Nghệ An:

Triệt hạ 3 cây sa mu dầu, nhóm lâm tặc hầu toà

(Dân trí) - Trong lúc triệt hạ 3 cây sa mu dầu ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện biên giới Quế Phong, tỉnh Nghệ An, các đối tượng bị lực lượng chức năng bắt giữ. Sau gần 4 tháng, vụ án được đưa ra xét xử lưu động tại xã Thông Thụ.

Triệt hạ 3 cây sa mu dầu, nhóm lâm tặc hầu toà - 1

Cây sa mu dâu đã bị nhóm lâm tặc triệt hạ với tháng 6/2015

Cây sa mu dâu đã bị nhóm lâm tặc triệt hạ với tháng 6/2015

Ngày 27/10, tại trụ UBND xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An - Tòa án nhân dân huyện Quế Phong đã đưa vụ án triệt hạ 3 cây sa mu dầu ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt ra xét xử sơ thẩm.

Các bị cáo đưa ra xét xử gồm: Lương Văn Tâm (SN 1975), Vi Văn Hoài (SN 1979), Vi Văn Bình (SN 1994) cùng trú tại bản Mường Phú, xã Thông Thụ; và Cao Minh Quyết (SN 1986), trú tại xóm 3 Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp.

Các bị cáo tại phiên toà.
Các bị cáo tại phiên toà.

Theo đó, cơ quan chức năng huyện Quế Phong cho biết, từ cuối tháng 6/2015, tại khoảnh 11, Tiểu khu 59 (thuộc vùng rừng nguyên sinh của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt) có 2/3 cây sa mu (2 cây bị chặt hạ, 1 cây đang bị cắt gốc dở chừng) hàng trăm năm tuổi đã bị lâm tặc đốn hạ.

Nhận được thông tin, đoàn kiểm tra liên ngành, gồm: Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt, Công an huyện Quế Phong, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và Công an xã Hạnh Dịch đã đi vào hiện trường.

Ngày 8/7, tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong (Nghệ An), đoàn kiểm tra liên ngành, gồm: Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, Hạt Kiểm lâm Pù Hoạt, Công an huyện Quế Phong và Công an xã Hạnh Dịch bắt quả tang 5 đối tượng đều trú tại xã Thông Thụ (Quế Phong) khai thác lâm sản trái phép, thu giữ hơn 200mgỗ sa mu dầu (thuộc nhóm gỗ 2A).

Căn cứ các chứng cứ, tài liệu được thẩm định, các ý kiến của các bên liên quan, xét thấy, các bị cáo đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Lời nhận tội phù hợp với các chứng cứ đã thu thập được, việc đại diện VKSND truy tố các bị cáo như bản cáo trạng là phù hợp.

Hành vi của các bị cáo không những ảnh hưởng về kinh tế, thiên nhiên mà còn ảnh hưởng đến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Các bị cáo ngoài gây thiệt hại về khối lượng gỗ sa mu dầu với khối lượng đặc biệt lớn, còn gây thiệt hại đến hệ thực vật rừng xung quanh các cây gỗ bị khai thác trái phép, làm mất nguồn gen quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn.

Xét đây là vụ án có tổ chức, vì vậy cần phải xét xử nghiêm, cách ly các bị cáo một thời gian nhất định với xã hội.

Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt 4 bị cáo tổng số 19 năm tù giam. Cụ thể, bị cáo Lương Văn Tâm 6 năm tù giam; bị cáo Vi Văn Hoài 5 năm tù giam; bị cáo Vi Văn Bình 4 năm tù giam; bị cáo Cao Minh Quyết 4 năm tù giam. Ngoài ra, các bị cáo buộc phải nộp phạt tổng số tiền là 35 triệu đồng.

Nguyễn Duy