Tin ở hoa hồng
Anh bạn tôi nói muốn biết xã hội phức tạp thế nào thì đến tòa. Những câu chuyện có khi đẩy xúc cảm buồn, giận, thương, ghét… lên đến cực điểm, có khi nghe chớm nghẹn ngào.
1. Một người đàn ông có đứa con rơi với cô gái làm tiệm hớt tóc nam. Khi sinh con, cô báo tin. Ông cho rằng không chừng cha đứa bé là ông nào đó từng lui tới tiệm. Mà ngộ thiệt, đàn ông khi được nhân tình báo tin có con thì thường nghĩ là của người khác chớ không phải của mình. Có người bày cô mang chuyện này ra nhờ tòa phân xử. Đứa bé gần ba tuổi đến tòa theo mẹ, lăng xăng ngoài vườn cây. Ông giật mình, sao mà nó giống đứa con gái của ông đến thế, cũng đôi mắt to, khuôn mặt tròn vành vạnh, cái miệng chúm chím… Giữa biển người mênh mông, gương mặt đứa con ruột thịt này không lẫn vào đâu được. Những cảm xúc dịu dàng mà bỏng cháy trong lòng ông cứ như từ suối nguồn sâu thẳm trào ra, ông ôm chầm lấy con mà hít hà, mặc cho con bé ngỡ ngàng trước sự thân mật của người lạ. Thôi, khỏi kiện tụng, khỏi nhờ phán quyết của tòa. Không biết ông sẽ đối mặt với bà vợ ở nhà thế nào, chớ con ông thì ông thương quá chừng rồi. Khi yêu thương lên tiếng thì lòng có ngại ngùng chi!
2. Hạnh phúc tràn ngập sân tòa. Đau khổ cũng tràn ngập sân tòa. Đôi khi hạnh phúc của người này là đau khổ của người kia. Một người mẹ không giành được quyền nuôi con sau phiên tòa ly hôn lẻ loi bước ra khỏi phòng xử. Dáng chị xiêu vẹo, mặt cúi gằm, lòng chắc đau như ai đó cầm dao cứa vào. Người vợ khác lại vui chảy nước mắt khi giành được quyền nuôi đứa bé bệnh tật trong khi người chồng giành nuôi đứa lớn lành lặn. Ai cũng tin là người mẹ như chị sẽ đem đến cho đứa bé thật nhiều yêu thương, thật nhiều ngọt ngào.
Một phụ nữ ở quận Bình Tân chỉ ở nhà nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ chồng. Hết lo xong đám tang cho mẹ chồng nhiều năm đau ốm, chị lại phải chăm sóc, tắm rửa cho cha chồng bệnh nằm một chỗ. Chồng chị làm giám đốc công ty này đến chủ tịch công ty nọ. Một ngày, chị nhận được giấy mời của tòa. Lý do người chồng nêu ra là cả hai không cùng quan điểm sống, có sự khác biệt về nhận thức, trình độ. Ờ, người quan hệ xã hội rộng rãi, người chỉ loanh quanh trong nhà thì trình độ nhận thức khác nhau là phải rồi. Người chồng một mực cho rằng lời khai của nhân chứng là anh ruột, cô ruột, chú ruột về sự bạc tình, bất hiếu cũng của ông là “không khách quan”. Khi chờ xét xử phúc thẩm, người chồng dọn ra riêng, theo người vợ là chung sống với người tình trẻ. Tòa nhận định hai vợ chồng không mâu thuẫn trầm trọng nên giữ nguyên án sơ thẩm. Chị ủ ê ra về, hai năm nữa ông ấy còn đòi ly hôn thì tôi sẽ đồng ý, còn giờ tôi cứ chờ, chờ ông ấy mỏi chân mà quay về. Người chồng cau có, có lẽ đang nghĩ cách giải thích với người tình về chuyện chưa được “tự do” của mình. Phán quyết của tòa không thể đem lại hạnh phúc cho người vợ khi người chồng đã quyết ra đi.
