TPHCM:
Tội phạm sử dụng Bảo vệ dân phố làm “tai mắt”
(Dân trí) - Băng nhóm trộm cắp sử dụng tay trong là Bảo vệ dân phố để giám sát lại lực lượng công an. Vậy nên, mỗi khi lực lượng hình sự quận và phường ra quân mật phục bắt quả tang đều bị các đối tượng này chỉ điểm nhằm đối phó.
Sáng 27/11, tại TPHCM, Tổng Cục Cảnh sát – Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị giao ban lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) – Bộ Công an cho biết, trong năm 2015, cả nước xảy ra 51.948 vụ phạm pháp hình sự, điều tra khám phá được 39. 923 vụ (đạt tỷ lệ 76,8%).
Trong đó, án giết người xảy ra 970 vụ, giảm 191 vụ so với cùng kỳ năm trước.Tuy án hình sự giảm nhưng tính chất của loại tội phạm này còn manh động, liều lĩnh.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Công an và các Công an các tỉnh thành có đề cập đến vấn nạn trộm két sắt, trộm đột nhập công sở, làm đau đầu ngành công an.
Đại tá Lê Ngọc Phương, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) – Công an TPHCM cho biết, trong năm 2015, trên địa bàn TPHCM xảy ra 3.416 vụ trộm cắp, khám phá được 1.903 vụ.
Đại tá Phương cho hay, mới đây công an TPHCM khám phá 2 chuyên án về 2 băng nhóm trộm ở khu vực trung tâm TPHCM nhắm vào người nước ngoài, bắt giữ 21 đối tượng.
“Đáng nói là băng nhóm này có sử dụng tay trong là Bảo vệ dân phố để giám sát lại lực lượng công an. Mỗi khi hình sự quận và phường ra quân mật phục thì đều bị các đối tượng này chỉ điểm nhằm đối phó”, Đại tá Phương nhấn mạnh.
“Hay như có vụ trộm két sắt thiệt hại đến 2 tỷ đồng, chúng tôi thu được dấu vết vân tay của kẻ tình nghi tại hiện trường nhưng hồ sơ tố tụng Viện KSND không phê chuẩn, yêu cầu phải có lời khai thừa nhận của nghi can”, Đại tá Phương nói về những khó khăn khi khám phá án trộm cắp.
Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Văn Bôn – Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) – Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin, 6 tháng qua, trên toàn tỉnh xảy ra 21 vụ trộm két sắt.
Qua điều tra, công an đã bắt giữ 3 nhóm với 21 đối tượng, làm rõ về 16 vụ trộm két sắt và 100 vụ trộm đột nhập mà nhóm này tham gia.
Theo ông Bôn, các đối tượng đa phần quen biết nhau trong quá trình đi tù, sau khi ra tù, các đối tượng lập thành băng nhóm để đi trộm.
Quá trình điều tra làm rõ, các đối tượng người địa phương cũng có tham gia nhưng không trực tiếp thực hiện mà chỉ với vai trò tham mưu cũng như chỉ điểm để đối tượng ngoại tỉnh vào thực hiện.
Sau khi thực hiện thành công mỗi vụ trộm, các đối tượng tan rã và tỏa về địa phương để ăn xài, khi hết tiền, các đối tượng lại hội tụ về Đắk Lắk để tiếp tục gây án.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho rằng, tội phạm có tổ chức đến thời điểm hiện nay không còn dám hoạt động công khai, manh động như trước, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Sự chuyển hướng của các băng nhóm tội phạm là nhắm vào các hoạt động kinh tế như: bảo kê khu công nghiệp; thu mua nông sản, lĩnh vực vận tải....
Đình Thảo