An Giang:
Triệt phá đường dây “lưu hành tiền giả” xuyên Việt gần nửa tỷ đồng
(Dân trí) - Một đường dây lưu hành tiền giả gần 500 triệu đồng do đối tượng Lê Minh Tuấn (SN 1970, ĐKTT huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) và đồng bọn thực hiện ở nhiều tỉnh, thành vừa bị lực lượng Công an tỉnh An Giang triệt phá thành công.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 21/5/2014, tại phường Núi Sam, Tp. Châu Đốc, lực lượng Công an phát hiện và bắt quả tang 02 đối tượng Huỳnh Hữu Tâm (sinh năm 1990, trú tỉnh Kiên Giang) và Lý Tùng Lâm (sinh năm 1986 cư trú tỉnh Hậu Giang) đang mang tiền giả đi tiêu thụ. Tiến hành kiểm tra, lực lượng Công an thu giữ 102 tờ tiền polymer mệnh giá 100.000đ giả.
Tiếp tục mở rộng điều tra, Cơ quan Công an tiếp tục bắt giữ các đối tượng gồm: Lê Minh Tuấn, Lê Thị Minh Hoa, Lưu Lam Sơn, Phạm Văn Thuận, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Văn Lập, Trương Hoàng Nhân, Nguyễn Văn Len, Huỳnh Quốc Trung, Huỳnh Thanh Quang, Nguyễn Thanh Tùng, Trần Thị Kim Loan, Nguyễn Thành Thái, Lê Thuý Hằng, Lê Thị Hoàng Oanh, Trần Minh Hợi, Trần Văn Lưu. Tính tới thời điểm hiện tại, Cơ quan Công an đã khởi tố và bắt tổng cộng 19 bị can có liên quan đường dây “Lưu hành tiến giả” quy mô này.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận: Năm 2007, sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội “Lưu hành tiền giả” tại Trại giam Tống Lê Chân, tỉnh Bình Phước, đối tượng Lê Thị Minh Hoa (sinh năm 1974 là em ruột của Lê Minh )tiếp tục câu móc với một số đối tượng ở Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khu vực phía Nam tiêu thụ tiền giả.
Trong quá trình, lui tới Hà Nội, các đối tượng ở trong miền Nam được Lê Minh Tuấn – đối tượng đầu nậu từng có 01 tiền án về tội “Lưu hành tiền giả” tiếp tục câu móc, lôi kéo sâu vào con đường phạm tội. Và, cũng từ đây, số lượng tiền giả được bọn chúng vận chuyển vào trong miền Nam tiêu thụ ngày càng nhiều hơn. Tính tới thời điểm bị bắt giữ, đường dây tiêu thụ tiền giả do Lê Minh Tuấn và đồng bọn thực hiện đã lưu hành trót lọt gần 500 triệu đồng tiền giả.
Theo lời khai của các đối tượng thì nguồn gốc tiền giả nói trên được chúng mua từ cửa khẩu Lạng Sơn – tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. Sau khi mua được tiền giả chúng tìm cách vận chuyển vào nội địa tiêu thụ với phương thức rất tinh vi, xảo quyệt. Trong vụ án này các đối tượng tham gia không biết rõ tên thật, địa chỉ của nhau, chúng sử dụng điện thoại di động liên lạc, giao dịch với nhau bằng “sim rác” và thường xuyên di chuyển, thay đổi nơi ở, nên gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, truy bắt.
Đặc biệt, sau khi lấy tiền giả về, chúng xé lẻ ra và chia cho nhau mang đi khắp nơi tiêu thụ. Địa bàn, đối tượng chúng nhắm đến thường là ở vùng nông thôn, trình độ dân trí còn thấp, ít có khả năng phân biệt giữa tiền thật và tiền giả hoặc những nơi đông người có khách vãng lai đến tham quan, du lịch, kể cả những người bán hàng rong, các tiệm tập hoá mua bán nhỏ….
Chia sẻ về những kỹ năng thông thường nhận biết được tiền giả, Thiếu tá Hoàng Mạnh Thắng, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh cho biết: “Tờ tiền có mệnh giá 100.000đ, 200.000đ, 500.000đ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành thì có những yếu tố bảo an như: Hình chân dung Bác Hồ in chìm, mệnh giá đồng tiền in nổi ở cửa sổ, dây bảo hiểm in chìm; tờ tiền giả chất liệu in không tinh xảo, màu tờ tiền giả nhạt hoặc đậm hơn tiền thật và chúng ta cũng có thể kiểm tra nhanh bằng cách vuốt nhẹ tờ tiền, nếu tiền thật thì có độ nhám nhất định, trong khi tiền giả thì trơn bóng hoặc bóp mạnh tờ tiền trong lòng bàn tay, nếu tiền thật thì tờ tiền sẽ bung ra còn tờ tiền giả thì bị gãy, gấp khúc biến dạng”.
V. Phương – Lê Tùng