Chuyện khác: Người chồng bị chứng vẹo cột sống ở quận Tân Phú năn nỉ tòa đừng chấp thuận đơn xin ly hôn của vợ, hoặc nếu chấp thuận thì cho anh được nuôi con (dù đứa con chỉ còn vài tháng nữa là đến tuổi 18). Làm nghề may, cuộc sống tuy vất vả nhưng lúc nào cũng có vợ có chồng. Kinh tế khấm khá hơn, họ đầu tư vào những ngành nghề khác thì thất bại. Người vợ phải làm những chuyến buôn đường dài. Cũng từ đó, những bữa cơm không còn đầm ấm, vợ chồng ăn cho rồi bữa. Người vợ nộp đơn năm lần bảy lượt. Ra tòa lần này, anh muốn tìm được ánh mắt chị đã khó, không mong gì được nghe chị nói ra những mắc mứu trong lòng. Ai cũng bảo vợ anh đẹp thế kia, đi buôn dài ngày thì chuyện gì xảy ra. Anh cắn môi quay đi… Tòa lại bác đơn, chắc tòa cũng muốn giữ gìn cái hạnh phúc mong manh đã có hơn 20 năm giữa họ nhưng hạnh phúc phải được vun đắp từ những con tim chân thành chứ nào phải nhờ vào bản án.
3. Có người khi nghe đến những tội ác giết người vì những mâu thuẫn lặt vặt thì cho rằng người phạm tội chắc là bị ma nhập. Tôi đồ rằng người nói câu này sẵn có trong lòng niềm tin yêu vô bờ về phẩm giá con người, rằng đã là con người thì bản tính lương thiện, chỉ khi bị ma ám mới phạm tội.
Tôi nhớ hoài hình ảnh một buổi trưa đầy nắng, mây trên trời trong vắt, dưới sân tòa, một thanh niên quỳ trước mặt mẹ người bị hại xin tha thứ cho em trai mình. Trong một cơn say sau chầu nhậu, em trai của anh và con của bà đã hỗn chiến và kết cục là một cuộc đời trẻ phải chấm dứt. Nỗi đau là của cả hai gia đình. Suốt buổi, người mẹ nạn nhân và anh cùng khóc. Bà đau vì mất thằng con rứt ruột đẻ ra, chắt chiu từng ngày nuôi nên vóc nên hình, thế nhưng bà cũng sẵn sàng tha thứ cho thằng bạn thân của con mình, chỉ vì rượu mà đối mặt với bản án tù giam dài thăm thẳm.
Tôi cũng gặp bà mẹ chồng sẵn sàng tha thứ cho con dâu, thậm chí có thể quỳ xin tòa giảm án cho con dâu nếu con dâu khai ra đồng phạm. Trước sau bà vẫn một từ “con dâu tôi” khi nhắc về người phụ nữ đã cướp mất sự sống của đứa con mà bà rứt ruột đẻ ra.
4. Đã có nhiều hình ảnh đối lập, mong manh giữa tốt - xấu, hợp lý - không hợp lý, tử tế - không tử tế tại chốn pháp đình.
Các hộ dân ở ấp Cây Sắn làm nghề nông, dùng xe bò chở sản phẩm ra lộ bán và đi trên lối đi chung từ bao nhiêu năm nay. Ấp cũng xác nhận con đường mòn ấy không của riêng ai. Khi mua đất, chủ đất mới xây bít lối đi chung, các hộ phải lội suối mới ra được đến đường cái. Khi mùa mưa tới, bốn bề là mênh mông nước, họ sẽ ra vô bằng lối nào? Đâu rồi xóm giềng thân thuộc, tối lửa tắt đèn? Đâu rồi những chiều cùng nhau xay bột làm bánh, những ngày phụ nhau làm bữa cơm cúng giỗ? Bất giác tôi nghĩ đến những con người hiến đất làm đường cho tụi nhỏ đến trường cho có cái chữ.
Lại có một vị luật sư bào chữa chỉ định cho một bị cáo vị thành niên phạm tội trộm cắp. Sau phiên tòa, ông tìm đến nhà trọ, cho bị cáo tiền để mua chiếc xe đạp. Ông đã nghe được ước muốn có cái xe để đi bỏ báo kiếm tiền mua gạo cho mẹ và hai chế (chị) bệnh tật của thằng bé. Ông tin rằng tâm hồn non nớt ấy sẽ vững vàng, đầy trách nhiệm và sớm trưởng thành trước giông bão cuộc đời.
Cứ như thế, từng câu chuyện đôi khi làm tôi thấy giận đời rồi lại dặn lòng: đời có chua chát, cay đắng thì ta phải học cách làm cho đời ngọt ngào hơn, sao mà ghét đời cho được? Bởi đời còn rất nhiều tâm tình đáng trân trọng như vị luật sư kia, như người chồng, người mẹ kia. Nhiều khi trong tột đỉnh của cảm giác buồn giận, tôi muốn được thả tất cả phiền muộn lên trời cao để lại tin yêu cuộc đời, tin yêu những con người dù đang ở tận cùng nỗi đau vẫn không ngừng hy vọng. Như tựa một bài hát: Tin ở hoa hồng.
Theo Phương Loan
PLTPHCM