn nội địa) thấp. Nhiều điểm nóng (địa bàn trung chuyển ma túy) về ma túy như: Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La; Hang Kia-Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình; Lương Phong, Hiệp Hòa và Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang đến nay đã được giải quyết nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.
Việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng đấu tranh chống tội phạm ma túy của các tỉnh giáp biên với lực lượng của các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc còn nhiều bất cập.
Bộ Công an đánh giá một bộ phận cán bộ, chiến sỹ, công chức nhận thức về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy chưa đầy đủ và chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Cán bộ chuyên trách phòng, chống ma túy một số đơn vị còn yếu về kỹ năng quản lý, kỹ năng nghiệp vụ thu thập xử lý thông tin, phát hiện, điều tra xác minh các đối tượng có nghi vấn.
Trong khi tỷ lệ phát hiện bắt giữ các vụ án ma túy trên biển và qua kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, phương tiện ở địa bàn trọng điểm còn thấp. Lượng ma túy nhập lậu vào nước ta vẫn còn nhiều, khả năng ngăn chặn, kiềm chế tội phạm về ma túy từ tuyến đầu chưa thực sự vững chắc…
Vì thế, Bộ Công an đề xuất được chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và các bộ có liên quan nghiên cứu xây dựng dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) bảo đảm chất lượng. Trong đó sẽ điều chỉnh về trách nhiệm phòng, chống ma túy; công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác cai nghiện ma túy và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này…
Tình hình người nghiện ma túy ngày càng phức tạp
Theo thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2018, cả nước có tổng số 365.293 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong số này có 56.122 người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật, phạm tội…
Tình hình người nghiện ngày càng diễn biến phức tạp. Năm 2009 số người nghiện có hồ sơ quản lý cả nước là 146.731 người, đến năm 2018 số người nghiện cả nước đã là 225.099 người.
Công an các địa phương đã chủ động tiến hành điều tra, nắm tình hình người nghiện và phối hợp với các lực lượng có liên quan lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, mở hồ sơ quản lý người sử dụng ma túy, từ đó đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều kế hoạch, đề án trong quản lý người nghiện ở địa bàn cư trú.