1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

Tử hình nguyên chiến sĩ bảo vệ trại giam cầm đầu đường dây buôn ma túy

(Dân trí) - Sau khi ra quân, Nguyễn Tấn Duy trở lại trại giam móc nối tổ chức giải cứu tội phạm đang thi hành án tại đây. Cùng vượt biên sang Campuchia rồi mua bán ma túy, vũ khí quân dụng đưa về TPHCM tiêu thụ, Duy không thể thoát khỏi án tử hình.

Ngày 5/5, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã bác đơn kháng cáo, chấp nhận đơn đơn kháng nghị của VKSND TPHCM, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tấn Duy (42 tuổi, quê Quảng Nam) án tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

HĐXX cũng bác kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt lên án tử hình của VKSND TPHCM, đồng thời bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên y án sơ thẩm, tù chung thân đối với 2 bị cáo Dương Ngọc Cảnh (29 tuổi, quê Đồng Nai) và Trương Quốc Thắng (40 tuổi, ngụ TPHCM), cùng về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Các bị cáo tại tòa phúc thẩm
Các bị cáo tại tòa phúc thẩm

Cùng về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Binh (44 tuổi, ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu) án tử hình và Trương Thị Ngọc (37 tuổi, quê An Giang) 20 năm tù. Hai bị cáo này kêu oan lên tòa Phúc thẩm nhưng bị HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.

Đồng thời, HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ tội, tuyên y án sơ thẩm, tử hình đối với 2 bị cáo Lê Hoàng Hội (60 tuổi, quê An Giang) và Trần Đình Tam (43 tuổi, ngụ TPHCM), cùng về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình xác minh truy xét nguồn ma túy nhập lậu vào TPHCM, Công an thành phố đã phát hiện một số đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy và vũ khí quân dụng từ hướng biên giới Tây Nam vào thành phố giao cho một số đối tượng tổ chức tiêu thụ trong địa bàn.

Các bị cáo tại tòa phúc thẩm

Từ việc phát hiện và bắt giữ Lê Thị Anh Đào có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy tại công viên Lê Văn Tám, quận 1, cơ quan điều tra lần theo đầu mối và truy quét toàn bộ các đối tượng trong đường dây tuồng heroin và ma túy tổng hợp từ Campuchia về thành phố. Từ ngày 27/7/2007 đến 21/8/2008, các đối tượng trong đường dây này bị sa lưới.

Theo đó, cơ quan điều tra xác minh rõ các đối tượng Nguyễn Tấn Duy, Nguyễn Văn Binh, Lê Hoàng Hội, cùng đồng phạm đã bán hàng chục bánh và hàng trăm chỉ heroin, hàng trăm gram ma túy tổng hợp và hàng ngàn viên ma túy tổng hợp dạng viên nén.

Nguyễn Tấn Duy nguyên là chiến sĩ bảo vệ trại giam Xuyên Mộc thuộc Bộ Công an. Năm 1994, sau khi ra quân Duy trở lại trại giam móc nối tổ chức cho Lê Hoàng Hội, đang là phạm nhân thi hành mức án 15 năm tù về tội “Cướp tài sản” trốn trại. Hai tên này cũng vượt biên sang Campuchia. Duy quen biết với Nguyễn Văn Binh qua một người Việt Nam đang buôn bán ma túy tại Campuchia. Từ đó Duy thường xuyên nhận ma túy của một số người Campuchia đi bán.

Duy và Hội vẫn thường xuyên liên lạc với nhau và Duy đã cung cấp heroin, ma túy tổng hợp cho  Hội. Cũng như Duy, Binh đã mua heroin để bán cho Hội. Giúp sức cho Nguyễn Văn Binh có vợ là Trương Thị Ngọc. Sau khi có nguồn cung cấp ma túy ổn định, Lê Hoàng Hội móc nối bán cho các đối tượng là người Việt Nam vượt biên vào Campuchia mua sau đó đưa về Việt Nam bán kiếm lời, trong đó có Lê Thị Anh Đào, Nguyễn Thị Ngọc Nga.

Sau khi có mua ma túy của Hội, Nga đưa về Việt Nam bán cho các đối tượng Trần Đình Tam, Trương Quốc Thắng, Dương Ngọc Cảnh. Từ đó các đối tượng này bán lại cho các đầu mối trên địa bàn thành phố.

Lê Hoàng Hội đã mua bán gần 4kg heroin và 300gram ma túy tổng hợp. Nguyễn Văn Binh đã mua bán hơn 4kg heroin và 200gram ma túy tổng hợp. Nguyễn Tấn Duy chịu trách nhiệm hình sự với số lượng hơn 2kg ma túy tổng hợp.

Nguyên chiến sĩ bảo vệ trại giam Nguyễn Tấn Duy tại tòa
Nguyên chiến sĩ bảo vệ trại giam Nguyễn Tấn Duy tại tòa

Trương Đình Tam, Thắng và Cảnh đã mua 5 bánh heroin có trọng lượng 1.650 gram, nên đủ căn cứ để xử các bị cáo mức hình phạt cao nhất. Tuy nhiên, xét trong nhóm bị cáo Tam đóng vai trò chính, các bị cáo Thắng, Cảnh chỉ là đồng phạm giúp sức.

Ngoài mua bán ma túy, các đối tượng còn mua bán vũ khí quân dụng sau đó vận chuyển về Việt Nam để sử dụng. Cụ thể, Duy đã bán cho Hội khẩu súng và 8 viên đạn để Hội bán lại cho Nguyễn Thị Ngọc Nga. Ngoài ra, Hội còn bán cho Trương Quốc Thắng một khẩu K59. Hội còn bán cho Trần Đình Tam một khẩu súng K59 và 5 viên đạn. Khẩu súng này được một số đối tượng sử dụng đi đòi nợ.

Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo Nguyễn Văn Binh, Lê Hoàng Hội, Trương Đình Tam bị tuyên án tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Tấn Duy, Dương Ngọc Cảnh, Trương Quốc Thắng, Nguyễn Thị Ngọc Nga bị tuyên án tù chung thân; Trương Thị Ngọc, Lê Thị Anh Đào lĩnh án 20 năm tù.

Bị cáo Lê Hoàng Hội
Bị cáo Lê Hoàng Hội

Ngoài ra, bị cáo Tam còn bị tuyên phạt 5 năm tù giam về tội “Mua bán, vận chuyên, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Cùng về tội “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng”, 2 bị cáo Duy, Hội bị tuyên án 5 năm tù.

Liên quan đến vụ án, 8 bị cáo khác bị tuyên án từ 1 năm 11 tháng 13 ngày đến 20 năm tù về các tội “Mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Cho rằng mức án quá nặng, 7 bị cáo Hội, Duy, Tam, Thắng, Cảnh, Cảnh làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Còn vợ chồng của Nguyễn Văn Binh, Trương Thị Ngọc thì làm đơn kêu oan. Bên cạnh đó, VKSND TPHCM cũng đã kháng nghị, yêu cầu tăng lên mức hình phạt cao nhất đối với 3 bị cáo Nguyễn Tấn Duy, Dương Ngọc Cảnh, Trương Quốc Thắng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, cho rằng bị cáo Duy đóng vai trò chủ đạo trong vụ án này, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cần phải cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội, tuyên án tử hình đối với Nguyễn Tấn Duy về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Công Quang – Quốc Anh