Tòa tuyên giao toàn bộ cổ phần Trung Nguyên cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ
(Dân trí) - Tòa đã tuyên giao toàn bộ cổ phần Trung Nguyên cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Vũ có trách nhiệm thanh toán cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo số tiền chênh lệch. Đồng thời, bà Thảo phải có trách nhiệm đối với số tiền 2.109 tỷ đồng.
16h50, Theo HĐXX, về các tài sản bao gồm vàng, tiền, ngoại tệ..., đây là các tài sản bà Thảo đứng tên riêng, ông Vũ không đứng tên và khẳng định ông không sử dụng vào tài sản chung.
Bà Thảo cũng không chứng minh đã sử dụng tài sản này vào mục đích gì. Số tiền 2.109 tỉ đồng không bên nào chứng minh được tài sản riêng nên xác định là tài sản chung chia đôi. Tuy nhiên, số tiền này không còn nên bà Thảo phải chịu trách nhiệm.
Trừ các bất động sản, tài sản còn lại là hơn 8.000 tỉ đồng. Trong đó, ông Vũ được hưởng 60% và bà Thảo được 40%.
Theo Luật hôn nhân gia đình công nhận thuận tình ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo.
Ghi nhận sự thỏa thuận giao 4 con cho bà Thảo chăm sóc và ông Vũ có trách nhiệm cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm.
Giao toàn bộ cổ phần Trung Nguyên cho ông Vũ và ông Vũ có trách nhiệm thanh toán cho bà Thảo số tiền chênh lệch.
Ghi nhận sự thỏa thuận của 2 vợ chồng giao lại các tài sản do các bên đang sử dụng.
Giao cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo quản lý các tài khoản trong ngân hàng.
16h30, Theo hồ sơ vụ án, công ty Trung Nguyên do ông Vũ đứng tên thành lập năm 1996, ông Vũ và bố ông Vũ đồng góp vốn. Vốn góp được xác định là do gia đình ông Vũ bán 2 căn nhà cũng như ông Vũ vay mượn của bạn. Như vậy trong quá trình phát triển của Trung Nguyên là do gia đình ông Vũ.
Năm 1998, khi Trung Nguyên đã có sự phát triển thì ông Vũ mới kết hôn với bà Thảo, qua quá trình phát triển ông Vũ luôn giữ chức vụ quan trọng nhất. Hiện nay Trung Nguyên đã phát triển vươn tầm ra quốc tế. Về vốn góp tại tất cả công ty, ông Vũ luôn lớn hơn bà Thảo.
Trong cuộc sống hôn nhân, bà Thảo phải ở nước ngoài chăm sóc các con, một mình ông Vũ điều hành công ty.
Ngoài ra, HĐXX cũng hủy các biện pháp khẩn cấp tạm thời tại vụ án tại công ty TNI ra khỏi vụ án.
Bà Thảo là một người phụ nữ thông minh, ngoài việc chăm sóc các con thì bà không ngừng đưa Trung Nguyên ra quốc tế, đặc biệt tại Singapore.
Quá trình hoạt động của Trung Nguyên trong 5 năm trở lại đây, bà Thảo cho rằng ông Vũ buông lỏng quản lý nhưng ông Vũ cho rằng ông quản lý vĩ mô. Xét quá trình kinh doanh thì Trung Nguyên vẫn có lãi. Căn cứ vào hồ sơ vụ án thì ông Vũ có đóng góp nhiều hơn nên quyết định chia cho ông Vũ 60% và bà Thảo 40%.
Xét yêu cầu của ông Vũ giao tất cả cổ phần của Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý và phải thanh toán chênh lệch cho bà Thảo. Yêu cầu này là phù hợp với quy định nên chấp chận nhằm tạo điều kiện cho các bên tập trung phát triển thương hiệu cà phê riêng.
Về bất động sản ghi nhận sự thỏa thuận của các bên.
16h20, Tại phiên tòa, cả nguyên đơn và bị đơn xác định không có công nợ chung cũng như không có ai nợ chung nên HĐXX không xem xét.
Ông Vũ và bà Thảo ly thân đã lâu, mâu thuẫn trầm trọng vì vậy HĐXX chấp thuận cho 2 vợ chồng ly hôn.
Cả hai thống nhất giao 4 con chung cho bà Thảo nuôi dưỡng và ông Vũ có trách nhiệm nuôi con từ năm 2013 đến khi các con trưởng thành.
Về tài sản chung theo nguyên tắc là chia đôi nhưng theo quy định của Bộ luật hôn nhân gia đình thì có xem xét tới yếu tố đóng góp, tạo lập, người nào có đóng góp nhiều hơn thì sẽ được chia nhiều hơn.
16h10, HĐXX đã không đưa công ty cổ phần truyền thông Thanh Niên vào phạm vi xét xử do việc vay mượn giữa Trung Nguyên và công ty cổ phần truyền thông Thanh Niên đã kết thúc trước đó.
