1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án tại Ngân hàng SeABank Đà Nẵng

(Dân trí) - Chiều 29/5, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đã tuyên trả hồ sơ điều tra lại vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức hoạt động tín dụng” tại Ngân hàng SeABank Đà Nẵng do có tài liệu, chứng cứ mới.

Các bị cáo trong vụ án này là Hứa Thị Mộng Hoa (sinh 1967, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Thái Trần Thông (sinh 1975, trú Thanh Khê, TP Đà Nẵng) – cựu Giám đốc Ngân hàng SeABank Đà Nẵng, Nguyễn Ẩn (sinh 1982, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) – cựu nhân viên Ngân hàng SeABank chi nhánh Đà Nẵng và Hoàng Hiếu Trung (sinh 1983, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) – cựu Trưởng phòng giao dịch Lê Lợi, Ngân hàng SeABank chi nhánh Đà Nẵng.

Theo cáo trạng, bà Hứa Thị Mộng Hoa làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Gia Bảo (địa chỉ 300 Ông Ích Khiêm, TP Đà Nẵng) từ tháng 12/2003 đến khi ngừng hoạt động. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là mua bán các mặt hàng điện thoại di động, sim số, thẻ cào điện thoại di động, linh kiện viễn thông…

Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án tại Ngân hàng SeABank Đà Nẵng - 1

Do kinh doanh bất động sản thua lỗ, đến cuối năm 2007, Hứa Thị Mộng Hoa mất khả năng thanh toán. Để phục vụ mục đích đảo nợ lấy khoản vay sau trả nợ và lãi cho khoản vay trước và trả nợ nóng ngoài xã hội, Hứa Thị Mộng Hoa đã có hành vi gian dối sử dụng công ty TNHH Gia Bảo, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo là hàng hóa tồn kho luân chuyển về vay vốn Ngân hàng SeABank Đà Nẵng chiếm đoạt hơn 55 tỷ đồng.

Vì hàng hóa thế chấp cho ngân hàng được để lại tại kho của công ty TNHH Gia Bảo mang tính rủi ro cao nên SeABank Đà Nẵng chỉ định thủ kho độc lập nhằm đảm bảo việc bảo vệ, quản lý, thu thập thông tin kho hàng một cách độc lập, khách quan. Tuy nhiên, Thái Trần Thông (lúc đó là Phó Giám đốc SeABank Đà Nẵng) là người đại diện SeABank Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ đã không chỉ định thủ kho độc lập nên không quản lý được kho hàng.

Trung (lúc này là chuyên viên hỗ trợ khách hàng) và Ẩn (lúc này là chuyên viên tín dụng) được giao nhiệm vụ kiểm tra kho định kỳ và quản lý hàng tồn nhưng cả hai đều không thực hiện.

Thái Trần Thông, Nguyễn Ẩn và Hoàng Hiếu Trung đã vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng dẫn đến hậu quả thiệt hại hơn 55 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Hoa một mực kêu oan, cho rằng mình không chiếm đoạt đồng nào của ngân hàng mà đó là do ngân hàng tính lãi lên với mức cao.

“10 năm rồi bị cáo vẫn oan uổng mang tiếng lừa đảo, chưa một lần chưa dám nhìn mặt con gái. Tên công ty là tên của con gái bị cáo, không có ai mà dùng tên của con mình để đi lừa đảo”, bị cáo vừa khóc vừa nói.

HĐXX đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án vì theo HĐXX bị cáo Hoa cung cấp nhiều tài liệu, chứng cứ mới. Bị cáo Hoa cho rằng việc xử lý các tài sản thế chấp là các bất động sản, các sổ tiết kiệm có dấu hiệu bị lừa dối, cưỡng ép, vi phạm các cam kết. Sau khi xử lý được các tài sản thế chấp thì đại diện phía ngân hàng hình sự hóa quan hệ kinh doanh thương mại. Việc thiếu hụt hàng hóa là do bị mất và đã có báo cáo phía ngân hàng, cơ quan chức năng nhưng chưa được điều tra làm rõ.

Khánh Hồng