1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Tòa Hà Nội chuẩn bị xin lỗi một người bị kết án oan

TAND TP Hà Nội đã lên kế hoạch xin lỗi công khai một công dân bị kết án oan từ năm 2000. Ở phiên sơ thẩm, người này bị kết tội tham ô và sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa, nhưng án bị hủy ở phiên phúc thẩm.

Nội dung vụ án

Theo cáo buộc, Cửa hàng dịch vụ tổng hợp và tiêu thụ sản phẩm là đơn vị trực thuộc Cty Thi công cơ giới và xây lắp, được thành lập năm 1991, với nhiệm vụ giao dịch giới thiệu sản phẩm của Cty, thu mua vật tư phụ tùng, thiết bị phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Năm 1992, Giám đốc Cty bổ nhiệm ông Phạm Đức Bình (SN 1956, ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm Cửa hàng trưởng. Đến năm 1997, lãnh đạo Cty ra quyết định đình chỉ hoạt động của cửa hàng trên, do hoạt động không hiệu quả.

Đến tháng 11/1997, Cty tiến hành thanh tra hoạt động kinh doanh của cửa hàng, khẳng định, ông Bình đã nhiều lần nhận tiền tạm ứng của Xí nghiệp Sản xuất vật liệu xây dựng, số tiền 71 triệu đồng, nhưng chỉ chứng minh sử dụng hợp lệ 30 triệu đồng.

Ngoài ra, theo kết quả điều tra, cũng trong năm 1997, cửa hàng do ông Bình quản lý đã mua hàng của 3 đơn vị, số tiền hơn 220 triệu đồng, mới thanh toán được 41 triệu, còn lại hơn 179 triệu chưa thanh toán, ông Bình không hiểu vì sao thất thoát.

Bản án sơ thẩm khẳng định, “theo tài liệu điều tra không thể hiện Bình chiếm đoạt, cũng không chứng minh ai đã chiếm đoạt số tiền đó, như vậy chỉ có thể Bình đã sử dụng số tiền nói trên vào việc khác mà không trả cho các đơn vị đã bán hàng cho Bình”. Với kết luận này, ông Bình bị TAND TP Hà Nội tuyên 30 tháng tù cho cả 2 tội danh.

Sai sót nghiêm trọng

Quá trình xét xử, ông Bình luôn kêu oan, kháng án lên cấp phúc thẩm. Ngày 5/1/2001, Tòa Phúc thẩm - TAND Tối cao tại Hà Nội đã xem xét toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ở tội danh Tham ô tài sản, Tòa Phúc thẩm cho rằng, ông Bình không chiếm đoạt số tiền tạm ứng của các xí nghiệp. Bởi trước phiên tòa sơ thẩm, ông Bình đã có nhiều đơn từ, giấy xác nhận của các nhân chứng khẳng định đã nhận số tiền ứng nói trên.

Đối với hành vi sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa, trước đó, vị Cửa hàng trưởng bị cáo buộc đã sử dụng hơn 179 triệu đồng tiền mua hàng. Tại phiên phúc thẩm, ông Bình khai nhận, sau khi mua 3 lô hàng về nhập tại cửa hàng, ông này bị tai nạn phải đi bệnh viện điều trị, do đó không trực tiếp bán và thu tiền 3 lô hàng trên.

“Khi về thì cửa hàng đã bị giải thể, không đối chiếu được sổ sách nên không biết ai đã bán và ai mua số hàng trên” - cựu Cửa hàng trưởng trình bày tại tòa. Cũng trong phiên phúc thẩm, các nhân chứng đều khẳng định lời khai của ông Bình là đúng.

Ngoài ra, Tòa Phúc thẩm viện dẫn căn cứ để cấu thành tội Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa phải “gây hậu quả nghiêm trọng”. Tại Thông tư liên tịch số 01/1998, “hậu quả nghiêm trọng” được hiểu gây thiệt hại về tài sản từ 300 đến 500 triệu đồng, do đó số tiền hơn 179 triệu không đủ cấu thành tội danh này.

Với những đánh giá trên, Tòa Phúc thẩm - TAND Tối cao đã quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm do TAND TP Hà Nội xét xử ngày 16/3/2000, tuyên bố ông Phạm Đức Bình không phạm tội Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa và Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa, đình chỉ vụ án hình sự đối với ông Bình.

Theo một văn bản trả lời ông Phạm Đức Bình từ năm 2006 của TAND Tối cao, ông Bình thuộc trường hợp được bồi thường do bị kết án oan theo quy định tại Nghị quyết 388 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và xem xét bồi thường oan sai theo luật định. Tuy nhiên đến nay, ông Bình vẫn chưa chính thức được xin lỗi, bồi thường.

Theo Bảo Thắng
Tiền phong