Tình huống pháp lý vụ giám đốc trung tâm giáo dục bị tố "cưỡng đoạt tiền"
(Dân trí) - Theo luật sư, cơ quan điều tra cần lấy lời khai các bên nhằm xác định nhận thức của họ, kiểm tra khả năng bị hạn chế của chị Sen, thậm chí thực nghiệm hiện trường...
Công an huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) đang xác minh vụ Giám đốc Trung tâm giáo dục đặc biệt Giang Sơn (ở xã Ngũ Hiệp) bị tố "cưỡng đoạt tiền".
Theo đó, bà Đ. bị tố cáo ép chị Vũ Thị Sen (46 tuổi, ở xã Ngũ Hiệp) ký "biên bản nộp phạt hành chính" số tiền 50 triệu đồng, sau đó buộc chị này phải chuyển trước 10 triệu đồng.
Chị Sen cho biết, bản thân bị nhiễm chất độc màu da cam; nói chuyện, nghe khó...
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính) nhận định trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần lấy lời khai các bên nhằm xác định nhận thức của họ, thậm chí thực nghiệm hiện trường, kiểm tra khả năng bị hạn chế của chị Sen như có thể tự chuyển tiền sang tài khoản người khác không? Thường ngày chị Sen có thể thực hiện chuyển tiền được hay không?...
Ngoài ra, luật sư cho rằng cơ quan chức năng cần xác định tại thời điểm xảy ra hành vi, có những ai thực hiện để xác định vai trò đồng phạm; ai là người chỉ đạo? Ai là người thực hiện hành vi? Hiện nay số tiền 10 triệu đồng đang ở đâu?
Hành vi được thực hiện ở đâu, có camera ghi được hay không? Có ai chứng kiến không?… Từ đó thu thập tài liệu, chứng cứ, đánh giá chứng cứ củng cố hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Khuyên, trường hợp nếu những nội dung chị Sen cung cấp là đúng sự thật, cơ sở này có 2 vi phạm nghiêm trọng. Vi phạm thứ nhất về Tổ chức nuôi dưỡng, can thiệp trẻ đặc biệt không đảm bảo điều kiện; vi phạm thứ hai là thực hiện hành vi Cưỡng đoạt tài sản.
Đối với hành vi Tổ chức nuôi dưỡng, can thiệp trẻ đặc biệt không đảm bảo điều kiện, cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra nhằm đánh giá vi phạm.
Còn hành động ép buộc ghi giấy nộp phạt hành chính, sau đó lấy điện thoại chuyển tiền từ tài khoản bà Sen vào tài khoản khác một cách trái ý muốn của chị Sen... là chuỗi hành vi có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản.
"Người thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản có thể đã lợi dụng khả năng nhận thức của chị Sen, lợi dụng sự hạn chế về thể chất, lợi dụng quan hệ lệ thuộc (nhân viên - quản lý) để uy hiếp, ép buộc ghi giấy nộp phạt hành chính, chuyển dịch tài sản một cách trái ý muốn của chị Sen", luật sư Khuyên cho hay.
Cùng chung quan điểm trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) cho rằng nếu sự việc phản ánh là đúng thì chuỗi hành vi của bà Đ. có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản.
Đồng thời, luật sư phân tích, trong hành vi chuyển tiền, nếu cơ quan chức năng xác định bà Đ. trực tiếp lấy điện thoại, bấm số tiền và tự động chuyển khoản trái ý muốn của chị Sen, thì hành vi này còn có dấu hiệu của tội Cướp tài sản.
Ông Giáp đánh giá, việc số tiền 10 triệu đồng đã nằm trong tài khoản ngân hàng của bà Đ. là một căn cứ, mấu chốt của vụ việc. Đặc biệt, luật sư nhấn mạnh, bà Đ. hay Trung tâm giáo dục đặc biệt Giang Sơn không có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, vấn đề nhận thức của chị Sen cũng sẽ là một yếu tố quan trọng buộc cơ quan chức năng phải làm rõ.
Trong trường hợp, chị Sen sau đó lại phủ nhận việc bị ép buộc ký biên bản, chuyển tiền, cho rằng bản thân tự nguyện đưa 10 triệu cho bà Đ., nhà chức trách sẽ không còn căn cứ để xử lý vụ việc.
Theo luật sư thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là 20 ngày, nếu vụ việc có tính chất phức tạp thì sẽ được gia hạn thêm 2 lần, mỗi lần 2 tháng, tối đa là 4 tháng.
Vì vậy chị Sen cần nắm được quy định pháp luật, thậm chí yêu cầu luật sư, trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý trong giai đoạn này để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.