1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tiền Giang:

Tranh cãi việc “đổi” chai nước có ruồi lấy 500 triệu đồng có phạm tội

(Dân trí) - Tranh luận về việc "ra giá" chai nước ngọt có con ruồi bên trong với nhà sản xuất có phải là hành vi "cưỡng đoạt tài sản"hay không, các luật sư cho rằng nhiều yếu tố chưa rõ như về người bị hại, về việc "giăng bẫy", để 1 điều tra viên "đón lõng" bị cáo...

 

Phiên tòa xét xử bị cáo Võ Văn Minh

Tại phiên tòa xét xử vụ án chai nước ngọt có ruồi, trong phần chất vấn, Chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Võ Văn Minh: “Chai nước 10 ngàn đồng nhưng bị cáo đòi 1 tỷ có vô lý không?”.  Bị cáo Minh trả lời, biết Công ty Tân Hiệp Phát rất có uy tín trên thị trường, sợ bị mất mặt nên mới đòi 1 tỷ đồng với mục đích kiếm một số tiền.  Bị cáo Minh xác nhận chỉ “hù” doanh nghiệp nếu không đáp ứng yêu cầu sẽ sẽ khiếu kiện đến ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đăng trên báo chí…

Bị cáo Minh tại tòa
Bị cáo Minh tại tòa

 

Tang vật vụ án
Tang vật vụ án

Minh khai, lúc đó bản thân nghĩ, việc bán bún riêu quá cực khổ nên muốn có 1 số tiền mua vài công đất làm nông nghiệp để đỡ vất vả hơn. Đồng thời, Minh cũng phân trần, bản thân không nhận thức được việc làm như vậy là có lỗi, không phù hợp với đạo đức xã hội: "Bị cáo không cho rằng làm như vậy là sai mà chỉ nghĩ như việc trao đổi, mua bán chứ không vi phạm pháp luật".

Đại diện luật sư bào chữa cho bị cáo Minh trong phần tranh luận tại tòa
Đại diện luật sư bào chữa cho bị cáo Minh trong phần tranh luận tại tòa

Tại phiên tòa, đại diện Công ty TNHH MTV Tân Hiệp Phát cho rằng: “Công ty đã nhiều lần làm việc với khách hàng giải thích quy định của công ty cho khách hàng hiểu để lấy sản phẩm về để kiểm tra lỗi, xác định nguyên nhân và không thể quy đổi bằng tiền”. Sau lần thứ 3 thuyết phục không thành, công ty lại nhận rất nhiều cuộc điện thoại đe dọa. Đây là thời điểm gần Tết nên ảnh hưởng lớn đến công ty và cuộc sống của anh em nên công ty xin cơ quan công an để hỗ trợ.

Tại tòa, bà Trần Ngọc Bích, Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát bày tỏ, DN không yêu cầu bồi thường mà chỉ muốn nhận một lời xin lỗi từ phía anh Minh và mong muốn giảm nhẹ tối đa hình phạt để anh Minh sớm trở về với gia đình.

Giây phút ngắn ngủi của bị cáo Minh và con trai tại tòa
Giây phút ngắn ngủi của bị cáo Minh và con trai tại tòa

Trong phần tranh luận, cả 2 luật sư Nguyễn Tấn Thi và Phạm Hoài Nam (bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Minh) đều cho rằng hành động của bị cáo Minh không cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Luật sư Thi lập luận, đến giờ, nói là cưỡng đoạt tài sản nhưng không biết ai là người bị hại. Điểm mấu chốt là hành vi “cưỡng đoạt” không rõ. Công ty Tân Hiệp Phát không hề lo sợ, vì từ năm 2011 đến 2014 có 3 vụ tương tự, phía công ty đã thương lượng đưa tiền và cuối cùng người yêu cầu trao đổi đều bị cơ quan công an bắt giữ. Điều đó chứng tỏ công ty đã chuẩn bị trước, không hề bị uy hiếp tinh thần. Ở đây họ chỉ sợ dư luận, lo sợ về việc sản phẩm của mình bị lỗi.

Bị cáo Minh sau phiên xét xử ngày 17/12
Bị cáo Minh sau phiên xét xử ngày 17/12

Phía công ty có nhiều lựa chọn, họ có thể thương lượng, báo cơ quan công an… để đến khi trao tiền thì ông Minh bị bắt quả tang. Tuy nhiên, khi bắt quả tang không phải là lực lượng trinh sát mà là một điều tra viên. Luật sư Thi đặt câu hỏi, trong vụ việc này, điều tra viên có được sự phân công tham gia vụ án này từ đầu hay không hay có sự giăng bẫy.

Ngoài ra, luật sư lật lại, băng ghi âm đưa ra không ghi lời nói của nhân viên Tân Hiệp Phát mà chỉ có tiếng của bị cáo Minh cũng có thể không khách quan.

Từ những chứng cứ trên, luật sư của bị cáo đề nghị HĐXX xem xét, tuyên Võ Văn Minh không có tội.

Trong phần tranh luận, đại diện VKS tỉnh Tiền Giang bác bỏ những lập luận của luật sư bào chữa cho bị cáo Minh và cho rằng đủ chứng cứ, yếu tố để buộc tội bị cáo về tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Đến 16 giờ 30 phiên tòa kết thúc phần tranh luận và tiếp tục đưa ra xét xử vào ngày mai 18/12.

Minh Giang – Nguyễn Hồng