Theo kết quả điều tra, các thửa đất tại Phú Quốc chưa được sang tên ông Vũ và bà Thảo nên không đưa vào danh mục tài sản chung.
Đối với kết quả giám định tâm thần ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì ông Vũ ông không có biểu hiện tâm thần, sức khỏe bình thường. Vụ việc đã được xác định bằng một bản án khác và đã có hiệu lực pháp luật nên HĐXX không có thẩm quyền giám định lại đối với ông Vũ.
Về việc đại diện Viện kiểm sát cho rằng HĐXX vi phạm tố tụng, nhưng HĐXX nhận định quá trình xét xử thực hiện đúng quy định của Luật tố tụng dân sự.
16h, HĐXX nhận định, trong quá trình thụ lý vụ án, HĐXX đã áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo tính khách quan nhưng đến nay vụ án đã xét xử nên cần thiết bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Về thẩm định giá tài sản, các bên chưa thống nhất được nên HĐXX đã chọn công ty thẩm định giá Sài Gòn để thực hiện thẩm định giá. Tiếp đó, HĐXX đã yêu cầu các bên cung cấp thông tin cho công ty thẩm định giá.
Sau khi có kết quả chứng thư thẩm định giá thì HĐXX tiếp tục tiến hành thẩm định tại chỗ đối với các tài sản, thực hiện việc thẩm định giá theo đúng quy định theo của pháp luật.
15h55, Đại diện Trung Nguyên cho rằng do vụ án kéo dài ảnh hưởng tới quá trình kinh doanh, mặc dù quá trình kinh doanh vẫn có lãi nhưng vì mục tiêu phát triển, HĐXX giao Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý và ông Vũ thanh toán giá trị cổ phần bà Thảo sở hữu bằng tiền mặt để được toàn quyền điều hành Trung Nguyên theo định hướng của mình. Đề nghị này của ông Vũ bị bà Thảo phản đối bởi cũng muốn tham gia quản lý phát triển Trung Nguyên.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX căn cứ vào hồ sơ vụ để đưa ra phán quyết, tuy nhiên nên xem xét tới quá trình tạo lập tài sản chung của vợ chồng. Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tách hơn 2 nghìn tỉ ra khỏi vụ án để làm rõ sau.
15h35, Về bất động sản, vợ chồng ông Vũ thống nhất phương án chia đôi nhưng đề nghị HĐXX tuyên bà cùng các con được sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương (quận 3) bởi đây là nơi gắn liền cuộc sống của mẹ con bà.
Đối với tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng trị giá khoảng 2.102 tỉ đồng, bà không đồng ý đưa vào giải quyết trong vụ án này nên không nêu quan điểm.
Về phía ông Vũ, ban đầu ông yêu cầu tách toàn bộ tài sản ra giải quyết thành một vụ án khác. Sau nhiều lần thay đổi, ông đề nghị tòa phân chia khối tài sản trong ngân hàng; 13 bất động sản; giá trị cổ phần tại 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Cụ thể, ông đồng ý cho bà Thảo và các con sở hữu căn nhà ở đường Tú Xương, chia đôi 13 bất động sản khoảng 725 tỉ đồng. Riêng khoản 2.102 tỉ đồng và giá trị cổ phần tại 7 công ty (5.654 tỉ đồng) ông Vũ đề nghị được hưởng 70%, bà Thảo 30%. Tổng cộng ông Vũ được hưởng khối tài sản trị giá 5.792 tỉ đồng.
15h, Sau khi nghị án, HĐXX nhận định bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều thừa nhận đến với nhau bằng tình yêu đẹp, có 4 người con. Từ năm 2013, cuộc sống của họ bắt đầu xảy ra nhiều mâu thuẫn, bất đồng trong quan điểm sống, nuôi dạy con, cũng như trong chiến lược phát triển Tập đoàn Trung Nguyên. Ông Vũ lên núi thiền định.
Năm 2015, bà Thảo gửi đơn ly hôn, cho rằng ông Vũ thay đổi rất nhiều khiến vợ chồng không còn hòa hợp. Bà đã cố gắng hàn gắn để các con có một gia đình trọn vẹn nhưng không thể. Ông Vũ không đồng ý ly hôn, muốn vợ lui về chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái còn ông tiếp tục phát triển sự nghiệp kinh doanh của gia đình, phụng sự cộng đồng và xã hội.
Quá trình tòa thụ lý giải quyết vụ án, nhiều vấn đề phát sinh trong việc tranh chấp tài sản, quyền điều hành công ty... khiến mâu thuẫn của họ ngày càng trầm trọng. Cả hai trở thành đương sự, người liên quan trong 18 vụ kiện. Trong đó có việc tranh chấp tài sản thuộc Công ty Trung Nguyen International (tại Singapore), nhiều vụ kiện đã và đang được TAND TPHCM giải quyết.
