1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Thanh Hóa:

Trưởng Công an thành phố lôi kéo thuộc cấp lập hồ sơ khống hòng “lách tội”

(Dân trí) - Để hòng “lách tội”, cựu Trưởng công an thành phố Thanh Hóa Nguyễn Chí Phương đã lôi kéo thuộc cấp lập 3 biên bản khống ghi nhận sự việc anh Hiếu đưa tiền...

Phiên xử sơ thẩm cựu đại tá, cựu Trưởng Công an TP Thanh Hóa Nguyễn Chí Phương về tội nhận hối lộ diễn ra hôm qua (8/5) đã công bố nhiều tình tiết quan trọng nhằm làm rõ hành vi lấp liếm che giấu tội của bị cáo.

Trưởng Công an thành phố lôi kéo thuộc cấp lập hồ sơ khống hòng “lách tội” - 1

Nhận hối lộ nhưng khi bị tố cáo, Nguyễn Chí Phương lại lôi kéo thuộc cấp lập hồ sơ khống nhằm thoát tội.

Trong cáo trạng của VKSND tối cao truy tố bị cáo Nguyễn Chí Phương có tình tiết cho thấy, việc chạy án bất thành và bị thuộc cấp tố cáo, ông Phương đã rốt ráo trả lại tiền. Khi thuộc cấp từ chối nhận lại tiền, ông Phương đã chỉ đạo lập hồ sơ khống hòng “lách tội”. Ngoài ra, ông Phương báo cáo với lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa về sự việc, nhưng báo cáo không đúng sự thật.

Cụ thể, tối 25/11/2018, ông Phương đã gọi ông Mỵ Duy Xuân (thời điểm đó là Phó Trưởng công an thành phố Thanh Hóa) và 3 cấp dưới khác của mình là ông Đào Quang Thạch, Trương Văn Quang và Lê Thành Chung đến phòng làm việc.

Ông Phương đã trao đổi thông tin không đúng sự thật với cấp dưới là việc Đỗ Đức Hiếu đưa tiền đã được báo cáo Giám đốc, Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Công an thành phố và một số cán bộ là Đảng ủy viên biết. Ngoài ra, Phương còn viện cớ yêu cầu lập các biên bản ghi nhận sự việc các lần Hiếu đưa tiền để giữ uy tín cho đơn vị, cá nhân và có căn cứ báo cáo cấp trên.

Sau đó, Nguyễn Chí Phương chỉ đạo ông Thạch, Quang lập 3 biên bản khống ghi nhận việc Hiếu đưa tiền cho Phương. 3 biên bản được lập cùng tối 25/11/2018, nhưng lại ghi ngày lập biên bản là các ngày 19/7/2018; 20/7/2018 và 4/8/2018. Sau khi lập và ký tên xong vào các biên bản, Nguyễn Chí Phương giao cho anh Trương Văn Quang giữ.

Ngày 26/11/2018, sau khi nhận được đơn tố cáo của Đỗ Đức Hiếu, Thanh tra Công an tỉnh đã làm việc với anh Hiếu và thu thập tài liệu. Đồng thời, đoàn công tác của Thanh tra Bộ Công an cũng làm việc với Nguyễn Chí Phương.

Đúng như “kịch bản” đã soạn sẵn, quá trình làm việc, Phương thừa nhận Hiếu 3 lần đến nhà riêng và phòng làm việc đưa tổng số tiền 260 triệu đồng nhờ giúp không kỷ luật và xử lý hình sự nhưng Phương đã yêu cầu các ông Mỵ Duy Xuân, Đào Quang Thạch và Trương Văn Quang lập biên bản và giao cho ông Quang quản lý số tiền trên.

Tuy nhiên, không như những gì Nguyễn Chí Phương “sắp đặt”, đến ngày 29/11/2018, khi biết ông Phương nhận tiền của anh Hiếu nhưng không báo cho ai biết và còn lợi dụng các biên bản lập khống để che giấu hành vi phạm tội, ông Mỵ Duy Xuân cùng 3 cán bộ đã báo cáo vụ việc với Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa. Ngày 30/11/2018, ông Trương Văn Quang giao nộp 3 biên bản này cho Thanh tra Bộ Công an.

Hành vi của các ông Mỵ Duy Xuân, Đào Quang Thạch, Trương Văn Quang và Lê Thành Chung, được Cơ quan CSĐT xác định mặc dù không chứng kiến việc Đỗ Đức Hiếu đưa tiền cho Nguyễn Chí Phương nhưng lại tham gia lập và ký tên vào 3 biên bản ghi nhận sự việc Đỗ Đức Hiếu để lại tiền tại nhà riêng và phòng làm việc của Nguyễn Chí Phương, có dấu hiệu “Che giấu tội phạm”.

Tuy nhiên, những người này là cấp dưới của Nguyễn Chí Phương, bị ông Phương đưa thông tin lừa dối và yêu cầu thực hiện; thời điểm lập và ký biên bản chưa biết rõ Nguyễn Chí Phương phạm tội “Nhận hối lộ”; đã chủ động báo cáo sự thật với Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa và Thanh tra Bộ Công an trước khi bị phát hiện.

Vì vậy, xét tính chất và mức độ vi phạm, cơ quan điều tra không xử lý hình sự mà kiến nghị giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa có biện pháp xử lý hành chính phù hợp.

Đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị mức án từ 24 - 36 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Chí Phương.

HĐXX đã quyết định chiều 12/5 sẽ tuyên án.

Bình Minh