Bị người phụ nữ nhiễm dioxin tố "cưỡng đoạt tiền", nữ giám đốc nói gì?
(Dân trí) - Theo bà Đ. (Giám đốc Trung tâm giáo dục đặc biệt Giang Sơn), vụ việc chỉ là hiểu lầm giữa quản lý và nhân viên. Hai bên đang giải quyết theo hướng "tình cảm".
Chiều 25/1, chỉ huy Công an huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) cho biết đơn vị vẫn đang xác minh làm rõ vụ Giám đốc Trung tâm giáo dục đặc biệt Giang Sơn bị tố "cưỡng đoạt tiền".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Vũ Thị Sen (46 tuổi, ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì), người tố bà D., cho biết chị là con gái của một thương binh, bản thân bị nhiễm chất độc màu da cam; nói chuyện, nghe khó...
Chị Sen làm việc tại Trung tâm giáo dục đặc biệt Giang Sơn, với nhiệm vụ trông nhóm trẻ. Đầu tháng 1, chị được điều động từ cơ sở ở xã Duyên Thái sang hỗ trợ cơ sở tại thôn Lưu Phái (xã Ngũ Hiệp).
Quá trình làm việc tại đây, chị Sen cho biết bản thân không hài lòng với chất lượng bữa ăn. Nhiều bữa, theo chị Sen, các em 1-2 tuổi chỉ được ăn cơm hoặc bánh đa trộn đậu phụ, một số bữa khác có kèm thịt băm nhưng rất ít.
Người phụ nữ 46 tuổi đã lén chụp ảnh lại bát cơm trên, rồi gửi cho 2-3 phụ huynh. Sau đó, bà Đ. (Giám đốc trung tâm) biết chuyện.
Theo chị Sen, ngày 3/1, chị được mời lên phòng làm việc của bà Đ. để nói chuyện về vấn đề này. Buổi làm việc có chị Sen, bà Đ. và bà N. (quản lý)
Khi đó, chị Sen cho biết chị bị ép viết một bản tường trình và ký vào một "Biên bản nộp phạt hành chính".
Nội dung "Biên bản nộp phạt hành chính" thể hiện, vì chị Sen "nói xấu làm mất uy tín, danh dự của trung tâm, lôi kéo học sinh đến trung tâm khác, làm ảnh hưởng nguồn thu của trung tâm, cũng như hoạt động của trung tâm" nên "đồng ý nộp phạt hành chính" 50 triệu đồng.
Biên bản này ghi thời hạn nộp phạt là ngày 17/2 Âm lịch (tức 26/3 Dương lịch), nếu quá lịch, "Trung tâm Giang Sơn sẽ cho người đến nhà đòi tiền" và "thu thêm 5 triệu đồng".
Biên bản trên có chữ ký của chị Sen và dấu đỏ của Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển Giáo dục đặc biệt Giang Sơn.
Theo chị Sen, khi nghe số tiền bị phạt lên tới 50 triệu đồng, chị khóc lóc, xin nhưng không được chấp nhận. Sau đó, bà Đ. yêu cầu chị chuyển trước 10 triệu đồng. Khi đó, chị Sen nói tài khoản chỉ còn 8 triệu, vì muốn giữ lại 2 triệu đồng để chi tiêu, sinh hoạt. Bà Đ. nhắn số tài khoản ngân hàng cho chị Sen qua Zalo.
Tuy nhiên, do không thông thạo sử dụng điện thoại, chị Sen cho biết đã bị bà Đ. lấy điện thoại để tự nhập số tài khoản. Chính vì vậy, bà Đ. nhìn thấy số dư tài khoản của chị Sen đủ 10 triệu đồng nên tự động chuyển đủ 10 triệu sang tài khoản của mình.
Chị Sen cũng cung cấp cho phóng viên về biên lai chuyển tiền thành công qua ứng dụng banking của ngân hàng.
Theo chị Sen và người nhà, sau khi vụ việc được cơ quan báo chí đăng tải, phản ánh, tối 23/1, bà Đ. cùng một số người khác đã đến nhà chị Sen để "thỏa thuận hòa giải".
Tại buổi làm việc này, bà Đ. thừa nhận có nhận 10 triệu đồng từ chị Sen vào tài khoản ngân hàng của bà, nhưng vị giám đốc phủ nhận cáo buộc ép, lấy điện thoại của chị Sen và tự nhập số tiền chuyển khoản.
Liên lạc với bà Đ. qua điện thoại, Giám đốc Trung tâm giáo dục đặc biệt Giang Sơn nói với phóng viên Dân trí rằng mọi chuyện chỉ là "hiểu lầm giữa 2 bên: Quản lý - Nhân viên".
"Đôi lúc mình quá là nhiều việc, mình không quá tập trung, thiếu sót trong vấn đề quản lý, quản lý chưa chặt chẽ, nên để xảy ra vụ việc mâu thuẫn như thế", bà Đ. nói.
Khi phóng viên hỏi về số tiền 10 triệu đồng, bà Đ. tiếp tục trả lời đây là vấn đề hiểu lầm và 2 bên đang giải quyết theo hướng "tình cảm". Bà Đ. sau đó cúp máy khi phóng viên đặt câu hỏi về "biên bản nộp phạt hành chính".
Theo ghi nhận tại Trung tâm giáo dục đặc biệt Giang Sơn cơ sở Lưu Phái, nơi này là một ngôi nhà dân 4 tầng, được trung tâm thuê lại và hoạt động được khoảng 2-3 tháng gần đây.
Tấm biển hiệu của trung tâm đã bị xé bỏ. Cơ sở này đóng cửa, không hoạt động, không có người bên trong.