Bà Thảo yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng các con, ông Vũ phải chu cấp cho mỗi con 5% cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên. Ông Vũ cũng muốn được nuôi các con mà không cần bà Thảo cấp dưỡng. Nhưng ông tôn trọng nguyện vọng của các con, nếu tòa giao cho bà Thảo chăm sóc, ông cấp dưỡng mỗi con 5% cổ tức từ tập đoàn.
Tuy nhiên, đến trước khi diễn ra phiên tòa, ông Vũ cùng tổ luật sư bảo vệ đã thống nhất đưa ra số tiền cấp dưỡng cụ thể cho 4 con mỗi năm là 10 tỉ đồng cho đến khi trưởng thành. Tại tòa, bà Thảo cũng đổi ý, chấp nhận mức cấp dưỡng ông Vũ đưa ra. Phía ông Vũ cũng đề nghị hưởng 70% giá trị cổ phần tại tất cả công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và sẽ thanh toán lại cho bà Thảo bằng tiền mặt đối với số cổ phần còn lại. Cả hai đều giành quyền điều hành công ty mang thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Tuy nhiên, phía bà Thảo yêu cầu chia 51%.
Viện kiểm sát phát biểu quan điểm vụ án
Theo đại diện Viện kiểm sát, sau khi HĐXX tạm ngưng phiên tòa để xác minh tại các ngân hàng BIDV, Vietcombank và Eximbank thì đến nay đã có kết quả xác minh. Tuy nhiên, quá trình giao nộp các chứng cứ mới là kết quả xác minh, HĐXX đã vi phạm tố tụng khi không mở phiên họp. Mặt khác, quá trình triệu tập những người liên quan, HĐXX đã không thực hiện đúng với quy định.
Trước phiên tòa, Viện kiểm sát có văn bản gửi HĐXX yêu cầu khắc phục những sai phạm về tố tụng nhưng đến nay HĐXX vẫn chưa khắc phục, vì vậy, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX khắc phục những sai sót về tố tụng để không ảnh hưởng tới quá trình xét xử.
Đặng Lê Nguyên Vũ
Trước đó, ngày 25/3, đại diện Viện kiểm sát đã phát biểu quan điểm và cho rằng bà Thảo và ông Vũ kết hôn năm 1998. Năm 2015, bà Thảo xin ly hôn. Tại các văn bản, ông Vũ không đồng ý ly hôn, xin toà cho thời gian để hoà giải nhưng sau đó mâu thuẫn vợ chồng không thể hoà giải được, ông đã đồng ý ly hôn. Tại phiên hoà giải cuối cùng, bà Thảo muốn rút đơn nhưng ông Vũ không đồng ý nên bà Thảo tiếp tục yêu cầu ly hôn.
Viện kiểm sát đề nghị cho vợ chồng Trung Nguyên ly hôn.
Về con chung, bà Thảo có nguyện vọng được nuôi 4 con, ông Vũ tôn trọng nguyện vọng cho các con. Hai vợ chồng thoả thuận mỗi năm cấp dưỡng cho các con 10 tỉ đồng từ năm 2015 đến khi các trẻ học xong đại học.
Đối với số tiền 2.109 tỉ đồng do chưa thu thập được chứng cứ đầy đủ nên chưa có cơ sở để giải quyết. Về các bất động sản, bên nguyên đơn đưa yêu cầu thế nào thì bị đơn không phản đối. Viện kiểm sát đề nghị HĐXX giải quyết theo phương án mà nguyên đơn đưa ra.
Về tài sản chung là cổ phần trong các công ty, bà Thảo yêu cầu chia đôi tổng số cổ phần, ông Vũ yêu cầu chia 70-30, ông Vũ sẽ trả tiền mặt cho bà Thảo. Theo Viện kiểm sát, tài sản chung của vợ chồng là tài sản hợp nhất, nếu không thoả thuận được thì chia đôi, tuy nhiên xét đến các yếu tố đóng góp của các bên, lỗi của mỗi bên vi phạm nghĩa vụ vợ chồng...
Theo đại diện Viện kiểm sát thì HĐXX vi phạm tố tụng.
Chiều 27/3, TAND TPHCM tuyên án vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, chồng của bà Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Theo Viện kiểm sát, ông Vũ khởi nghiệp từ năm 1996, bà Thảo nói có đóng góp tiền cho ông Vũ nhưng không chứng minh được. Năm 2002, ông Vũ thành lập Công ty TNHH Trung Nguyên có 2 thành viên là ông Vũ và ông Đặng Mơ (cha ông Vũ). Kể từ khi Trung Nguyên được thành lập đến nay, ông Vũ là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Trong khi đó, bà Thảo được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc từ năm 2006 đến 2015. Bản thân bà Thảo cũng đề nghị chia nhiều hơn cho ông Vũ 100 tỉ đồng. Bà Thảo đã sinh thành và nuôi con. Viện kiểm sát đề nghị HĐXX căn cứ vào công sức đóng góp của các bên để phân chia phù hợp.
Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của bà Thảo, chấp nhận một phần yêu cầu của bà Thảo, chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Vũ.
Xuân Duy