Hơn 2 nghìn tỉ đồng của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên đã “bốc hơi” | Báo Dân trí
  1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hơn 2 nghìn tỉ đồng của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên đã “bốc hơi”

(Dân trí) - Theo kết quả xác minh tại các ngân hàng BIDV và Vietcombank thì các tài khoản của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên do bà Lê Hoàng Diệp Thảo đứng tên đã không còn số dư, chỉ có tài khoản tại ngân hàng Eximbank thì còn 1 tỉ đồng.

Ngày 23/3, thông tin từ TAND TPHCM cho biết đã có kết quả xác minh số tiền 2.109 tỉ đồng do bà Thảo đứng tên tại các ngân hàng Eximbank, BIDV và Vietcombank.

Bà Thảo phải chịu trách nhiệm về số tiền 2.108 tỉ đồng

Tại phiên tòa chiều 1/3, HĐXX thông báo tạm dừng xét xử để xác minh các khoản tiền gửi của nguyên đơn (bà Lê Hoàng Diệp Thảo) tại 3 ngân hàng Eximbank, BIDV, Vietcombank, theo yêu cầu phản tố của bị đơn (ông Đặng Lê Nguyên Vũ).

Khoản tiền cần phải xác mình là 2.109 tỉ đồng - tổng giá trị tiền, vàng đứng tên bà Thảo tại 3 ngân hàng nêu trên. Phía ông Vũ đề nghị tòa xác minh để đưa vào phân chia vì cho rằng đây là tài sản chung của hai vợ chồng tích lũy trong 20 năm chung sống.

4-15506325212411055049531-1550643717447207608212.png

Hơn 2 nghỉn tỉ đồng đứng tên bà Thảo đã biến mất.

Tuy nhiên, tại các ngày xử trước đó, phía bà Thảo không đồng ý với yêu cầu này của ông Vũ. Người đại diện theo pháp luật của bà cho rằng số dư tài khoản xác minh mà Tòa công bố là vào năm 2015-2016. Sau thời điểm này, số tiền không còn.

Theo kết quả xác minh tại các ngân hàng BIDV và Vietcombank thì các tài khoản đứng tên bà Lê Hoàng Diệp Thảo không còn số dư, chỉ có ngân hàng Eximbank thì còn 1 tỉ đồng.

Luật sư Nguyễn Văn Vui (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng về nguyên tắc, số tiền 2.109 tỉ đồng ở 3 ngân hàng do bà Thảo đứng tên là tài sản chung. Theo quy định của pháp luật, tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất. Nguyên tắc giải quyết tài sản chung của vợ chồng khi không thỏa thuận được là tài sản chung được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố hoàn cảnh của gia đình, của vợ, chồng, công sức đóng góp của vợ chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

Tại phiên tòa, đại diện bà Thảo cũng xác nhận trong mấy năm qua không dùng số tiền này vào việc mua sắm cho gia đình hay tái đầu tư cho việc sản xuất kinh doanh của Trung Nguyên. Hiện nay số tiền này không còn nữa thì bà Thảo phải chịu trách nhiệm vì số tiền trong sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng thì chỉ có bà Thảo hoặc người được bà Thảo ủy quyền hợp pháp mới có thể rút ra được.

Hậu ly hôn, Trung Nguyên sẽ đi về đâu?

Tại phiên tòa, ông Vũ yêu cầu giao cho ông tiếp nhận, sở hữu toàn bộ số cổ phần bà Thảo được chia và ông Vũ sẽ thanh toán lại cho bà Thảo bằng hiện kim tương đương với số cổ phần bà Thảo được nhận, tuy nhiên bà Thảo không đồng ý.

50699186_283685082313646_3925561664291733504_n.jpeg

Hậu ly hôn, Trung Nguyên sẽ đi về đâu?

Luật sư Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng bất kỳ công ty cổ phần nào xảy ra mâu thuẫn gay gắt giữa các cổ đông thì khó duy trì hoạt động bình thường được, đồng thời đứng trước nguy cơ bị phá sản do mất khách hàng, mất thị phần. Trong vụ án này mặc dù là công ty cổ phần nhưng chỉ có mấy cổ đông là người thân trong gia đình, nay cũng chỉ vì mâu thuẫn trong cách điều hành Trung Nguyên khiến hai vợ chồng phải ly hôn. Nếu sau khi ly hôn cả ông Vũ và bà Thảo cùng nắm giữ cổ phần của Trung Nguyên thì mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết, thậm chí mâu thuẫn ngày càng trầm trọng hơn.

Cũng theo luật sư Hưng, mâu thuẫn không chỉ giữa ông Vũ và bà Thảo mà còn mâu thuẫn với các cổ đông khác cũng rất trầm trọng. Nếu sau ly hôn cả 2 người còn chung doanh nghiệp thì rất khó để hợp tác.

“Nếu theo dõi phiên tòa chúng ta có thể nhận thấy giữa ông Vũ và bà Thảo không ai muốn mất vị thế của mình tại Trung Nguyên, vậy hóa giải nút thắt này như thế nào để Trung Nguyên không đi vào ngõ cụt? Lúc này gánh nặng đặt lên HĐXX khi yêu cầu của ông Vũ và bà Thảo đều có lý”, luật sư Hưng nhấn mạnh.

Ngày 27/3, phiên tòa tiếp tục xét xử.

Xuân Duy